Bằng chứng đáng kinh ngạc khiến Carl Sagan tin rằng: “Luân hồi cần được nghiên cứu nghiêm túc”
Ngày nay, Cận tâm lý học (Parapsychology) là ngành khoa học chuyên nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên thuộc về tâm linh như luân hồi, thần giao cách cảm, nhìn từ xa, nhìn xuyên thấu và các loại công năng đặc dị khác. Lĩnh vực này đang ngày càng nhận được rất nhiều sự tin cậy của công chúng.
Nhiều nghiên cứu và thí nghiệm đã cho ra những kết quả có ý nghĩa thống kê, và một số phát hiện khác nhau trong cơ học lượng tử, cũng đã chứng minh rằng giữa suy nghĩ (ý thức) của con người và vật chất xung quanh là có sự tương tác nhất định, thậm chí khả năng ‘dùng ý nghĩ vận chuyển đồ vật’ rất có thể không phải chuyện hư cấu.
Hơn thế nữa, một số tài liệu đã giải mật từ nhiều quốc gia cho thấy, các hiện tượng cận tâm lý đã được ghi nhận, và chứng minh con người thật sự có thể sở hữu các “siêu năng lực” hay còn gọi là “công năng đặc dị”. Chẳng hạn như, tài liệu CIA cho thấy cách “những đứa trẻ có siêu năng lực” ở Trung Quốc dịch chuyển các vật thể nhỏ từ vị trí này sang vị trí khác mà không cần chạm tay vào chúng.
Những khám phá và bằng chứng như vậy luôn bị tầng lớp “trí thức” chế giễu và phớt lờ, chỉ vì chúng không phù hợp với khuôn khổ kiến thức được chấp nhận. Hơn nữa, khi nói đến loại hình nghiên cứu này, còn được gọi là “khoa học phi vật chất”, chúng ta phải xét vượt ra ngoài các định nghĩa của khoa học thông thường. Rất nhiều hiện tượng được ghi lại, và quan sát trong những lĩnh vực này đơn giản là không thể giải thích bằng khoa học hiện hữu. Nói cách khác, ngày nay khoa học đã giới hạn chúng ta, và có khá nhiều “giáo điều” đã được dán nhãn là “khoa học”.
Tuy nhiên cũng có các nhà khoa học dám vượt ra khỏi những giới hạn này. Ví như Carl Sagan – nhà thiên văn học và là thành viên sáng lập Ủy ban Điều tra Khoa học các Tuyên bố về Hiện tượng Siêu nhiên (CSICOP), từng viết rằng: “Có ba tuyên bố trong lĩnh vực Cận tâm lý học mà theo tôi, đáng được nghiên cứu nghiêm túc, gồm trẻ nhỏ đôi khi kể lại chi tiết về kiếp trước, khi kiểm tra lại hóa ra là chính xác, và người ta không thể tìm bất cứ lý do nào khác ngoài ‘luân hồi’ để giải thích cho sự việc này”.
Carl Sagan đã viết điều này vào năm 1996 đến nay đã hơn hai thập kỷ, nhưng số lượng các ví dụ và bằng chứng chứng minh luân hồi là có thật, hoặc ít nhất là một số dạng của nó, đã nhiều đến mức đáng kinh ngạc.
Các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về luân hồi đã kéo dài vài thập kỷ qua. Có rất nhiều trường hợp thú vị về việc trẻ em ghi nhớ những chi tiết, mà chúng không thể tự dưng nghĩ hoặc bịa đặt ra.
Ví dụ vào năm 2016, một báo cáo được xuất bản trên ‘Tạp chí Khám phá’ có tiêu đề “James Leininger: Một trường hợp người Mỹ liên quan đến hiện tượng đầu thai”, được xuất bản bởi Jim B. Tucker – một bác sĩ y khoa từ Đại học Virginia, giải thích:
“Nhiều trường hợp báo cáo trẻ nhỏ nhớ lại ký ức về kiếp trước, đã được nghiên cứu trong 50 năm qua. Mặc dù, những trường hợp như vậy dễ dàng tìm thấy hơn trong các nền văn hóa có niềm tin chung vào luân hồi, nhưng chúng cũng xảy ra ở phương Tây. Bài báo này mô tả trường hợp của James Leininger, một đứa trẻ người Mỹ lúc 2 tuổi bắt đầu gặp ác mộng dữ dội về một vụ tai nạn máy bay. Sau đó, cậu bé mô tả mình là một phi công Mỹ đã thiệt mạng khi máy bay của cậu bị bắn rơi bởi người Nhật.”
“James đưa ra các chi tiết bao gồm: Tên của một tàu sân bay Mỹ, họ và tên của một người bạn trên tàu cùng đi với cậu bé, vị trí và các chi tiết cụ thể khác về vụ tai nạn chết người. Cha mẹ cậu bé cuối cùng đã phát hiện ra sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa những lời kể của James, và cái chết của một phi công trong Thế chiến II tên là Huston. Tài liệu về những lời kể của James được đưa ra, trước khi Huston được xác định, bao gồm một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với cha mẹ cậu bé chưa bao giờ được phát sóng, nhưng tác giả vẫn có thể xem lại.”
Khi James được 2 tuổi, cha của cậu bé đang xem qua một cuốn sách có tên ‘The Battle for Iwo Jima 1945’. Người cha kể rằng, James đã chỉ vào một bức ảnh với khung cảnh nhìn từ trên không về phía Suribachi, một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động ở Nhật Bản, và nói: “Đó là nơi máy bay của con bị bắn rơi”.
Cha cậu bé bối rối hỏi lại: “Con nói cái gì cơ?”, và James trả lời: “Máy bay của con bị bắn rơi ở đó, thưa cha.”
Đó là thời điểm mà câu chuyện về trường hợp đầu thai của James bắt đầu. James đã chứng minh kiến thức về các sự kiện từ hơn 50 năm trước khi cậu bé được sinh ra. Nhiều tuyên bố chính xác của James đã được ghi lại trước khi danh tính kiếp trước của cậu được xác định.
Vào ngày 27/8/2000, khi James được 28 tháng tuổi, cậu bé nói với cha mẹ rằng cậu đã lái máy bay xuống một tàu sân bay. Khi cha mẹ hỏi cậu tên của chiếc tàu, cậu bé trả lời: “Natoma”.
Sau đó, cha của cậu bé đã tìm kiếm cụm từ này trên mạng và cuối cùng phát hiện ra mô tả về USS Natoma Bay, một tàu sân bay hộ tống đóng tại Thái Bình Dương trong thời Thế chiến thứ II. Cha của James đã in ra thông tin mà ông tìm được, và phần dưới của bản in có ghi ngày tháng thời điểm hiện tại.
Trong một trường hợp khác, một cậu bé 3 tuổi tuyên bố đã nhớ lại tiền kiếp (tên của cậu bé được giữ bí mật trong suốt thời gian nghiên cứu). Trong tiền kiếp đó, cậu bé nhớ mình đã bị đánh một nhát búa lớn vào đầu bằng một chiếc rìu, và để lại một vết bớt dài màu đỏ trên đầu.
Cho tới kiếp này, tức là cậu bé ngày nay, cũng có một vết bớt ở cùng một vị trí. Điều này thật thú vị vì nhiều nghiên cứu, như nghiên cứu được công bố trên Explore, cũng chỉ ra mức độ phổ biến của các vết bớt đối với những đứa trẻ còn nhớ tiền kiếp của mình.
Cha của cậu bé và một số người thân khác trong làng quyết định đến thăm các cộng đồng lân cận, để xem liệu có xác định được danh tính của cậu trong kiếp trước hay không. Trong cuộc hành trình này, họ đã đến thăm nhiều ngôi làng, cho đến khi cậu bé nhớ ra đúng ngôi làng kiếp trước của mình. Cậu bé nhớ lại họ và tên của chính mình, cũng như họ và tên của kẻ sát nhân.
“Đầu thai” có thể không phải là câu trả lời duy nhất về điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết. Đó chỉ là một trong nhiều con đường. Tôi đã đọc qua rất nhiều thông tin thú vị cho thấy rằng, con người không chỉ gồm cơ thể vật chất mà chúng ta có thể thấy, mà khi chúng ta rời khỏi bình diện vật chất này, “linh hồn” của chúng ta sẽ đối diện với nhiều con đường khác nhau, và “đầu thai làm người” chỉ là một trong số đó. Điều này liên quan đến việc chúng ta phải quay lại để “hoàn thành / học” những bài học mà chúng ta được an bài, đồng thời trải nghiệm cuộc sống trên thế gian này.
Tôi cũng đã xem một số thông tin thú vị rằng đây là sự lựa chọn trước khi chúng ta được sinh ra, rằng chúng ta chọn “hóa thân” ở đây, rằng chúng ta đã “tồn tại” trước khi được sinh ra, nhưng những tuyên bố như vậy vẫn thiếu bằng chứng xác thực. Mặc dù thực tế rằng, giả thuyết trên mang tính thuyết phục cao với nhiều người. Một lần nữa, có lẽ định nghĩa và quan điểm của chúng ta về “bằng chứng” cần phải thay đổi. Một số ví dụ đã được đề cập ở đầu bài viết, nhưng chúng chỉ đơn giản là vượt mức tưởng tượng đối với nhận thức của một người bình thường.
Những câu hỏi này đã được nhân loại suy ngẫm trong hàng nghìn năm qua. Trong “Cuộc đối thoại Socratic, Meno” của triết gia Hy Lạp cổ Plato, nhân vật Socrates cố gắng chứng minh rằng người ta đã từng “tồn tại” trước khi họ được sinh ra.
Plato tin rằng những hiểu biết mà chúng ta vận dụng để giải quyết các vấn đề Toán học và Triết học, là nhờ vào lượng kiến thức từ tiền kiếp hoặc từ trước lúc chúng ta sinh ra, chứ không phải kiến thức bẩm sinh hoặc đến với chúng ta một cách tự nhiên.
Có lẽ luân hồi cũng chỉ là một trong số những con đường. Có những người không cần phải luân hồi, họ đơn giản là đến thế gian này để làm hoặc học một điều gì đó chăng? Tôi không chắc những con đường khác là gì. Có lẽ là tồn tại dưới một dạng sống nào đó, mà hoàn toàn khác biệt với hình thái vật chất mà chúng ta biết hiện nay?
Câu hỏi về việc liệu ý thức có còn tiếp tục tồn tại sau khi chết hay không vẫn đang là vấn đề hàng đầu của nhiều nhà khoa học. Ví dụ, Tiến sĩ Giải phẫu thần kinh Eben Alexander nói rằng, khoa học cho thấy bộ não không kiểm soát ý thức, nó chỉ giống như một bộ phận hay một kênh tiếp nhận thông tin từ ý thức, còn nguồn gốc thật sự của ý thức thì đến từ một nơi khác.
Tiến sĩ Eben cho rằng, có lý do để tin tưởng ý thức của chúng ta vẫn tồn tại sau khi chết, và một cơ thể vật chất là không cần thiết để duy trì sự tồn tại của ý thức.
Ngoài ra còn có chủ đề về Trải nghiệm cận tử (Near Death Experiences – NDE) cũng rất đáng kinh ngạc. Những người đã “chết lâm sàng” nhưng sau đó tỉnh lại tại bàn mổ, và mô tả cảnh tượng chi tiết họ nhìn thấy được khi ‘ý thức’ xuất ra khỏi thân thể.
Vô số bằng chứng trong các lĩnh vực vật lý lượng tử, cận tâm lý học và khoa học thần kinh đã chứng minh rằng, giả thuyết “ý thức” là một “thứ” riêng biệt với cơ thể sinh học của chúng ta là đúng. Bất chấp những bằng chứng hiện có, chủ đề này vẫn bị ‘xa lánh’ trong nhiều giới học thuật chính thống, có lẽ chỉ đơn giản vì nó thách thức “hệ thống niềm tin” lâu nay mà chúng ta vẫn luôn cho là “chân lý”.
Cassandra Vieten, Tiến sĩ kiêm Chủ tịch / Giám đốc điều hành tại Viện Khoa học Tiểu học đưa ra một lời giải thích khá hợp lý:
“Dường như có một mối quan ngại sâu sắc rằng, trong toàn bộ lĩnh vực, nếu có một nghiên cứu được ‘dán nhãn’ liên quan đến mê tín dị đoan, chủ nghĩa tâm linh và ma thuật, thì toàn bộ công trình nghiên cứu đó sẽ bị hạ uy tín tới mức thấp nhất. Việc ‘bảo vệ uy tín’ chống lại xu hướng này, còn quan trọng hơn việc khuyến khích khám phá khoa học hoặc bảo vệ tự do học thuật. Nhưng điều này có thể đang thay đổi.”
Năm 1900, nhà vật lý nổi tiếng Lord Kelvin đã tuyên bố rằng: “Không có gì mới được khám phá trong vật lý hiện nay… Tất cả những gì còn lại là phép đo ngày càng chính xác hơn”.
Nhưng không lâu sau tuyên bố này, Einstein đã xuất bản bài báo của mình về Thuyết tương đối hẹp. Các lý thuyết của Einstein đã thách thức khuôn khổ kiến thức được chấp nhận vào thời điểm đó, buộc cộng đồng khoa học phải mở ra một cái nhìn rộng hơn và đổi mới hơn về thực tế.
Những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong suốt lịch sử nhân loại, điều duy nhất không thay đổi chính là “sự thay đổi”. Người ta nếu muốn tiếp tục khám phá những tri thức mới lạ, thì chỉ có thể mở rộng tư duy và nâng cao nhận thức của bản thân mình, không để bị gò bó trong bất kỳ khuôn khổ nào của giới học thuật.
Tác giả: Arjun Walia
Thế Di