Nguyên nhân Triều Tiên lo ngại bộ phim “The Interview”
Quốc gia bí ẩn nhất Thế Giới hứa hẹn sẽ “trả đũa tàn nhẫn” với các nhà làm phim đằng sau bộ phim hài The Interview. Vậy điều gì trong bộ phim khiến họ lo ngại?
Trong những tuần qua câu hỏi liệu nhà lãnh đạo chuyên chế Kim Jong-un của Triều Tiên có khiếu khôi hài hay không dường như đã có câu trả lời rõ ràng. Bộ phim hài “The Interview” của hãng Sony Pictures dường như không đem lại một nụ cười nào dù là nhỏ nhất từ nhà lãnh đạo của quốc gia bí ẩn nhất thế giới này.
Trong bộ phim do Evan Goldberg đạo diễn này, James Franco và Seth Rogen vào vai hai nhà báo được CIA tuyển dụng để ám sát Kim Jong-unn do Randall Park, tài tử người Mỹ gốc Hàn, thủ vai.
“Hành vi chiến tranh”
Chỉ hai tuần sau khi đoạn phim giới thiệu ‘The Interview’ xuất hiện trên mạng, vào ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã gửi thư đến Nhà Trắng lên án bộ phim này là “sự khủng bố” và “hành vi chiến tranh”. Sau đó, họ tiếp tục phản đối lên Liên Hợp Quốc.
“Nếu Chính phủ Mỹ bỏ qua việc ra mắt phim này thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả”, phát ngôn viên của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đe dọa.
“Những người chế giễu nhà lãnh đạo của chúng tôi là phạm tội thù địch với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và sẽ bị trừng trị theo pháp luật dù chúng có trốn ở bất cứ đâu trên Trái Đất này”.
Phim được dự tính ra mắt vào ngày 25/12 nhưng vào cuối tháng 11, các máy chủ của hãng Sony bị tấn công và một loạt các thông tin nhạy cảm bị rò rỉ trong một hành động trả đũa rõ ràng nhưng không được Triều Tiên thừa nhận. Tất tần tật mọi thứ từ tiền thù lao mà hai diễn viên James Franco và Seth Rogen nhận được cho đến con số kỷ lục 47.000 nhân viên của Sony đã bị tung ra với lời đe dọa “sẽ còn có thêm hậu quả” nếu phim vẫn được ra mắt.
Vấn đề là điều gì đã khiến Triều Tiên có những lời lẽ nảy lửa và hành động hung hăng như vậy?
Đề tài Triều Tiên
“The Interview” không phải là phim đầu tiên mà Hollywood lấy quốc gia cộng sản này làm đề tài. Vào năm 2013, chúng ta đã thấy Triều Tiên chiếm lấy Nhà Trắng qua âm mưu khủng bố trong phim “Olympus Has Fallen”, và lật đổ toàn bộ chính quyền Mỹ trong “Red Dawn” năm 2012.
Thậm chí trước đó, hồi năm 1988, hãng Touchstone, một chi nhánh của hãng Disney, đã có phim “The Rescue” mô tả một nhóm binh lính tìm đường vào Bắc Hàn để giải cứu cho người cha của họ đang bị bắt giữ. Ra mắt vào lúc mà Triều Tiên còn ít được thế giới biết hơn, bộ phim không gây phản ứng gì từ phía Bình Nhưỡng.
Phim hoạt hình “Team America: World Police” của Trey Parker và Matt Stone từng mô tả ông Kim Jong-il, thân phụ của Kim Jong-un, là một kẻ tính tình cổ quái muốn thống trị thế giới. Tuy nhiên, phản ứng ngoại giao duy nhất mà phim này gây ra là lời yêu cầu hủy chiếu ở Cộng hòa Czech. Parker và Stone phải xem mình rất may mắn vì lúc này Rogen và Franco đang tự hỏi các tay tấn công mạng còn tiếp tục rò rỉ những thông tin gì nữa.
Đe dọa từ miền Bắc
Tuy nhiên, hơn cả nước Mỹ, người anh em của Triều Tiên ở phía nam bán đảo mới là nước bị ám ảnh nhất với người láng giềng phía bắc của họ. Ngay khi Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên phim ảnh thương mại mới vào cuối những năm 90, những đạo diễn thành công là những người sử sụng mối đe dọa từ miền bắc làm đề tài.
Phim “Shiri”, được sản xuất vào năm 1999, là phim hành động theo kiểu Hồng Kông điều tra về nỗi ám ảnh của người dân Hàn Quốc rằng có một bộ phận nằm vùng của Triều Tiên trong lòng đất nước họ. Với những tin tức về âm mưu ám sát Tổng thống Chun Doo-hwan vẫh còn như in trong đầu người dân Triều Tiên, “Shiri” trở thành phim sản xuất trong nước có doanh thu cao nhất mọi thời đại và khiến người dân Hàn Quốc lo sợ miền Bắc có thể đang sẵn sàng tấn công họ bất cứ lúc nào.
Chủ đề thống nhất bán đảo Triều Tiên đã trở thành một đề tài ăn khách khi mà một năm sau đó đạo diễn Park Chan-wook đã làm phim JSA về căng thẳng giữa hai miền. Lấy bối cảnh hoàn toàn ở khu phi quân sự dọc theo vỹ tuyến 38, bộ phim nói về sự liên hệ khó tin giữa những người lính của hai miền. Lẻn vào vùng không ai kiểm soát, những người lính của hai bên đã chia sẻ thức ăn, hút thuốc và nói chuyện phiếm về nỗi chung của con người. Khó có thể phân biệt những người lính đã bị chia cắt về địa lý như họ.
Trong khi Mỹ và Hàn Quốc đưa Triều Tiên vào những bộ phim hài và phim tâm lý của họ thì chúng ta cũng nên xem xét Bắc Hàn nhìn thế giới bên ngoài như thế nào thông qua điện ảnh của họ.
Điện ảnh Bắc Hàn
Trước khi qua đời hồi năm 2011, Kim Jong-il đã tích trữ một bộ sưu tập phim tư nhân có lẽ là lớn nhất thế giới. Bản thân ông ta cũng từng viết một cuốn sách về điện ảnh, gửi các kỹ thuật viên đi các nước xã hội chủ nghĩa “anh em” để học nghề và còn đi xa đến mức bắt cóc một đạo diễn danh tiếng ở Hàn Quốc và ép buộc ông này đạo diễn các bộ phim cho miền bắc.
Khác với Mỹ và Hàn Quốc có những diễn viên người Hàn để vào vai các nhân vật Triều Tiên, Bình Nhưỡng phải dùng đến những sỹ quan Mỹ đào tẩu bị bắt để yêu cầu họ đóng vai người Mỹ trong phim.
Với những chiếc mũi giả và những trò quậy phá khi say xỉn, người phương Tây được mô tả một cách tầm thường nhất. Đối với những khán giả Bắc Hàn vốn say mê phim ảnh thì không có sự phân biệt giữa màn ảnh và đời thường.
Do đó, có lẽ phản ứng dữ dội của Bình Nhưỡng đối với “The Interview” là nỗi sợ của chính quyền nước này vốn tin rằng ngày càng nhiều ảnh hưởng bên ngoài thâm nhập vào Bắc Hàn thông qua phim ảnh, phát thanh và thậm chí là tín hiệu điện thoại di động, thì hình ảnh một đất nước hoàn hảo của họ sẽ dần bị xói mòn.
Và khi “The Interview” khắc họa Kim Jong-un và chế độ của ông ta đầy sai lầm như thế thì nước này càng có lý do để phản ứng quyết liệt nhất có thể.
Theo BBC