Bắc Kinh phát cáu vì ‘chỉ số kiểu Mỹ’
Trên nóc tòa nhà sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đặt một thiết bị có kích cỡ chỉ bằng một cái lò vi sóng. Số liệu phát ra đều đặn hàng giờ từ thiết bị này đang khiến các quan chức môi trường Bắc Kinh bất bình.
Giao thông trên đường phố Bắc Kinh một buổi chiều tháng 10/2011. Ảnh:EPA. |
Đây là loại thiết bị dùng để theo dõi số lượng và kích cỡ các hạt bụi trong không trung, một thành phần nguy hiểm nhất gây ô nhiễm không khí. Các kết quả máy đo được ngay lập tức được chuyển lên trang mạng xã hội Twitter và một ứng dụng của điện thoại iPhone. Các blogger Trung Quốc là những người thường xuyên cập nhật các số liệu này.
Chuyện không có gì đáng nói nếu các chỉ số mà máy này đưa ra không vênh với các thông báo chính thức của chính quyền thành phố. Hôm nay, phát ngôn viên cơ quan bảo vệ môi trường Bắc Kinh Du Shaozhong nói rằng các con số phát ra từ máy ở sứ quán Mỹ là “thổi phồng”.
“Tôi không hiểu cách người ta đo như thế nào cũng như độ chính xác của nó”, AFP dẫn lời ông Du nói. “Nhưng cái cách mà họ công bố con số là kiểu thổi phồng, không nghiêm túc như một nghiên cứu nên có”.
Hồi đầu tuần, Cục bảo vệ môi trường thành phố Bắc Kinh công bố chỉ số ô nhiễm môi trường đo được là giữa 150 và 170, và được chú thích ngày hôm đó không khí Bắc Kinh chỉ “ô nhiễm nhẹ”. Trong khi đó, chỉ số đọc được từ thiết bị kiểm tra ở đại sứ quán Mỹ cả ngày hôm đó luôn hiện ở mức trên 300 với cảnh báo “nguy hiểm”.
Trước đó, vào ngày 9/10, chỉ số ô nhiễm không khí được báo trên thiết bị này của sứ quán Mỹ là trên 500 và được cảnh báo là “vượt quá chỉ số cho phép”. Số liệu này thậm chí đã ngay lập tức bị nhảy vọt lên trên đỉnh cao của biểu đồ hiện trên màn hình của máy đo. Nhưng công bố chính thức của chính phủ Trung Quốc ngày hôm đó cho hay không khí Bắc Kinh cũng chỉ “hơi ô nhiễm”.
“Mỹ chưa từng bao giờ đo được số liệu cao như thế, trừ trường hợp các vị ở gần một đám cháy”, Dane Westerdahl, chuyên gia nghiên cứu về chất lượng không khí ở đại học Cornell, Mỹ.
Bắc Kinh nói họ ghi nhận những “lo lắng” đó của phía Mỹ, và giải thích rằng sở dĩ có sự vênh nhau về số liệu là do hai bên có những cách đo mức độ ô nhiễm khác nhau.
Phải nói rằng ngay cả đến những tuyên truyền viên nhiệt thành nhất cũng sẽ không nói rằng không khí của thành phố là trong sạch,LA Timesnhận định. Cũng cần nhìn nhận một điều là chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực trong cải thiện chất lượng không khí khi mà thế vận hội thể thao Olympic diễn ra vào mùa hè 2008 ở Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã di dời nhà máy thép lớn nhất ra ngoài thủ đô. Chính phủ khuyến khích các cư dân sống trong thành phố chuyển từ việc dùng than để sưởi ấm sang dùng hệ thống sưởi bằng gas. Ngoài ra Bắc Kinh còn nâng chuẩn về khí thải đối với xe tải, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm mới cũng như lập thêm các tuyến xe buýt. Ước tính đầu tư cho những công việc này lên tới 10 tỷ USD. Chi phí này chưa bao gồm những đầu tư cho hàng loạt các trạm trung chuyển lớn.
Ba năm sau sự kiện Olympic diễn ra ở Bắc Kinh, lượng xe ô tô lưu thông trong thành phố tăng vọt. Các trạm giám sát của Trung Quốc được đặt quanh thủ đô cho phép quan sát được những hạt bụi thô có đường kính từ 2,5 đến 10 micromet. Số lượng những hạt bụi này đã giảm đáng kể nhờ kết quả của chương trình trồng rừng để hạn chế những trận bão bụi thổi từ sa mạc vào thành phố. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc giảm lượng khí thải chứa lưu huỳnh thông qua việc hạn chế dùng than để sưởi và áp dụng quy định về chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, thiết bị quan sát của Mỹ có thể theo dõi được những hạt bụi nhỏ li ti dưới 2,5 micromet. Lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu khuyến cáo rằng, các hạt bụi nhỏ này “nguy hiểm nhất cho sức khỏe con người” bởi lẽ chúng có khả năng thâm nhập vào phổi và các bộ phận khác của con người. Thậm chí chúng có thể đi vào máu.
Khói từ ô tô và xe tải là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm hạt mịn. Cũng thật dễ hiểu nếu nhìn vào số lượng xe ô tô đăng ký mới ở thành phố này tăng vọt từ 3,5 triệu vào năm 2008 lên 5 triệu xe vào năm nay.
“Thế vận hội Olympic đã để lại những điều quý giá cho đất nước Trung Quốc nhưng hiện Bắc Kinh đối mặt với nhiều vấn đề lớn”, Ma Jun, giám đốc Viện nghiên cứu môi trường và công cộng Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói. Những nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, phòng tránh ô nhiễm không thấm vào đâu bởi dân số ở thành phố này ngày một tăng, với việc mở rộng thành phố, lượng ô tô tăng vọt”.
Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đều mô tả không khí Bắc Kinh là “sương mù”. Thậm chí, tờ Tin tức hàng ngày của Trung Quốc còn đưa ra cảnh báo “sương mù” cho cả tuần. Chính phủ Trung Quốc cũng công nhận rằng sương mù là do khói bụi. Mặc dù vậy Giám đốc Viện nghiên cứu môi trường và công cộng, Ma Jun vẫn khăng khăng rằng: “Những đám mây xám làm cho không khí của thành phố ngột ngạt thực ra là ’khói sương’”.
Bất chấp những chỉ trích của người dân Trung Quốc, đặc biệt là từ những số liệu của sứ quán Mỹ về chất lượng không khí ở Bắc Kinh, mới đây, Cục môi trường Bắc Kinh đã đưa ra báo cáo rằng năm ngoái Bắc Kinh có đến 286 ngày “bầu trời trong xanh” tăng so với 274 ngày năm 2008. Và họ kết luận rằng đó chính là tín hiệu của chất lượng không khí đang dần được cải thiện.
Cùng với việc không khí ô nhiễm, thời tiết khô hạn càng làm cho người dân Bắc Kinh thêm lo lắng. Mari Ramos, phát thanh viên của chương trình dự báo thời tiết quốc tếCNN,nói: “Thời tiết Bắc Kinh bị chi phối bởi áp suất cao, đồng nghĩa với việc không khí ngột ngạt và khô nhiều ngày. Điều này chắc chắn có liên quan đến chất lượng không khí kém đi. Không khí bị tù đọng và các thành phần gây ô nhiễm bị mắc kẹt ở gần mặt đất”.
Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng họ ngửi thấy mùi lưu huỳnh trong không khí. Một số còn đăng lên những bức ảnh về bầu trời xám xịt ở khắp Bắc Kinh.
WikiLeaks đầu năm nay đã tiết lộ một bức điện tín ngoại giao nói rằng chính phủ Trung Quốc yêu cầu sứ quán Mỹ dừng việc công bố từng giờ các số liệu đo được từ thiết bị đo mức độ ô nhiễm không khí Bắc Kinh trên trang Twitter ở địa chỉ @beijingair. Có tới 9,200 tài khoản kết nối với trang này.
Tháng 7/2009, một quan chức Bộ ngoại giao đã từng phàn nàn rằng sự “vênh nhau” trong số liệu của Mỹ và Trung Quốc gây ra “tình huống khó xử” và những “hậu quả xã hội” không mong muốn.
Sứ quán Mỹ đã đặt thiết bị theo dõi này vào năm 2008, trước khi diễn ra Thế vận hội Olympic để khuyến cáo nhân viên về mức độ ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Sau đó, họ công bố các số liệu này theo quy định của ngoại giao đối với những thông tin liên quan đến nguy cơ sức khỏe và an ninh cần được công khai.
Từ tháng 11 năm ngoái những số liệu được công bố bắt đầu thu hút sự quan tâm rộng rãi khi lần đầu tiên lượng bụi trong không khí vượt trên 500 microgam trên một mét khối, cao gấp 7 lần so với quy định tiêu chuẩn chất lượng không khí cho phép.
Báo cáo của sứ quán Mỹ gọi mức ô nhiễm này là “kinh khủng khiếp” bởi lượng ô nhiễm quá cao đã vượt khỏi biểu đồ của máy. Lý do là một nhân viên lập trình vui tính đã tạo ra từ này trong máy tính và vô tình chuyển y nguyên lên trang Twitter, mà không nghĩ đến việc từ đó có thể không phù hợp với văn phong ngoại giao.
Tuy nhiên sứ quán sau đó đã xóa từ này và thay bằng kiểu ngôn ngữ trung tính hơn “vượt quá chỉ số”. Mặc dù vậy, cách “mô tả sinh động” đó về mức độ ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh vẫn được lưu truyền trong cộng đồng.
theo vnexpress