Người Việt tại Nhật biểu tình chống Luật Hải cảnh của Trung Quốc
Một số bạn trẻ người Việt học tập và làm việc tại Nhật vào ngày 7 tháng 3 tiến hành biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc để phản đối Luật Hải Cảnh của Trung Quốc vì cho rằng luật này vi phạm luật quốc tế.
Một dụ học sinh từ Việt Nam tên Ngân, 21 tuổi, chia sẻ vì sao cô tham gia cuộc biểu tình tại công viên Kogai ở Tokyo, trước Đại Sứ Quán Trung Quốc:
“Em cảm thấy rất là bức xúc và khó chịu với luật này”.
Luật Hải cảnh do Quốc Hội Trung Quốc thông qua ngày 22 tháng 1 cho phép cảnh sát biển của Trung Quốc bắn vào các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, cho phép họ được quyền phá hủy các cấu trúc do nước khác xây dựng, và được phép lập các khu vực ngăn cấm việc qua lại của tàu thuyền các nước đi vào vùng biển cấm đó.
Cô Ngân kể tiếp: “Hôm nay đi biểu tình, có rất nhiều cảnh sát đi theo bảo vệ, nói chung là rất là trật tự. Năm nay có khá nhiều bạn trẻ tham gia, các bạn trẻ đã thể hiện sự phản kháng của mình rất là mạnh mẽ”.
Từ công viên Kogai đoàn biểu tình, khoảng 40 người, tiến đến Đại Sứ Quán Trung Quốc.
Anh Nguyễn Phương, một thành viên của ban tổ chức nói, cuộc biểu tình do ba tổ chức tại đây phối hợp, bao gồm Nhóm trẻ vì Nhân quyền, Phong trào Phản đối Trung Cộng Antichicom và Hiệp hội Người Việt tại Nhật.
“Biểu tình diễn ra vào lúc 11 giờ. Vì đang là dịch nên chỉ di chuyển từ công viên đến điểm gần Đại sứ quán của Trung Cộng. Tại đó được chia ra làm nhóm năm người đến trước cổng Đại Sứ Quán Trung Cộng để đọc, hô khẩu hiệu và trao thư cho Đại Sứ Quán Trung Cộng phản đối việc Trung Quốc thông qua đạo Luật hải cảnh, dùng vũ khí để bắn vào tàu ngoại quốc.
Đầu tiên có một nhóm, sử dụng tiếng Nhật để trình bày nội dung về luật hải cảnh, và ảnh hưởng đến Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Malaysia và Indonesia, Nhật Bản, những nước có chung đường Biển Đông.
Không khí rất hào hùng, rất đông các bạn trẻ hiểu được tình hình đất nước, hô hào rất kiên quyết”.
Sau khi từng tốp, năm người một nhóm, tiến lên hô các khẩu hiệu, nhóm người cuối cùng đã bỏ kháng thư vào hộp thư của đại sứ quán. Nội dung kháng thư được biết có yêu cầu chính quyền Trung Quốc hủy bỏ những luật phi pháp, xâm phạm chủ quyền của biển đảo Việt Nam, cũng như đường lưỡi bò xâm phạm vùng lãnh hải của các nước láng giềng.
Sau khi biểu tình tại Công viên Kogai trước Đại sứ quán Trung Quốc, đến giờ trưa, đoàn đã kéo đến Shibuya, trung tâm khu thương mại và nhà ga đông đúc và được biết đến nhiều nhất ở Tokyo. Họ đã giăng biểu ngữ với khẩu hiệu “Phản đối Trung Cộng dùng luật hải cảnh ăn cướp biển đảo Việt Nam” và phát truyền đơn cho đám đông đi lại để người Nhật hiểu được ý nghĩa của Luật hải cảnh Trung Quốc.
Ông Nguyễn Huy, từ Osaka đi xe lửa lên Tokyo tham gia, ghi nhận người Việt Nam đã lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình chống quân đội của Miến Điện đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, và cả tại Nhật Bản.
Ông chia sẻ: “Cách đây một tuần tôi cũng có viết một bài giới thiệu một em du học sinh Miến Điện, khi em tham gia cuộc biểu tình cho Miến Điện tại Nhật. Khi giới thiệu bài này thì một số người trẻ Việt Nam mới nói là, tại sao tuổi trẻ người Miến Điện làm như vậy được tại sao tụi em làm không được. Mấy em có ý tưởng là tổ chức cuộc kháng nghị về Luật Hải cảnh của Trung Quốc và các em tổ chức. Vì tôi đã có bài viết thì mình cũng phải có hành động cụ thể chứ không chỉ nói suông. Chính vì lý do đó mà hôm nay tôi lên tham dự”.
Ông cũng cho biết, người Nhật cũng quan tâm về Luật Hải cảnh Trung Quốc vì những tranh chấp lãnh hải giữa Nhật và Trung Quốc xung quanh quần đảo Điếu Ngư mà Nhật gọi là Senkaku. Tháng trước, có hai vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư sau khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc được thông qua.
Ông Huy và cô Ngân, sinh viên 21 tuổi tham gia biểu tình nói có lẽ điều kiện chưa cho phép nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong và ngoài nước. Cô Ngân có thông điệp đặc biệt dành cho các bạn trẻ cùng lứa tuổi:
“Em muốn nói với họ là đất nước mình đang bị như vậy, thì nên đứng lên, nên nói lên tấm lòng của mình, thể hiện lòng yêu nước của mình vì ở Việt nam không có cơ hội được biểu tình như thế này. Khi mà sang nước ngoài thì mình nên tận dụng những cơ hội đó để nói lên tiếng nói của mình”.
Ông Huy bổ sung thêm:
“Tôi cũng mong muốn trước những đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam, người Việt Nam mình sẽ quan tâm nhiều hơn để các hoạt động trở nên mạnh mẽ hơn, thành một tiếng nói khiến Trung Quốc phải sợ. Những gì trong nước làm không được, mình làm ở ngoài này”.
Theo Giang Nguyễn / RFA