8 giáo lý cổ xưa được củng cố bằng khoa học thực nghiệm
Trái đất có thể không được bằng phẳng cũng không phải là trung tâm của vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa là các giáo lý cổ xưa đều sai lầm. Thực tế gần đây, khoa học hiện đại đã xác nhận một số kiến thức và niềm tin bắt nguồn từ trí tuệ cổ xưa ngày càng trở nên đáng tin cậy.
Dưới đây là tám niềm tin cổ xưa và những bài tập đã được xác nhận bởi khoa học hiện đại.
Giúp đỡ người khác có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn
Trong cuộc tìm kiếm không có hồi kết về phương thức tốt nhất cho cuộc sống, các triết gia Hy Lạp tranh luận về tương quan lợi ích giữa hạnh phúc từ sự hưởng thụ và hạnh phúc trong tinh thần. Hạnh phúc có được từ sự hưởng thụ là yếu tố làm tăng cảm giác thỏa mãn, đồng thời giảm trừ những đau đớn, trong khi hạnh phúc trong tinh thần (“tôi luyện con người”) đến từ việc làm vô số điều vì mục đích lớn hơn hoặc vì ý nghĩa của cuộc sống. Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, nhà tâm lý học Barbara Fredrickson đã có thể tiết lộ hình thức hạnh phúc có lợi hơn cho sức khỏe và tinh thần.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong Tập san của Viện Hàn lâm Khoa học năm 2013 cho thấy, cả hai loại hạnh phúc đều có thể làm cho bạn cảm thấy tốt, nhưng loại hạnh phúc thứ hai có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tuổi thọ. Thông qua các cuộc phỏng vấn điện thoại, bản trắc nghiệm và việc kiểm tra mẫu máu, nghiên cứu đã khám phá cách thức hai hình thức hạnh phúc ảnh hưởng đến cá nhân trên mức độ di truyền. Những người tham gia cảm thấy nhiều hạnh phúc dựa trên sự hưởng thụ và ít hạnh phúc tinh thần, sẽ có ít kháng thể chống virus hơn người có nhiều hạnh phúc tinh thần.
Châm cứu có khả năng phục hồi sự cân bằng của cơ thể
Y học cổ truyền Trung Quốc nhắm vào việc giải quyết sự mất cân bằng khí trong cơ thể người, dòng năng lượng lưu thông trong mọi sinh vật sống. Dù bạn tin hay không tin vào sự tồn tại của các dòng năng lượng này, một nghiên cứu mới được công bố trong Tài liệu Lưu trữ Nội Khoa (Archives of Internal Medicine) cho thấy, giải pháp cổ xưa này có thể là cách hiệu quả để làm giảm các chứng đau nửa đầu, viêm khớp và đau mãn tính khác.
Phân tích dữ liệu nghiên cứu trước đây trên khoảng 18.000 đối tượng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng châm cứu huyệt vị hiệu quả hơn châm cứu giả và phương pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn phương Tây khi điều trị nhiều chứng đau, bao gồm cả chứng đau nửa đầu và đau lưng mãn tính.
Mỗi cá nhân cần sự hỗ trợ của cộng đồng để phát triển
Giáo lý Phật giáo truyền thống giảng rằng cộng đồng đóng vai trò quan trọng để giúp một cá nhân có được hạnh phúc và cuộc sống trọn vẹn. Trong một nghiên cứu năm 2010 được tiến hành bởi Đại học Brigham Young và Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, các nhà nghiên cứu khẳng định niềm tin này, và đi đến kết luận một cuộc sống xã hội lành mạnh giúp kéo dài tuổi thọ.
Theo dữ liệu trong 148 nghiên cứu, gồm hơn 300.000 người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện, những người có mối quan hệ xã hội lành mạnh sẽ nhận được hơn 50% khả năng sống sót so với những người còn lại. Ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội đối với nguy cơ tử vong còn lớn hơn ảnh hưởng của thể dục hoặc béo phì.
Thái Cực Quyền có thể giúp giảm nhẹ rất nhiều triệu chứng liên quan đến sức khỏe
Loại hình võ thuật Trung Quốc truyền thống này được dựa trên niềm tin sự cân bằng giữa tinh thần và cơ thể tạo nên sự thanh tĩnh và bình hòa, giúp tăng tuổi thọ một cách tự nhiên. Một báo cáo đưa ra vào tháng 5/2009 của Harvard Women’s Health Watch tóm tắt một số nghiên cứu đã xác nhận, “chuyển động chậm rãi, thiền định” có thể giúp ngăn ngừa và điều trị nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe song song với phương thức điều trị tiêu chuẩn ở người lớn tuổi. Một số nghiên cứu khác trong hàng thập kỷ vừa qua đã nhận ra Thái Cực Quyền mang đến lợi ích cho những người bị viêm khớp, mật độ xương thấp và bệnh tim.
Thiền định có thể giúp giảm stress và làm thanh thản tâm hồn
Có nguồn gốc từ phương Đông cổ xưa, việc thực hành thiền định được cho là giúp giữ gìn tâm tính và đạt được một mức độ cao hơn về nhận thức, trong khi việc nâng cao sức khỏe và hạnh phúc chỉ được coi như một hiệu quả phụ diện. Khoa học hiện nay đang tiến gần hơn đến việc chứng minh lợi ích sức khỏe của thiền định. Các nghiên cứu mới nhất từ đội ngũ khoa học Trường Y Harvard cho thấy, cách rèn luyện thân và tâm này có thể ảnh hưởng đến gen, kiểm soát mức độ căng thẳng và chức năng miễn dịch.
Bác sĩ tâm thần học là John Denniger của Đại học Harvard và nhóm của ông đã sử dụng công nghệ chụp ảnh neuro và hệ gen để đo những thay đổi sinh lý tiềm tàng trong mỗi cá nhân một cách chính xác. Sau khi quan sát một người bị căng thẳng cao tập yoga và thiền định, nhóm nghiên cứu nhận thậy sự gia tăng sản xuất các ty thể, khả năng đàn hồi và hồi phục được cải thiện, những thứ này giúp làm giảm căng thẳng liên quan đến điều kiện sức khỏe như tăng huyết áp và vô sinh.
Từ bi là chìa khóa cho một cuộc sống ý nghĩa
Phật giáo Tây Tạng truyền thống bao gồm một thực hành được gọi là từ bi (metta). Một nghiên cứu năm 2012 từ Đại học Emory cho thấy, thiền định từ bi dựa trên hình mẫu Tây Tạng có thể làm tăng khả năng thấu hiểu người khác bằng cách xem biểu hiện cơ thể và nét mặt của họ.
Một nghiên cứu về thiền định từ bi từ năm 2011 cho thấy, theo thời gian, việc thực hành thiền định này tăng cảm xúc tích cực cho những người tham gia, giúp họ tìm thấy ý nghĩa sâu sắc của chánh niệm, mục đích của cuộc đời, của cộng đồng xung quanh, và sức khỏe bản thân. Các thành phần này giúp tăng sự hài hòa trong cuộc sống của người thực tập thiền.
Chấp nhận những điều không thể thay đổi là chìa khóa để thoát khỏi khổ đau
Theo giáo lý Phật giáo, con người phải học cách chấp nhận những điều vốn không thể thay đổi để thoát khỏi khổ đau. Ngày nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng niềm tin là điều đúng đắn, đặc biệt đối với những người nhiều tuổi đang phải làm việc vất vả để thay đổi cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Deakin, Australia phát hiện ra rằng đối mặt với thực tế của cuộc sống về vấn đề được và mất giúp người cao tuổi sống lâu hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Hạnh phúc (Journal of Happiness Studies) năm 2013, đã tiến hành đối chiếu cảm giác hài lòng và kiểm soát nhận thức của những người lớn tuổi hơn đang sống với sự hỗ trợ và những người cao tuổi sống trong cộng đồng. Phân tích của họ cho thấy rằng khả năng chấp nhận những việc không thể tránh khỏi (cũng như duy trì kiểm soát ở mức độ thấp) là một yếu tố quan trọng cho sự hài lòng trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Để bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, sự thích ứng bao gồm cả cảm giác kiểm soát và chấp nhận những gì không thể thay đổi”.
Tất cả điều bạn cần là tình yêu thương
Nếu có một điều mà rất nhiều trí tuệ cổ xưa đều đồng ý, đó là giá trị của tình yêu trong việc duy trì một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc. Và một nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Harvard, có nhiệm vụ tìm ra gốc rễ thực sự của một cuộc sống ý nghĩa, đã tiến hành nghiên cứu 75 năm và đạt được kết luận tương tự.
Dự án Harvard Grant Study, dẫn đầu là bác sĩ tâm thần George Vaillant, nghiên cứu cuộc sống của 268 nam sinh viên để trả lời câu hỏi phổ quát của cuộc sống về sự tăng trưởng, phát triển, giá trị và mục đích. Vaillant xem xét phát hiện có ý nghĩa nhất của cuộc nghiên cứu đó một cuộc sống hạnh phúc xoay quanh mối quan hệ yêu thương. Ông giải thích rằng có hai điều cốt lõi của hạnh phúc: “Một là tình yêu. Cái khác là tìm cách để đối phó với cuộc sống mà không mất đi tình yêu”.
Thanh Phong – Dịch từ Mind Unleashed