Đồng Tháp chốt phương án đưa trụ bê tông và thi thể bé trai lên mặt đất
Tính đến rạng sáng ngày 7/1, đã hơn 1 tuần trôi qua, việc đưa bé Hạo Nam ra khỏi ống cọc bê tông vẫn chưa có kết quả; phương án mà chuyên gia Nhật Bản tư vấn không thể áp dụng, Đồng Tháp quyết định chốt phương án khác.
Theo báo Tuổi Trẻ, vào tối 6/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp thông báo đã chốt phương án thực hiện việc đưa bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) ra khỏi ống trụ bê tông sau nhiều giờ tham vấn ý kiến các chuyên gia.
Cụ thể, theo phương án mới, lực lượng cứu hộ sẽ sử dụng các cọc ván thép đóng xung quanh cọc bê tông tạo thành một khung vuông 4,8m x 4,8m; đất xung quanh cọc bê tông được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi tầng 1). Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống, đến khi đạt độ sâu của đáy cọc bê tông (tạm gọi tầng 2).
Sau đó đất xung quanh cọc sẽ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn; khi tiếp cận được đáy cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc cọc bê tông lên.
Trước đó, các chuyên gia Nhật Bản ở hiện trường tư vấn phương án buộc dây cáp vào 3 đầu cọc bê tông cạnh các mối nối thành một trục, cùng trụ thép dựng thẳng bên cạnh tạo lực kéo thẳng bằng kích thuỷ lực; kỹ thuật cứu hộ này được cho là khả thi, tuy vậy thiết bị chưa đầy đủ nên chưa thể thực hiện.
Ám ảnh 10 phút đầu cứu hộ Hạo Nam
Theo báo Vnexpress, suốt tuần qua, anh Đoàn Tuấn Em (34 tuổi, công nhân dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình), người đầu tiên thả dây xuống cọc bê tông cứu hộ bé Hạo Nam, không ngủ được vì tiếng kêu của bé ở 10 phút đầu tiên ám ảnh. “Cả tuần rồi, mỗi lần tui ra chỗ đó cứ nghe tiếng kêu cứu của bé trai trong đầu”, anh tâm sự.
Anh Tuấn Em nhớ lại, hơn 11 giờ ngày 31/12/2022, khi anh cùng đồng nghiệp sửa thiết bị bên kia sông, nghỉ tay chuẩn bị dùng cơm trưa trong căn chòi dã chiến bên công trường. Nhóm công nhân vừa dọn chén, 3 đứa trẻ chạy vào với gương mặt “cắt không còn giọt máu”.
“Thằng cu rớt xuống hố rồi, cứu nó chú ơi”, một bé gái trong nhóm cùng Hạo Nam nhặt ve chai thảng thốt. Bỏ chén cơm, anh Tuấn Em cùng một số công nhân chạy theo nhóm trẻ đến khu vực hố khoan cọc nhồi bê tông, nghe giọng bé Nam khẩn thiết: “Chú ơi, lôi con lên dùm với”. “Con đang ở đâu?”, anh Em gọi to và nghe tiếng kêu cứu phát ra từ miệng hố sâu hoắm.
Khi đó anh Em toát mồ hôi hột, tim đập thình thịch vì không thể tưởng tượng lồng chiếc cọc bê tông quá nhỏ, một đứa trẻ sao có thể lọt vào. Anh cố hít thật sâu lấy lại bình tĩnh, hô hoán nhờ những người xung quanh đến ứng cứu.
Một người trong nhóm phóng ra cầu sắt bắc qua sông tìm dây thừng. Anh Em cũng tức tốc chạy sang trạm y tế cầu cứu, cùng một nhân viên y tế chở hai bình oxy đem đến hiện trường. Phát hiện sợi dây thừng buộc vào sà lan, nhóm công nhân chặt đoạn dài chừng 30m, đem đến miệng hố rồi thả xuống. “Con bám vào sợi dây để các chú kéo lên”, một người trong nhóm hét to.
Kéo căng dây cảm giác nặng biết bé đã bám vào, nhóm người dồn sức kéo lên, tuy nhiên, khi dây di chuyển khoảng một mét bỗng nhẹ hẫng cùng tiếng la “ới ới” phía dưới. Cả nhóm công nhân thất thần không ai bảo ai, nhưng biết bé đã trượt xuống sâu hơn.
Cách công trình gần một km, trong khi nhóm công nhân nỗ lực cứu hộ, anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi) nghe tin con gặp nạn lúc vừa kết thúc làm đồng. Khi đó anh chỉ nghĩ con trai rơi xuống ống cống hầm cá. Hớt hải chạy đến hầm, anh Tài không thấy ai, tiếp tục phóng ra phía công trường. Khi thấy các công nhân nối dây, linh cảm người cha mách bảo con mình đang nguy cấp. “Lôi lên được lần nào chưa?”, anh Tài hỏi gấp, được trả lời “kéo lên một lần mà hụt”.
Nghe xong anh sốt ruột, hối nhóm người tìm thêm dây. Trong lúc nhóm công nhân tìm kiếm thiết bị cứu nạn, người cha lại gần miệng hố gọi con, nghe tiếng kêu “ba ơi cứu con”. Anh động viên: “Con nắm cọng dây rồi ba lôi lên”. Những phút sau đó, đáp lại anh chỉ là những âm thanh “khịch khịch” như con đang ngộp nước. Lúc này, người cha khuôn mặt khắc khổ mường tượng điều chẳng lành…
Vũ Tuấn (t/h)