Vì sao cá ngựa siêu chậm trở thành sát thủ đại dương?
Tuy cá ngựa di chuyển chậm chạp dưới đại dương nhưng con mồi yêu thích của chúng lại là Copepods, loài sinh vật nhanh nhất dưới đáy nước.
Thân hình kì dị khiến cá ngựa trở thành sinh vật “lề mề” nhất dưới đại dương. Những con cá ngựa chậm chạp nhất chỉ có thể di chuyển với tốc độ 1,5 m/giờ. Trong khi đó, con mồi ưa thích của chúng, loài giáp xác Copepods, lại là sinh vật nhanh nhất hành tinh. Nếu một con Copepods sở hữu kích thước tương đương một người trưởng thành, tốc độ di chuyển của nó sẽ đạt 3.200 km/h.
Chênh lệch quá lớn về tốc độ giữa kẻ săn mồi và con mồi khơi gợi trí tò mò của các nhà sinh vật học. Để tìm ra câu trả lời, các chuyên gia quyết định sử dụng máy qua 3D tốc độ cao, nhằm nghiên cứu cách thức săn mồi của cá ngựa lùn (Hippocampus zosterae). Kết quả nghiên cứu tiết lộ khá nhiều điều thú vị về loài động vật chậm chạp của đại dương. Máy quay tốc độ cao cho thấy, loài cá ngựa có khả năng “tàng hình” để bù lại tốc độ chậm chạp. Tiến sĩ Brad Gemmell của Đại học Texas, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, hình dạng kỳ dị của loài cá ngựa giúp chúng không tạo sóng trước mõm trong suốt quá trình di chuyển. Ngoài ra, các vây lưng giúp cơ chế di chuyển của loài cá ngựa cực êm, khiến con mồi không thể phát hiện chúng. Chính nhờ những khả năng độc đáo này, tỉ lệ săn mồi thành công của loài cá ngựa chậm chạp rất cao, dù con mồi vượt xa chúng về tốc độ.
“Cá ngựa tìm ra cách bắt Copepods, một trong những loài tài năng nhất thế giới thủy sinh về khả năng tẩu thoát, để biến chúng thành con mồi. Mọi người không tin rằng cá ngựa là loài săn mồi tuyệt vời nhưng chúng thực sự là những sát thủ thầm lặng”, tiến sĩ Gemmel nhận định. Hồng Duy Theo Tri Thức |