Loài chim mọc cánh không phải để bay
Nghiên cứu mới nhất khẳng định, tổ tiên loài chim mọc cánh với bộ lông vũ bao phủ để giữ nhiệt cho cơ thể nhưng quá trình chọn lọc tự nhiên kéo dài hàng triệu năm giữ lại những loài đột biến có thể bay.
Kết quả này được nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia sinh vật học cổ đại tới từ Đại học Bristol, Đại học Yale và Đại học Calgary đưa ra sau khi nghiên cứu bằng chứng về tổ tiên của loài chim. Theo đó, lông loài thời tiền sử, sau này tiến hóa thành chim, được sắp xếp thành nhiều lớp, với chức năng duy nhất là cách nhiệt.
Không những vậy, loài khủng long cổ đại này cũng sở hữu đôi cánh, do các chi trước biến đổi. Tuy nhiên, loài này chỉ sống và di chuyển bằng chi sau ở dưới mặt đất. Ngoài chức năng cách nhiệt, lớp lông vũ còn giúp loài vật này nâng cao khả năng ngụy trang hay đe dọa kẻ thù trước khi tiến hóa thành loài động vật có thể bay. Ban đầu, lớp lông này cứng nhắc và nằm bất động. Chúng không thể dịch chuyển hay lưu thông gió. Tuy nhiên, quá trình tiến hóa kèm theo việc chọn lọc tự nhiên giúp loài khủng long sở hữu lớp lông vũ có khả năng linh hoạt cao, dễ thay đổi hình dạng tồn tại tốt hơn so với những con chưa đột biến. Chính vì lẽ đó, loài mới sinh sôi và phát triển mạnh trong khi loài cũ bị loại bỏ do quá trình chọn lọc tự nhiên. Tiến sĩ Jakob Vinther, chuyên gia Khoa học và Sinh vật trái đất, thuộc Đại học Bristol cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu quá trình nghiên cứu nhằm đưa ra bức tranh chi tiết về quá trình tiến hóa phức tạp của lông vũ cũng như sự tiến hóa của loài chim từ những con khủng long thời tiền sử”.
“Chúng tôi nhận ra rằng, những chiếc lông vũ đầu tiên được sử dụng cho quá trình cách nhiệt của loài khủng long. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hóa, những loài sở hữu bộ lông phức tạp hơn được chọn lọc tự nhiên giữ lại nhờ khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường. Một vài trong số đó trở nên phù hợp với việc di chuyển trong không trung và tiếp tục được giữ lại”, Tiến sĩ Vinther cho biết. Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà cổ sinh vật học được công bố trên tạp chí Current Biology. Nó được đưa ra nhờ dựa vào những mẩu xương hóa thạch của loài khủng long Anchiornis huxleyi và Archaeopteryx lithographica, một con chim sống trong kỷ Jurassic, cách đây khoảng 155 triệu năm. Trên thực tế, cả 2 loài này đều có những đặc điểm chung của cả chim và khủng long, giúp kết quả nghiên cứu được đánh giá cao hơn. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing