Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và ‘chứng điên’ của vua Thành Thái

20/06/20, 08:44 Góc Nhìn

Thành Thái (chữ Hán: 成泰 14/3/1879 – 20/3/1954), tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Lân (阮福寶嶙), là vị hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 – 1907. Do chống Pháp nên ông, cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đi đày tại ngoại quốc. Chúng tôi chia sẻ bài viết này của nhà sử học Lê Nguyễn, ngõ hầu giải đáp phần nào những nghi vấn về con người ông, đem đến một cái nhìn khác (rộng rãi hơn) về một vị vua chính thống của Việt Nam ta.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và 'chứng điên' của vua Thành Thái
Vua Thành Thái / Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer

(Bài viết dựa chủ yếu vào hồi ký của Hộ bộ Thượng thư Huỳnh Côn, tác phẩm của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và một số tác giả Pháp khác. Bài dài đến hơn 3.600 từ, mong rằng không làm cho bạn đọc thất vọng)

Có lẽ trong những ngày thơ ấu đầy ác mộng, ông hoàng Bửu Lân chẳng bao giờ dám mơ nghĩ có ngày được rước vào cung để lên ngôi cửu ngũ. Có thể khẳng định điều này, không phải vì khi vua Đồng Khánh thăng hà (1889), ông mới 10 tuổi, mà vì ít nhất hai lẽ sau:

– Cha ông là ông hoàng Dục Đức được di chiếu vua Tự Đức cử làm người kế vị, nhưng vào cung mới được ba ngày, chưa kịp làm lễ tức vị đã bị phế truất, bỏ ngục và qua đời hơn một năm sau đó.
– Ông ngoại ông là Phan Đình Bình, Phụ chánh đại thần dưới triều vua Đồng Khánh, đã chết trong một trường hợp đầy nghi vấn mà có người cho là xuất phát từ một âm mưu đen tối của đồng Phụ chánh đại thần Nguyễn Hữu Độ, cha vợ vua Đồng Khánh, vì ông này sợ rằng sau khi vua Đồng Khánh qua đời (Đồng Khánh là một ông vua bệnh hoạn), ông Bình sẽ lặp lại với Khâm sứ Pháp đề nghị cho cháu ngoại là Bửu Lân lên ngôi, cướp mất cơ hội kế vị của các cháu ngoại mình (con vua Đồng Khánh).

Trường hợp Bửu Lân được thực dân Pháp và triều thần cử làm người kế vị vua Đồng Khánh, theo lời đồn đại của người đương thời, cũng nhuốm đầy màu sắc giai thoại. Người ta kể rằng vào thời điểm ấy, dượng rể Bửu Lân là Diệp Văn Cương (lấy bà công nữ Thiện Niệm là em gái ông hoàng Dục Đức), một người rất giỏi tiếng Pháp, đang làm thông ngôn trong tòa Khâm sứ Huế. Một ngày nọ, sau khi vua Đồng Khánh nằm xuống, triều thần cử người qua Tòa khâm để bàn bạc việc chọn người kế vị. Lúc ấy ông hoàng Bửu Đảo (sinh năm 1885), con vua Đồng Khánh, chưa đầy 4 tuổi, nên khả năng kế vị có thể đã bị gạt ra ngoài, tuy nhiên khi các quan lại hỏi ý kiến Tổng trú sứ Rheinart nên đề cử ai thì ông Cương đã nhanh miệng dịch ra tiếng Pháp rằng: “triều đình muốn đưa ông hoàng Bửu Lân lên làm vua, chẳng hay ý kiến Tổng trú sứ như thế nào?”. Rheinart vừa gật đầu, vừa nói mấy câu và ông Cương đã dịch ra tiếng Việt cho các đại thần nghe là y muốn chọn ông hoàng Bửu Lân lên ngôi.

Chẳng rõ câu chuyện trên có bao nhiêu phần trăm sự thật, vì không được các tài liệu in ấn của cả Pháp lẫn Việt chính thức xác định, song điều có thể tin được là khi nghe tin mình “bỗng nhiên” được rước vào cung để làm vua, cậu bé Bửu Lân mới 10 tuổi và mẹ là bà Phan Thị Điều (con gái Phan Đình Bình) đâm ra…kinh hoảng.

Nhưng rồi, ông cũng phải lên ngôi vua, làm lễ tức vị đúng vào ngày mồng một Tết Kỷ Sửu, nhằm ngày 31.1.1889, lấy niên hiệu là Thành Thái. Tuy còn rất trẻ, nhưng do đã chứng kiến những nghịch cảnh xảy ra trong gia đình từ lúc 4-5 tuổi, nhà vua sớm trở thành một con người dày dạn. Nước da ngăm đen, cặp mắt sáng, linh hoạt, chứng tỏ ông là người có nghị lực và sự thông minh, có thể sớm thích nghi với cuộc sống mới. Ngay từ những năm đầu, triều đình đã cử ra cho ông 4 vị Phụ chánh, gồm hai Phụ chánh thân thần (người trong hoàng tộc) là Tuy Lý công Miên Trinh và Hoài Đức công Miên Lâm cùng hai Phụ chánh đại thần là Nguyễn Trọng Hiệp (có tài liệu viết là Hợp) và Trương Quang Đản. Ngoài ra, người ta còn tìm thầy dạy thêm cho ông chữ Hán, lịch sử thế giới, các nghi thức trong đời sống cung đình….Nhờ đó mà không bao lâu sau, nhà vua đã sớm trưởng thành, và có lẽ cũng từ đấy, ông ý thức được nỗi nhục mất nước đang đè nặng lên cuộc sống của đồng bào ông.

Năm 1897, khi Paul Doumer đến Việt Nam làm Toàn quyền Đông Dương thì vua Thành Thái đã 18 tuổi (1879-1897). Hẳn nhiên những biện pháp cải cách thô bạo của ông ta đã tạo nên một cú sốc cho vì vua trẻ. Ông ta mặc nhiên xóa sổ qui chế “tự trị” của Trung Kỳ dưới quyền của triều đình Huế theo tinh thần hòa ước Giáp Thân 1884, thuộc địa hóa toàn bộ Đông Dương. Tại triều đình Huế, một trong những việc làm táo tợn nhất của ông ta là giải tán Cơ mật viện, cơ quan tham mưu cao cấp nhất và gần gủi nhất của nhà vua, lập ra Hội đồng thượng thư đặt dưới sự chủ trì của viên khâm sứ Huế, đồng thời đặt cạnh mỗi bộ một viên chức Pháp để giám sát việc làm của lục bộ.

Trong những điều kiện như vậy, một ông vua cương nghị như Thành Thái biểu lộ những phản ứng gay gắt, thậm chí đôi lúc quá đáng do không kiềm chế được nỗi phẫn hận, cũng là chuyện dễ xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những việc làm của ông vào hai thập niên 1890 và 1900 được các cây bút Pháp, thậm chí cả một viên thượng thư dưới quyền ông miêu tả với tất cả sự “ghê rợn” của chúng.

Xin hãy xem cây bút George Bois viết về ông trong một bài du ký dài nhan đề En Cochinchine – Excursions et Promenades (Những cuộc du lãm và dạo chơi ở Nam Kỳ), đăng trong tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise) năm 1907, năm nhà vua bị phế truất:

”…Vua Thành Thái chỉ có một ý tưởng : thỏa mãn tất cả tính ngông của ông, đôi lúc thật kỳ cục và bạo ác. Với óc tò mò, ông chỉnh sửa chính tả chữ quốc ngữ, thứ ngôn ngữ rông ngả (bâtarde, viết nghiêng) do các giáo sĩ đặt ra khi họ mới đến xứ này. Chắc hẳn nhà vua đã đọc trong các báo phát hành ở Paris những dự án của ông Leygues về sự cải cách chính tả ! Ông thích môn cơ khí, điện báo, bước đầu ứng dụng một cách không mấy thành công những tiến bộ trong y khoa và phẫu thuật. Ông mặc đồng phục của một bác sĩ quân y Pháp, và như một đứa trẻ chơi với con búp bê của mình, ông mổ bụng một trong những nàng hầu ra để xem có gì trong đó… (!! ??)” (tài liệu đã dẫn – trang 1783).

Ở một đoạn khác, G. Bois kể rằng sau khi lên ngôi một thời gian, nhà vua đào được một kho vàng do các tiên đế chôn giấu và tiêu xài thỏa thích. Ông thường tìm đến một thương gia từng mua bán với quốc vương Cambodge. Người này thường tự xưng là “người cung cấp hàng cho hoàng đế An Nam” và đã bán cho nhà vua một bộ từ điển Larousse với giá 350 đồng bạc, tương đương 875 quan, trong khi thực giá quyển từ điển này ở Pháp chỉ có …200 quan. Cũng theo Bois, vua Thành Thái có bốn bà phi với khoảng 20 người giúp việc cho các bà này. Ở cửa của mỗi bà có treo một tấm biển nhỏ, ai được nhà vua cần đến thì viên Tổng quản thái giám sẽ lật úp tấm biển đó lại, đương sự tất hiểu ý. Sau đó, người ta ghi lên tấm biển thời gian diễn ra sự hoan lạc của nhà vua với bà ái phi (Tlđd-trang 1783).

Cũng như Bois, viên Khâm sứ Huế là Brière (1891-1894 và 1895-1898) xác nhận vua Thành Thái rất bạo liệt về phương diện nhục dục, thường hành hạ các cung nữ đến chết và thường trốn ra khỏi hoàng thành vào ban đêm để đắm mình trong những cuộc truy hoan (??).

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những gì mà thực dân Pháp gọi là “chứng điên” của vua Thành Thái lại được chính một viên đại thần của ông là Hộ Bộ thượng thư Huỳnh Côn kể lại chi tiết trong tập hồi ký dài đăng nhiều kỳ trong tạp chí Revue Indochinoise năm 1924. Ông Côn kể rằng sau một thời gian trị vì, nhà vua ngày càng có những tính khí kỳ quặc, chẳng hạn như một hôm ông ra lệnh cho các viên Thừa Thiên Phủ doãn (như Thị trưởng ngày nay), Thừa Thiên Phủ thừa đi tìm dấu chân cọp và chân voi để ông đi săn. Bản thân ông Côn cũng có lần bị nhà vua sai đi tìm dấu chân cọp, sau khi tìm không ra, ông ta bị nhà vua bắt quì một chỗ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (??).

Cũng theo lời kể của ông Huỳnh Côn, có lần thấy nhà vua lên ngựa chuẩn bị rời khỏi hoàng thành, thầy dạy học cho nhà vua là Phan Thanh Liêm đã nằm lăn trước đầu ngựa để xin ông đừng đi. Nhà vua lặng lẽ quay đầu ngựa và ra hoàng thành bằng một ngả khác. Gần sáng hôm sau, khi nhà vua quay về cung thì thấy quan Phụ chánh Nguyễn Trọng Hiệp vẫn còn thức để chờ ông. Trên gương mặt vị đại thần già ràn rụa nước mắt. Vua Thành Thái cảm động hứa sẽ không làm như thế nữa….

Người ta tự hỏi có thực sự nhà vua “điên” như thế không và do đâu mà những lời đồn đại trên đã xuất hiện ngay trong thời gian ông trị vì ?

Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn (mặc triều phục Mãng bào, mũ phỗc đầu Giải trãi) và Hoàng thân Nguyễn Phúc Miên Lịch (mặc áo dài tay thụng, đội khăn xếp). (Ảnh: flickr.com)

***

Căn cứ vào nhiều tư liệu viết về thời kỳ này, người ta thấy vua Thành Thái là một trong những ông vua tiến bộ nhất trong cung cách sinh hoạt ở triều đình. Ông là vị vua đầu tiên cắt tóc ngắn, trong một buổi thiết triều đã khiến cho các quan lại tròn mắt ngạc nhiên. Không tìm được giải pháp cho công cuộc giải phóng dân tộc, ông giải tỏa sự dồn nén bằng nhiều cách khác nhau, kể cả những hành động không thường nhận thấy ở người làm vua, khiến viên Khâm sứ Huế không bằng lòng.
Có tài liệu kể rằng một lần nọ xa giá nhà vua đang đi trên đường thì gặp một người dân đang vác bó tre nặng trên vai. Quân lính vội vàng đuổi người đàn ông dạt qua một bên nhưng ông vội vàng chặn lại và nói:”Ở cái đất nước này, còn có dân với vua gì nữa đâu. Đừng đuổi anh ta”. Lại có lần, ông đi du hành, đến xóm nhà dân, ngồi xuống chiếu nói đủ mọi thứ chuyện với họ. Có lần, ông dẫn về cung một cô gái chèo thuyền và cho làm nàng hầu. Những việc làm được coi là “phóng túng”, vượt ra ngoài khuôn khổ của ông khiến bọn thực dân và các cận thần của ông cảm thấy khó chịu, nhất là trong điều kiện một xã hội quân chủ, phong kiến như Việt Nam.

Trong một tác phẩm dày có nhan đề Lettres du Tonkin (Thư Bắc kỳ) xuất bản tại Paris năm 1928, một viên sĩ quan Pháp đương thời là Lyautey (sau lên đến cấp Thống chế, ở trong Hàn lâm viện Pháp) có kể lại một câu chuyện thú vị về vua Thành Thái và những hành động thủ cựu, lạc hậu của đám quần thần. Bữa nọ, nghe tin đơn vị quân đội duy nhất của Lyautey có sử dụng điện, nhà vua tức tốc cho thắng xe ngựa đến để xem tận mắt. Đến nơi, ông dành suốt một tiếng đồng hồ quan sát, sờ mó các dụng cụ điện, đặt ra cho các sĩ quan Pháp hàng trăm câu hỏi. Ngày hôm sau, Hội đồng Phụ chánh họp nhau lại và đưa ra nhận định : nhà vua đã điên mất rồi ! (Sđd – trang 411).

Luận điệu này phù hợp với cách nhìn nhận vấn đề của phía Pháp, nó nói lên sự lệ thuộc một cách mù quáng của giới quan lại đương thời. Một trong những nhân vật tiêu biểu cho tính cách này là ông Huỳnh Côn, Thượng thư Bộ Hộ, sau làm Thượng thư bộ Lễ. Trong những hồi ức dài đăng trên Tạp chí Đông Dương (đã dẫn ở trên), ông Côn bày tỏ một sự tùng phục tuyệt đối đối với quan Pháp. Ông đã viết như sau trong cương vị một Tuần vũ (cách gọi Tuần phủ ở các tỉnh miền Trung, tương đương Tỉnh trưởng một tỉnh nhỏ sau này, phẩm trật vào hàng Tòng nhị phẩm):” Tôi có một cấp chỉ huy đứng đầu trong tỉnh là một ông Công sứ dễ mến, ông Gariaud, sau ba năm làm việc chung, đã được thuyên chuyển về Huế. Đối với chúng tôi, thật là dễ chịu khi được phục vụ dưới quyền viên chức này”…

Ông Côn còn kể rằng vào năm 1907, vua Thành Thái tỏ ý muốn cùng hai thượng thư là Cao Xuân Dục và Lê Trinh đi thăm lăng tẩm tiền nhân ở Thanh Hóa, nhân đó đi thẳng ra Hà Nội. Viên Khâm sứ Huế không chịu cấp kinh phí nếu nhà vua không để cho ông Côn đi cùng… Quyền hành bị thu tóm hết, kể cả kinh phí cho một chuyến đi cũng không tự quyết được, đối với một người có chí tiến thủ như vua Thành Thái quả là một bi kịch. Trong những trường hợp như thế, sự phẫn chí dẫn đến những hành động quá đáng là điều dễ hiểu. Cũng không loại trừ giả thuyết nhà vua “giả ngây giả dại” để quên đi nỗi nhục làm bù nhìn trong một đất nước nô lệ.

Khoảng tháng 8.1907, trong một phút không kềm chế, nhà vua rút súng nhắm bắn vị Quản lĩnh Tôn nhơn phủ là hoàng thân An Thành công Miên Lịch (chỉ là nhắm thôi, nên vị quản lĩnh Phủ Tôn nhơn không hề hấn gì). Tin loan ra, viên Khâm sứ Huế lập tức triệu tập các Thượng thư lại và thống trách họ nặng nề vì đã không giám sát được việc làm của nhà vua. Ba ngày sau, y đi vào cung điện, có sự tháp tùng của Sogny, sau này là Chánh mật thám Pháp, và nói với các Thượng thư :”Tôi vừa nhận được một văn thư từ Pháp gửi đến. Chúng ta phải nhanh chóng phế truất vua Thành Thái”. Lời nói được kèm theo việc làm, họ đề cử ngay đại thần Trương Như Cương tạm quản công việc triều chính, trong lúc chờ tìm được vua mới.

Cuối cùng thì sự chọn lựa của thực dân Pháp và triều thần dừng lại ở một cậu bé 7 tuổi. Đó là hoàng tử Vĩnh San, con trai thứ của nhà vua vừa bị phế truất. Sau khoảng hai tháng được “nương náu” tại điện Cần Chánh dưới sự giám sát của Sogny và một viên chức Pháp khác, cựu hoàng Thành Thái bị đưa đi an trí tại Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), kéo dài cuộc sống bất đắc chí cho đến tháng 5.1916, ông bị đày sang đảo Réunion (Châu Phi, thuộc Pháp) cùng với con trai là hoàng đế Duy Tân.

Có thể nói là với những cái “khác người” (thời bấy giờ) như hớt tóc ngắn, ham thích, tò mò trước những tiến bộ khoa học, kỹ thuật… trong khi quần thần và công chúng còn u mê trong lớp vỏ bọc của chế độ phong kiến, lạc hậu, cựu hoàng Thành Thái đã trải qua một bi kịch lớn trong đời làm vua. Ý thức cảnh nước mất nhà tan trong nỗi bất lực, nhục nhằn của một ông vua bù nhìn, nhìn thấy những tiến bộ về cơ khí, điện năng và nhiều mặt khoa học, kỹ thuật khác của người ngoài, trong khi dân chúng sống đời nô lệ, nếu nhà vua có biểu lộ những hành vi bất bình thường cũng là điều dễ hiểu, nhưng từ đó kết luận rằng ông “bị điên” như việc làm của những viên Khâm sứ Pháp (Moulié, Levecque) cùng một số đại thần Việt Nam thời đó là không thực tế.

Trong khi những viên Khâm sứ tỏ ra lo ngại và phản ứng mạnh mẽ trước những việc làm của vua Thành Thái thì Toàn quyền Paul Doumer lại nhìn nhà vua bằng một con mắt phải chăng hơn, ít ra là trong những năm ông ta có mặt tại Đông Dương (1897-1902). Trong tập hồi ký có tên L’Indochine française (Souvenirs) (Hồi ức về xứ Đông Dương), sau khi nhắc lại những tin đồn xấu, có lúc đến độ khủng khiếp mà ông ta nghe được về vua Thành Thái, Doumer dành một đoạn dài kể tỉ mỉ chuyến đi Huế đầu tiên của ông ta và cuộc hội kiến với vua Thành Thái vào ngày 11.3.1897. Sau những cuộc đón rước rình rang diễn ra tại bờ sông Hương do Tòa Khâm tổ chức, Doumer lên xe đến hoàng thành để ra mắt hoàng đế Việt Nam.

Nhà vua tiếp Doumer trong một bộ triều phục lộng lẫy, “giàu có hơn tất cả những sự giàu có ồn ào đang bao quanh ông”. Viên toàn quyền kể lại:”…Đến trước nhà vua, tôi chào ông và đưa tay cho ông bắt. Ông siết chặt tay tôi vừa nghiêng người chào lại; rồi không nói với nhau lời nào, chúng tôi đi về phía cuối căn phòng, nơi đặt ngai vàng trên một cái bệ hơi cao phải bước lên hai hay ba bậc. Nhà vua bước lên và vẫn đứng trước ngai vàng, còn tôi thì đứng đối diện ông. Các vị Phụ chánh và Thượng thư đứng vây quanh nhà vua; những kẻ phục vụ mang gươm, những cây quạt lông to lớn, những chiếc hộp bằng vàng hay bạc, họ quì xuống dõi theo từng cử chỉ nhỏ nhất của nhà vua, sẵn sàng tuân theo một dấu hiệu mệnh lệnh. Ông Thượng thư bộ Lễ dâng lên một tờ giấy to màu vàng viết chữ Tàu và ông đọc bằng một giọng nghe như hát mà tôi đã từng nghe khi người ta đọc chào mừng tôi ở Nam kỳ….” (Paul Doumer – Sđd – trang 167).

Buổi yết kiến kết thúc, nhà vua mời Doumer qua một căn phòng đặc biệt mà chỉ có Khâm sứ Huế và các sĩ quan hầu cận được tháp tùng. Nhân lúc này, ông ta mới có dịp quan sát vua Thành Thái lâu hơn và viết về nhà vua như sau :” Tôi có một ấn tượng tốt về vua Thành Thái trong lần diện kiến đầu tiên này. Ông vua trẻ tuổi (lúc này nhà vua đã 18 tuổi – LN) có vẻ thông minh, nhìn thẳng tới trước, cái bắt tay thân tình. Không thể không tin rằng cặp mắt và bàn tay của một con người nói lên một điều gì về cá tính của người đó, và người ta cảm thấy thích thú trước một người có cái nhìn thẳng, cái bắt tay chặt và thân tình. Không có gì trong đôi mắt và bàn tay nhà vua khiến cho tôi nghĩ rằng ông là kẻ xảo quyệt hay có bản chất hung hãn. Tôi tin tưởng và có thiện cảm với ông, và điều này không phù hợp với những cảm nghĩ mà tôi nghe được chung quanh tôi….” (Sđd – trang 168).

Không thấy những lời nói xấu của viên Toàn quyền này về một ông vua mà thuộc hạ của ông ta từ Khâm sứ Huế trở xuống, và cả quan lại Việt Nam, đều nói đến như một kẻ bạo ngược và điên khùng. Chuyện suy diễn và phóng đại một vài hành vi quá đáng của nhà vua trong những lúc cảm thấy bị gò ép trong cuộc sống cung đình, lẻ loi bên cạnh một đám quần thần không có ý thức về sự tồn vong của đất nước, về những tiến bộ của người khác… là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Suốt các triều vua đã qua trong hơn 40 năm Pháp thuộc, Thành Thái là ông vua đầu tiên bị Pháp trực tiếp phế truất, việc rêu rao về “chứng điên” của ông, bêu xấu ông, cũng là cách để biện minh cho việc làm lộ liễu đó của họ. Năm 1916, nhà vua lặng lẽ theo gia đình bước xuống tàu, bắt đầu cuộc sống lưu đày ở tuổi 37. Ba mươi mốt năm sau (1947), trong lúc cựu hoàng hoàng Duy Tân không còn có dịp nhìn lại quê hương xứ sở, thì cựu hoàng Thành Thái được quay về đất nước, sống những ngày cuối cùng tại Sài Gòn và Vũng Tàu và mất tại một ngôi nhà ở đường Nguyễn Du, Sài Gòn, vào tháng 6.1954. Cuộc đời của một người như ông còn có nhiều điều cần tìm hiểu và đánh giá đúng đắn, đừng như những ai đó, kể lại “chứng điên” của ông như một câu chuyện mua vui lúc trà dư tửu hậu.

Lê Nguyễn, 1/6/2020

Lê Nguyễn (tên thật là Lê Văn Cẩn), là một nhà nghiên cứu sử học với nhiều bút danh khác như Hoàng Chi, Minh Chiếm, Nhật Nam… Ông là cây bút quen thuộc trên các tờ báo, tạp chí: Kiến thức ngày nay, Thế giới mới , Khoa học phổ thông, Khoa học và đời sống, Tài hoa trẻ, Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần…

Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

Ad will display in 09 seconds

Darwin đã dạy Hitler điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

    Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

    Cái cân và câu chuyện thành tiên của ông lão bán gạo

  • Darwin đã dạy Hitler điều gì?

    Darwin đã dạy Hitler điều gì?

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?