Những quán cơm “bao no” ở Sài Gòn
Trong sinh hoạt mua bán của người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, miền đất của khoáng đạt, tự do và tình người, thì chuyện bao ăn là… chuyện nhỏ.
Một số nhà vườn ở miền Tây hoặc nhà vườn miệt Lái Thiêu có kiểu bán trái vườn nhà lạ đời đó là… “bao bụng.” Nghĩa là, với một số tiền thỏa thuận giữa người ăn và chủ vườn, khách có thể vô vườn ăn thoải mái, ăn tới chán chê, lê lết, bò càng đi hết nổi thì cũng chỉ lấy đủ số tiền đã thỏa thuận ban đầu. Có điều, khách ăn kiểu “bao bụng” chỉ được ăn thoải mái ở trong vườn và tuyệt đối không được đem ra hay đem về bất cứ trái nào.
Trên đường phố của các đô thị miền Nam ngày nay vẫn còn những xe hàng rong bán trái cây, chủ yếu là Sầu Riêng, treo tấm bảng nhỏ trên xe “bao ăn.”
Bao ăn ở đây khác hoàn toàn với bao bụng đã nói ở trên, không có vụ ăn thoải mái đã đời ông địa, mà bao ăn chỉ có nghĩa là bao “ăn ngon,” tức là đảm bảo Sầu Riêng ăn ngon mới trả tiền, không ngon không lấy tiền.
Thông thường là nếu trái sầu riêng bị sượng hoặc không có cơm thì sẽ được đổi cho trái khác đảm bảo ngon. Ðây cũng là một tính cách hay của người miền Nam , đã nói là làm chứ không chơi cuội. Ðiều này thật khác với phe quốc doanh thời bao cấp, luôn treo trong cửa hàng của họ tấm biển “Hàng mua rồi miễn trả lại!”
Sang tới thời khủng hoảng kinh tế, mới gần hai năm trở lại đây, dân nghèo Việt Nam cũng chới với, nhất là khi giá vàng bỗng vọt lên như tên lửa và những tin đồn thất thiệt lan nhanh…
Dân nghèo Sài Gòn không có tiền để mua vàng trữ, nhưng bằng kinh nghiệm họ biết là khi giá vàng tăng vọt thì giá thực phẩm sẽ ầm ầm lao theo, viễn cảnh về cái đói đã hiện ra thật hãi hùng. Nhưng thật lạ, trong bối cảnh đó Sài Gòn bất ngờ xuất hiện một số quán cơm bình dân treo tấm biển “cơm bao no,” với giá chỉ có mười ngàn đồng Việt Nam . Ðặc biệt loại quán này ra đời ở những khu người nghèo, làm yên lòng những người lao động với cuộc sống bấp bênh không có gì đảm bảo cho đời sống của họ, như những người phụ hồ, đạp xích lô, bán vé số…
Chủ những quán cơm bao no không phải là chủ mới mà họ là chủ của những quán cơm bình dân vẫn buôn bán bình thường, nhưng vì lúc kinh tế khó khăn, cảm thông trước nỗi khổ của dân nghèo nên họ đã tự ý treo bảng “yên dân.”
Cơm bao no, đó là lời hứa của chủ quán với những khách nghèo rằng: “Bạn yên tâm, khi bước vô quán này, chỉ với mười ngàn đồng bạn được đảm bảo ăn no!” Như vậy người nghèo yên tâm, liệu cơm gắp mắm trong cuộc mưu sinh của mình. Ý nghĩa của việc bao giá có tác dụng rất lớn, vì ngay cả những quán cơm bình dân thì giá cả cũng tùy hứng lắm, do vậy đôi khi người nghèo vô quán mà tim cứ đập thình thịch, nhất là khi kêu “tính tiền!”
Cơm bao no hiện nay có giá khoảng 13 ngàn đồng VN. Và mới đây chúng tôi đã ghé ăn thử tại một quán cơm bao no nằm ở khu vực Chánh Hưng, giáp ranh giữa quận 8 và Bình Chánh.
Hỏi thăm về “quyền lợi” của một người khách ăn cơm bao no, bà chủ quán người Nam vui vẻ cho biết: “Chú cứ việc vô lựa đồ ăn, chọn món như những khách ăn bình thường, nhưng chỉ chọn một món thôi nghe, cơm gà là cơm gà, cơm sườn là cơm sườn, chứ chú kêu vừa gà vừa cá, đủ thứ món thì tôi không có bao à nghe! Riêng cơm, chú có quyền ăn thoải mái bao nhiêu dĩa cơm thêm tui cũng không tính thêm tiền.”
Chúng tôi chọn món cơm với lươn xào sả ớt cho phần ăn 13 ngàn đồng của mình. Một dĩa cơm trắng ngon được đem ra, trên dĩa có một ít rau muống luộc tươi xanh, cắt gọn đặt bên trên và dĩ nhiên kèm theo một dĩa lươn xào nhìn khá bắt mắt, thêm một chén canh chua mà không có cá đi kèm.
Cơm khá ngon, món lươn xào sả ớt kiểu miền Nam đậm đà, mặn miệng rất “bắt” cơm. Riêng phần cơm trắng (không) thì cũng ngon chẳng kém gì quán cơm “thời danh” chỗ bà Cả Ðọi. Ăn xong phần của mình, tôi kêu thêm một dĩa cơm thêm để làm cho hết phần lươn xào sả ớt.
Hỏi thăm thực khách trong quán, một nam sinh viên cho biết, thích ăn cơm ở đây vì các món ăn trong quán nấu rất vừa miệng, nhiều món ngon. Một bác lớn tuổi, chạy ba gác đạp trước một cửa hàng bán vật liệu xây dựng gần đó cho biết, trưa nào cũng ghé quán ăn, vì ở đây cơm thêm ăn thoải mái không lo bị tính thêm tiền, khỏi sợ đói. Một chị dắt theo đứa con nhỏ cho biết, chị mới ở miền Tây lên, ở đậu nhà người chị bà con, ghé quán ăn lần đầu, vì thấy tấm biển ghi cơm bao no giá có 13 ngàn, yên tâm dắt con vô, đi xớ rớ quán khác sợ bị “chém.”
Thực khách trong một quán cơm bao no.
Ăn no xong, mọi người tới bình trà đá tự rót nước uống, bao nhiêu tùy thích. Khi tính tiền, đồng giá như nhau là 13 ngàn đồng, trừ những người gọi thêm món, hoặc những người kêu thêm nước giải khát loại khác.
13 ngàn đồng cho một bữa cơm ngon, no, đến nỗi bụng kêu “óc ách” trà đá miễn phí. Tuy lúc này áp lực về bữa ăn với nhiều người không đến nỗi quá lớn nhưng bữa cơm bao no đem lại cảm giác thoải mái, vui vẻ, ấm áp tình người.
Ngoài cơm bao no, Sài Gòn còn có những quán cơm từ thiện miễn phí và quán cơm 2000 (hai ngàn đồng VN cho một suất ăn).
quán cơm TỪ THIỆN 2.000 đồng mở tại địa chỉ 14/1 đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10 – Saigon (thứ 3-5-7 từ 11h-1h). Vào một dịp khác chúng tôi sẽ có bài viết với chi tiết và hình ảnh đầy đủ về loại quán cơm từ thiện này ở Sài Gòn.
Sài Gòn là nơi hội nhập của dân tứ xứ, nói đây là nơi đất lành chim đậu cũng chưa đủ, phải nói đây là nơi đất Phật, nơi không kỳ thị và luôn cưu mang những người thất cơ lỡ vận bất cứ từ đâu đến. Dĩ nhiên, cũng không thiếu những câu chuyện buồn, và cũng không thiếu những người mang những ký ức đau buồn từ nơi đây ra đi. Nhưng đằng sau những hào nhoáng của cuộc đời, những cạnh tranh khốc liệt của thương trường, chính trường, thì trong những góc khuất của thành phố những tấm lòng từ thiện cho người nghèo vẫn kiên nhẫn từ tốn làm việc, theo kiểu thi ân bất cần báo đáp, làm từ thiện mà ẩn danh.
Năm ngoái tôi thuê một căn phòng trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.
Sống một mình, không hứng thú gì trong việc nấu nướng. Nấu nướng để làm gì khi dọn ra chỉ một mình ngồi ăn trong lặng lẽ chứ?
Tôi vẫn nghĩ rằng mâm cơm ra dáng bữa ăn, dù là một mâm cơm với chỉ một hai món ăn giản dị thôi, thì phải có ít nhất là hai người ngồi với nhau. Những ai từng sống một mình sẽ hiểu được điều này.
Có lần, khi ngồi ở một quán ăn quen, anh bạn kín đáo ra hiệu cho tôi nhìn người đàn ông đang ngồi ăn ở bàn bên trong. Ông ta chừng trên 50, áo quần giản dị nhưng tươm tất, ra dáng là một nhân viên văn phòng, một nhà giáo, hay một công chức. Ông ngồi một mình, trước mặt là thố cơm trắng, hai món ăn và ly trà đá. Ông ăn lặng lẽ và rất nhanh, chỉ chú mục vào việc ăn, không quan tâm đến việc gì hay ai khác ở chung quanh. Ăn xong, ông tráng miệng thêm trái chuối rồi gọi tính tiền. Bữa ăn diễn ra trong chừng 25 phút, rồi ông đứng dậy bước ra khỏi quán. Bạn tôi bảo bữa ăn tối hằng ngày người thực khách này vẫn đều đặn diễn ra như thế trong mấy năm nay. Mỗi tuần 5 hay 6 bữa, không thay đổi. Không thuốc lá, không bia, không có người thứ hai ngồi chung, không nói quá những gì cần thiết khi gọi món. Các món ăn thay đổi theo ý thích từng bữa, nhưng những chi tiết khác thì đều đặn và chính xác như đã được lập trình. Tôi tự hỏi bữa ăn tối của ông sẽ như thế nào, ở đâu, trong những ngày quán của anh bạn tôi đóng cửa. Đời sống như vậy e buồn quá!
Tôi thì khác, tôi không chịu nổi sự đều đặn và mẫu mực như vậy. Tuy sống một mình, ngủ một mình, tôi vẫn luôn tìm cách hay cớ để khỏi phải ngồi ăn một mình, nhất là vào bữa cơm tối. Các tiêu chuẩn bữa ăn của tôi là chỗ ngồi sạch sẽ, nếu không mát lạnh thì cũng đừng nóng quá, nếu không yên tĩnh thì ồn ào một chút cũng không sao, chén đĩa sạch sẽ và thức ăn cần được vệ sinh, giá cả phải chăng vừa túi tiền, có chỗ để xe.
Bình Chánh là huyện ngoại thành, dân cư có thu nhập không cao so với các quận khác. Ở đó, tìm một quán ăn có những tiêu chuẩn như tôi vừa đề ra ở trên là hơi khó. Quán ăn theo dạng cơm–văn–phòng không được phổ biến cho lắm, vì so với mức thu nhập của người dân ở đây thì mỗi bữa cơm có giá chừng 20 ngàn trở lên là khá cao. Các quán cơm bình dân thì lúc đó, năm 2008, có giá mỗi dĩa chừng 10 đến 15 ngàn. Tôi để ý chọn hoài vẫn chưa gặp được quán nào vừa ý.
Một hôm tôi gặp được tấm bảng “CƠM BAO NO 10.000đ” như trên đây. Ban đầu tôi băn khoăn về ý nghĩa của dòng chữ trên tấm bảng. Cơm bao no là cơm như thế nào?
Hơn 25 năm trước có lần tôi mừng hụt khi được mời đi ăn cơm lúc lắc. Cứ đinh ninh trong đầu là sẽ được đãi ăn một bữa ngon lành có món lúc lắc, ít ra cũng tương tự như món bò lúc lắc chẳng hạn; nhưng không, cơm lúc lắc là một quán cơm mà thực khách phải leo lên một cái cầu thang gỗ lúc lắc, ọp ẹp, rồi ngồi trên một căn gác áp sát mái tôn nóng như lò thiêu, các món ăn thì sơ sài, dở, rất dở, nhưng cũng rất rẻ.
Tôi vào quán, đến tủ chọn một món mặn và một món xào, rồi kéo ghế ngồi. Thức ăn và cơm để chung trên một đĩa, có thêm một chén canh rau, thật ra không tệ lắm. Thực khách ngồi chung quanh tôi nhiều phần là người lao động nghèo. Ai nấy cắm cúi ăn, đôi nhóm chuyện trò rôm rả.
Tôi ăn xong đĩa cơm thì vừa đủ no, gọi thêm ly trà đá riêng, thay vì uống trà trong ca có đá lạnh. Anh thợ hồ trẻ tuổi ngồi kế bên ăn gần hết đĩa thì mang đĩa đến nồi cơm đại ở bếp để được múc thêm cơm.
Cơm bao no là ăn thả giàn tới chừng nào no thì thôi phải không thím?
Ừa, ăn thả giàn, miễn sao đừng đổ phí phạm thì thôi. Tội!
Vậy tui ngồi ăn tới chiều luôn nghen?
Thoải mái! Mày sắm thêm một cái bao tử như mấy con bò để dành thì tao cũng bao, xả láng luôn nghen Tư!
Cho tui chút nước kho coi.
Nè, cho mày cái đầu cá luôn!
À, cơm bao no là vậy đó, cơm ăn tới no thì thôi, chỉ phải trả một số tiền nhất định. Là hào phóng, xả láng theo kiểu Nam bộ, nhưng chủ quán chỉ yêu cầu là đừng phí phạm.
Từ hôm đó cho tới khi dọn nhà đi nơi khác, tôi là một thực khách quen của CƠM BAO NO tuy rằng sức ăn của tôi không quá một đĩa cơm. Ngồi ở đó, tôi yên tâm mình không bao giờ phải ăn những bữa cơm tẻ nhạt chỉ có mình.
Một ý nghĩ vui chợt nảy ra trong đầu, người dân bình thường trên đất nước này đang cần những bữa cơm bao no, và tất nhiên cũng cần có những ông quan Bao Công, không kém.
Nguồn: diadiemanuong.com