10 món ăn kì lạ nhất trong lịch sử
Không như những đầu bếp hiện nay luôn tìm kiếm các công thức nấu ăn mới, người thời xưa chỉ nghĩ đơn giản rằng thức ăn là những gì họ có được từ đất đai, biển và không khí.
10. Thạch bong bóng cá
Món thạch bong bóng cá ngọt ngào là một trong những sáng tạo ít được khám phá của văn hóa ẩm thực bang Victoria, Úc.
Ban đầu, người ta chủ yếu dùng isinglass – chiết xuất từ bóng bóng cá, để làm một thành phần trong keo dán. Đến những năm cuối thể kỷ 18, nó trở thành một loại thực phẩm phổ biến tại Anh, được dùng trong công nghệ sản xuất bia rượu, ví dụ như loại bia Guinness.
Công dụng của isinglass tương tự như gelatin hay pectin, tức là làm đông chất lỏng và khiến chúng trông dày hơn. Để tạo ra món thạch ngọt ngào, người dân Victoria đun isinglass đã lọc kỹ với nước, đường, nước cốt chanh và trái cây. Mặc dù chế biến tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng người ta cảm thấy hài lòng vì hương vị độc đáo mà họ tạo ra.
9. Da và mỡ cá voi
Đối với những người sống ở Bắc Cực, đại dương là nguồn cung cấp thực phẩm chính. Theo truyền thống, người ta đánh bắt cá quanh năm, nhưng cá voi và hải cẩu chỉ có theo mùa. Muktuk là một món ăn bao gồm da cá voi với lớp mỡ kèm theo. Da của cá voi đầu bò Bắc Cực được coi là ngon nhất, tiếp theo đó là độc giác ngư và kỳ lân biển. Nó có thể được ăn theo nhiều cách khác nhau như: ướp muối, ăn sống, chiên, hoặc ngâm giấm. Hương vị mỡ cá voi được mô tả là hấp dẫn, với một chút dẻo dai từ lớp da.
Loại thực phẩm này đóng một vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống truyền thống, bới vì nó chứa nhiều vitamin C, có tác dụng ngăn ngừa các bệnh như còi xương. Nhiều nền văn hóa Bắc Cực có truyền thống ăn Muktuk đặc trưng, bao gồm thổ dân Greenlanders, người Canada, Siberi và Alaska. Gần đây, món ăn này dần bị quên lãng vì thị hiếu thay đổi và những lo ngại về độc tố đại dương có thể nhiễm vào các sinh vật biển.
8. Món bánh làm từ giấm
Không ai biết chính xác về người đầu tiên tạo ra món bánh này, hay nó xuất xứ từ đâu.
Ghi chép rõ ràng nhất cho thấy, món bánh này xuất hiện từ giữa những năm 1800, tại Deep South. Người ta cho rằng, người đầu bếp muốn tiết kiệm nên đã dùng giấm táo như một loại hương liệu, vì nó rẻ hơn nước trái cây. Bánh giấm có biệt danh là “chiếc bánh chanh của người nghèo”. Món bánh này na ná giống bánh cờ vua, loại bánh có dùng thêm bột ngô trong thành phần.
Ẩm thực Mỹ đã tạo ra những chiếc bánh lớn với cả hương vị mặn và ngọt. Trong thời Đại suy thoái, người ta kết hợp thêm bánh quy giòn và nước chanh để tạo cho món bánh có vị như quả táo. Gần đây, bánh giấm đã thực sự trở lại và được phục vụ tại các nhà hàng với phiên bản cao cấp là bánh giấm hương vị balsamic.
7. Sa-lát thạch Jell-O
Những năm 50, cơn sốt thực phẩm tiện lợi đóng gói đã đưa món salad gelatin trở nên phổ biến. Từ những năm 1950 đến 1960, món Jell-O đã lên tầm cao mới. Các tạp chí đăng tải công thức nấu ăn cho “xà lách đông tụ” với các thành phần như tôm, củ cải Thụy Điển, thịt và rau.
Kỹ năng đóng gói, tẩm bột và đóng hộp đã đóng góp những tiến bộ quan trọng cho nền công nghiệp thực phẩm. Ban đầu, người ta chỉ đơn giản là trộn các thành phần với nhau. Món sa-lát Jell-O cho con người cách thưởng thức rau quả thú vị hơn. Gợi ý cho bạn là điểm thêm một chút mayonnaise bên trên để tăng giá trị về dinh dưỡng và cảm quan.
6. Món thịt chuột sóc nhồi
Chuột cũng là một loại thực phẩm. Thời La Mã cổ đại, thịt chuột sóc nướng được coi là một món ăn đặc biệt. Người ta nuôi chúng trong một cái bình đất nung đặc biệt gọi là glirarium.
Loài chuột sóc có đặc tính ngủ đông. Vì vậy, chiếc bình glirarium tạo nên mùa đông giả. Có các cầu thang nhỏ bên trong bình, thức ăn và không khí được đưa vào thông qua các lỗ nhỏ. Đó là cách họ vỗ béo những chú chuột sóc.
Khi chúng đạt trọng lượng nhất định, người ta nhồi thêm các loại hạt vào bụng và nướng với mật ong và gia vị. Đây là món khai vị. Việc giết hại loài chuột sóc cuối cùng đã bị cấm, nhưng người La Mã vẫn tiếp tục săn chuột cho bữa tối.
Ngày nay, loài chuột sóc hoang dã vẫn bị săn bắt ở một số khu vực tại Slovenia và Croatia.
5. Thịt diệc nướng
‘The Forme of Cury’ là một trong những quyển sách dạy nấu ăn đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Anh trong khoảng năm 1390. ‘Cury’ là một từ tiếng Anh cổ chỉ việc nấu ăn. Trong 196 công thức nấu ăn của quyển sách có cả các loại bánh, món ăn từ thịt gà, hải cẩu, cá heo, cá voi, sếu và… diệc.
Không ai biết chắc tác giả của quyển sách, nhưng với nguyên liệu quý hiếm và phong phú này, người ta nghĩ rằng đó là đoàn tùy tùng nấu bếp của hoàng gia.
Một con diệc trưởng thành chỉ nặng khoảng 2 kg, vì vậy bạn sẽ cần vài con cho một bữa tiệc. Quyển sách hướng dẫn cách làm sạch và nướng cả con, bọc thêm thịt xông khói và gừng.
4. Trứng loài kỳ nhông đen
Trong văn hóa Maya, kỳ nhông được nuôi để lấy trứng vì chúng chứa hầu hết là lòng đỏ.
Những người châu Âu đầu tiên liên lạc với Maya, mô tả thói quen ăn uống của họ giống như Mùa Chay vì họ ăn rất ít thịt. Thực phẩm họ dùng chủ yếu là thực vật, ong, côn trùng và hầu như không có động vật có vú lớn cung cấp protein.
Ngày nay, việc săn bắt và nuôi công nghiệp kỳ nhông bị cấm tại nhiều nơi ở Trung và Nam Mỹ. Vì vậy, hương vị của món trứng kỳ nhông đen có thể chỉ còn trong quá khứ.
3. Bánh mì sandwich nướng
Giống như tên gọi, nó được làm bằng một lát bánh mì nướng phết bơ với muối và hạt tiêu, đặt giữa hai lát bánh mì không nướng. Có thể thêm trứng, các loại đậu, cá mòi hay cà rốt để tạo ra các phiên bản mới. Món này phù hợp cho ăn vặt hoặc bữa sáng, mặc dù một số người thích dùng vào bữa trưa hoặc tối.
Bánh mì sandwich nướng có mặt trong quyển sách dạy nấu ăn phổ biến nhất – được in và bán cho đến tận ngày nay. Vào năm 2011, Tổ chức Khoa học Hoàng gia Anh đã tổ chức bữa tiệc bánh mì sandwich nướng và đặt tên cho món ăn là “Bữa ăn rẻ nhất vương quốc Anh”.
2. Long diên hương
Thời Trung Hoa cổ đại, những mẩu long diên hương trôi dạt vào bờ biển được gọi là nước bọt của rồng. Hỗn hợp này bao gồm chất béo và mật cá voi, được tạo ra khi chúng cố gắng tiêu hóa những thứ cứng như răng mực. Cuối cùng, nó được thải ra ngoài như một dạng ‘sỏi mật’. Khối chất này nổi trên bề mặt của đại dương, chúng cứng như sáp.
Nồng độ hương thơm mạnh mẽ của long diên hương khiến cho nó trở thành nhiền liệu quan trọng để chế biến nhiều loại nước hoa, bao gồm thương hiệu Chanel No. 5 nổi tiếng. Thời Ba Tư cổ đại, nó được phục vụ trên bàn ăn cùng với nước chanh. Người Pháp thì cho long diên hương vào món sô cô la nóng.
Với sự suy giảm của các quần thể cá voi nhà táng hiện nay, long diên hương rất hiếm và thậm chí là hàng cấm tại Mỹ.
1. Món So
Đây là món ăn quý hiếm trong ẩm thực Nhật Bản, được làm từ sữa. Vào thế kỷ thứ 8 cho tới thế kỷ 14, So được sản xuất chủ yếu phục vụ cho tầng lớp quý tộc. Nó được làm bằng cách đun sôi sữa cho đến khi tạo thành một khối đặc và nhão. Đối với tầng lớp thượng lưu ở Nhật Bản, đây không chỉ là món ăn cung cấp dinh dưỡng, mà còn mang biểu tượng tinh thần.
Ban đầu, cách chế biến như trên được coi là lý tưởng để bảo quản sữa trước khi tủ lạnh và công nghệ tiệt trùng ra đời. Tuy nhiên, các ghi chép chỉ mô tả cách chế biến, chứ không nhắc đến hương vị của món này. So có thể có vị giống sữa chua nhưng rất cô đặc, mỏng và chua.
Thiên Hà, An Nhiên – Theo Listverse