‘Hồi sinh’ của chàng trai mắc AIDS
Đã bao lần nhớ lại quá khứ “giang hồ”, Toán giật mình run sợ. Anh cũng không hiểu nổi sao mình có thể vượt qua những cơn nghiện kéo dài, vực dậy từ cái chết cận kề do AIDS, để bây giờ có vợ và làm chủ một cơ sở sản xuất chậu cảnh khá bề thế ở Đông Hà, Quảng Trị.
Tại cơ sở sản xuất chậu cây cảnh của anh Nguyễn Viết Toán, 31 tuổi, gần đây thường chỉ có người vợ ở nhà. Chị Lê Thị Tường Vân, vợ anh, kể: từ đầu năm nay, ngoài việc sản xuất và bán chậu cảnh, anh Toán còn có thêm việc tìm và giới thiệu thêm cây cảnh cho các “đại gia” nên hay vắng nhà.
So với 3 năm trước đó, dáng vẻ chị Vân vẫn chẳng có gì thay đổi. Có điều chị vui hơn trước vì hiện hai vợ chồng đã có thêm một đứa con gái nuôi 4 tuổi.
Anh Toán và chị Vân hạnh phúc sau 3 năm kết hôn. Ảnh: Trần An. |
Nhớ lại những ngày mới yêu và quyết định lấy anh Toán, gia đình chị phản đối kịch liệt. Buồn, chị khóc rất nhiều và nhất quyết không chịu lấy ai. Cuối cùng thì một đám cưới nhỏ, đơn giản được tổ chức cho đôi uyên ương mà theo nhiều người là rất khó gặp ở trong xã hội, đã được diễn ra vào tháng 11/2008.
Chị bảo đến giờ bên gia đình chị vẫn có người chưa thực sự ủng hộ. “Nhiều người vẫn hay thắc mắc về chuyện của mình lắm. Họ hỏi tại sao yêu và cưới một người mắc AIDS làm chồng? Mình chỉ cười”.
Anh Toán, quê ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Gia đình làm nông và khó khăn nên năm 15 tuổi, anh phải khăn gói vào Nam kiếm sống. Được vài năm, anh vào Bình Phước lái xe thuê ở các trang trại cao su. Bị công an phạt vì không có bằng lái, anh mất việc. Chán nản, anh lang thang và bắt đầu gia nhập nhóm giang hồ “Quạ đen”, và luôn có mặt trong những cuộc nhậu, đâm chém đẫm máu. Từ đó, anh cũng tiếp xúc với ma túy. Từ hút hít chuyển sang chích rồi mắc HIV.
Trong căn nhà thuê, anh cũng sắm máy tính nối mạng để tìm mẫu mã sản phẩm mới và kết giao với người cùng cảnh ngộ. Ảnh: Trần An. |
Khi công an triệt phá nhóm “Quạ đen”, Toán và những người trong nhóm bị bắt vào trại giam. Một thời gian sau anh được thả khi biết mình đã mắc AIDS.
“Thời gian đó với tôi như là địa ngục. Không anh em, không người thân trên mảnh đất xa lạ. Rồi bệnh tật bắt đầu hoành hành. Tôi chỉ mong trở về quê để có thể chết ở nơi chôn rau cắt rốn của mình!”, anh nhớ lại.
Về mảnh đất gió Lào quê hương, Toán chỉ còn thân hình gậy rộc, yếu ốm và tưởng chừng không qua khỏi. Những cơn nghiện kéo dài cũng khiến sức khỏe anh giảm sút trầm trọng. Nhiều người làng dị nghị, không muốn đến nhà. Chỉ có cha mẹ, anh em của Toán ngày đêm chăm sóc và đã đem lại niềm tin cho anh. Nhìn nước mắt của mẹ, nỗi lo của cha, Toán đã vực dậy làm lại cuộc đời.
Sức khỏe hồi phục, anh quyết đi tìm việc. Anh làm thợ đúc chậu cảnh thuê cho nhiều người. Trong một lần vào xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế, anh gặp chị Vân và nên duyên vợ chồng. “Hồi đó, dù biết anh đã mắc bệnh AIDS nhưng tôi vẫn tin vào nghị lực của anh và dành tình yêu cho anh”, chị Vân nhớ lại.
Sau khi cưới vợ, anh trở về quê và mở xưởng đúc chậu cây cảnh ngay tại nhà. Nhiều người không có việc làm ở xã đã đến xin việc ở đây và kiếm thêm thu nhập đáng kể. Anh cũng trở thành đầu mối phân phối chậu cây cảnh ở Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.
Cơ sở chậu cảnh của anh hiện mang lại công ăn việc làm tốt cho 6 công nhân. Ảnh: Trần An. |
Sau 3 năm, hiện anh đã mở được một cơ sở đúc chậu cây cảnh ở thành phố Đông Hà với 6 nhân công, mức lương trung bình 5 triệu đồng mỗi tháng.
“Ban đầu họ cũng ngại vì hay tin tôi mắc AIDS, nhưng dần dần họ quen hẳn”, anh Toán kể. Trong căn nhà che tạm trên mảnh đất thuê, anh trang bị khá chu đáo. Chiếc máy tính nối mạng được sử dụng để vừa dò tìm mẫu mã sản phẩm được ưa chuộng hiện nay; vừa là cơ sở để anh trao đổi, liên lạc và chia sẻ kinh nghiệm sống với những người cùng cảnh ngộ.
Nhờ có bàn tay của anh, từ tháng 4/2009, CLB Yêu thương Quảng Trị đã ra đời nhằm kết nối và chia sẻ về cuộc sống, sức khỏe, cách làm kinh tế…của những thành viên có HIV. CLB cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền đến với mọi người không nên kỳ thị với người có bệnh. Hiện CLB có 45 thành viên, trong đó hơn 80% đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
“Phần lớn những người có HIV đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Họ cần được tạo điều kiện và hướng dẫn cách làm kinh tế. Việc này không chỉ riêng CLB mà cần sự giúp sức của cả xã hội”, anh Toán bộc bạch.
“Từ khi có CLB Yêu thương Quảng Trị, anh Toán đi suốt ngày. Mỗi tháng thì có đến hơn một nửa là dành thời gian cho các hoạt động của CLB. Với anh ấy, đó là niềm vui lớn”, người vợ cho biết.
Biết mình khó có con, anh chị đã nhận một cháu gái 4 tuổi làm con nuôi, và đang rất hạnh phúc. Anh Toán tâm sự: “Tôi vẫn mơ ước có một đứa con thực sự. Khoa học ngày nay hiện đại lắm rồi. Tôi sẽ làm và dành dụm tiền, đi xét nghiệm lại tỷ lệ virus rồi sàng lọc tinh trùng để có con!”.
Trần An