Công ty Trung Quốc dùng vàng giả vay gần 3 tỷ đô la
Một công ty tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã mang 83 tấn vàng giả ra thế chấp để vay 2.8 tỷ USD, hợp đồng được đảm bảo bởi một công ty nhà nước. Công ty này do một cựu quân nhân có thế lực ở quốc gia này sở hữu.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, công ty Kingold Jewelry có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc đã vay của 12 tổ chức tài chính số tiền 20 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2.8 tỷ USD) trong 5 năm qua với tài sản thế chấp là 83 tấn vàng nguyên chất.
Tuy nhiên, vào tháng 2, số vàng này bị phát hiện là giả sau khi một phần trong số 83 tấn vàng thỏi được Kingold Jewelry đem ra làm tài sản đảm bảo bị phát hiện là đồng mạ vàng. Các chủ nợ của công ty này đã vội vã yêu cầu đề nghị tòa án cho phép kiểm kê tài sản thế chấp trước khi khoản nợ của Kingold đáo hạn. Kết quả kiểm tra hôm 22/5 cho biết các thỏi vàng được niêm phong nằm trong kho của Minsheng Trust – chủ nợ lớn nhất, cũng là hợp kim đồng.
Được biết, Kingold Jewelry là công ty chế biến vàng tư nhân lớn nhất ở tỉnh Hồ Bắc. Chủ sở hữu là ông Jia Zhihong, một cựu quân nhân có thế lực tại Trung Quốc. Đồng thời, khoản vay này lại được bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm phát hành bởi công ty nhà nước PICC Property and Casualty Co (PICC P&C) và một vài hãng bảo hiểm nhỏ khác.
Theo Caixin, tổng các khoản vay mà Kingold chưa trả hiện lên tới 16 tỷ NDT (2,2 tỷ USD). Do đó, các tổ chức tài chính cho Kingold vay đang đối mặt với nguy cơ bị lỗ nặng. Do đó vào đầu tháng 6, 3 trong số 12 chủ nợ của Kingold là Minsheng Trust, Dongguan Trust và Chang’An Trust đã đệ đơn kiện, yêu cầu PICC P&C đứng ra bồi thường cho các khoản lỗ của họ.
Hồi cuối năm ngoái, Kingold đã không trả lãi các ngân hàng khi nợ đáo hạn. Caixin nói “đây là vụ việc bí ẩn lớn” trong những vụ án kinh tế ở đại lục, và hiện chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã thành lập một đội đặc nhiệm cùng Bộ Công an Trung Quốc tiến hành điều tra.
Đối mặt các cáo buộc, Chủ tịch Jia của Kingold khẳng định “số vàng công ty mang ra thế chấp hoàn toàn bình thường”. Khi bị giám đốc của Minsheng Trust chất vấn, ông Jia phủ nhận: “một số thỏi vàng Kingold mua từ lâu có độ tinh khiết thấp, vàng giả không thể qua mắt được các công ty bảo hiểm”.
Tuy nhiên, sàn giao dịch vàng Thượng Hải đã tước tư cách thành viên của Kingold từ hôm 24/6. Cổ phiếu Kingold hiện được niêm yết trên sàn Nasdaq với mức giá 1 USD/cổ phiếu với vốn hóa thị trường là 12 triệu USD, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo hồ sơ kế toán, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Kingold là 3.3 tỷ USD, trong đó nợ phải trả lên tới 2.4 tỷ USD.
Một cuộc điều tra của hãng tin Reuters cho thấy: Trong ba năm 2017 – 2019, số lượng vàng thỏi 1 ký có giá trị lên đến 50 triệu USD với logo của các nhà luyện vàng Thụy Sỹ đã được 4 nhà luyện vàng Thụy Sỹ phát hiện là giả và được bảo vệ cẩn mật trong két sắt của JPMorgan Chase & Co – một trong những ngân hàng đóng vai trò “trái tim” của thị trường vàng.
Nhưng các ngân hàng nói với Reuters rằng họ nghĩ phần lớn số vàng giả lưu hành trên thị trường thế giới có gốc tích từ Trung Quốc, quốc gia sản xuất và nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới. Số vàng giả này được đưa ra thị trường thông qua các nhà môi giới và buôn vàng ở Hong Kong, Nhật Bản và Thái Lan. Một khi được các nhà môi giới chính ở các thị trường kia chấp nhận, vàng thỏi giả nặng cả ký có thể hòa vào chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Từ Thức (t/h)