Vào hang ổ bầy đàn đa cấp tìm con: 3 ngày vạ vật
Ở cái tuổi gần đất xa trời, trong khi bạn bè cùng trang lứa đang an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu, ông Trung vẫn phải làm phu hồ, bòn mót từng đồng trả nợ cho cậu quý tử u mê đa cấp.
Xin lệnh triệu tập
Kể từ khi mọi thông tin liên lạc giữa hai cha con ông Trung thưa dần rồi mất kết nối hẳn bởi sự lảng tránh của Lộc, vợ chồng lão nông này lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”.
Sau nhiều đêm thức trắng, rớt nước mắt vì con, vợ ông bàn kế ra Thái Bình “lôi xác” con về. Nhưng biết tìm con ở đâu khi cả đời ông chưa từng ra khỏi lũy tre làng, huống chi con đang lưu lạc ở xứ người. Vả lại, trong nhà còn đang phải chạy ăn từng bữa, lấy tiền đâu ra để vượt chặng đường hơn 300km từ Nghệ An ra Thái Bình?
Ông Trung (mặc áo đen) trao đổi với phóng viên VTC News |
Mang tâm trạng ngổn ngang trăm mối tơ vò trên sang giãi bày với hàng xóm, may mắn thay ông Trung nhận được sự đồng cảm của ông Dũng – người ở xóm Hòa Bình, sát bên xã nhà ông Trung, cha đẻ của cháu Sương cũng đang là học viên của Lô Hội.
Hai người cha già đã hạ quyết tâm dù phải bán nhà cũng phải xoay cho được khoản tiền để lo chuyện tàu xe ra Thái Bình tìm con về.
Sợ tuổi già, sức yếu, nói con chẳng nghe, đe chẳng được, hai lão nông quyết định rủ thêm một chàng trai đi cùng phòng trường hợp phải “cưỡng chế”. Thế là con trai của ông Dũng được “huy động” cùng ra Thái Bình.
|
Về phần mình, sau khi được người hàng xóm tiếp thêm động lực, ông Trung cùng vợ muối mặt đi khắp xóm làng hỏi vay tiền để có chi phí lên đường.
Số tiền không quá lớn, chỉ khoảng 2 triệu đồng, nhưng với một người nông dân đang ôm đủ khoản nợ “kếch xù” vì con như ông Trung ở thời điểm hiện tại, hàng xóm cũng ái ngại chẳng dám cho vay.
Bế tắc, ông Trung lại một lần nữa phải đi vay nặng lãi.
Có tiền đi đường trong tay, trước khi đi, ông được hàng xóm tư vấn lên Công an xã Thanh Hòa xin giấy triệu tập về địa phương giải quyết công việc.
Ban đầu chính quyền không cho vì không có cơ sở nào để triệu tập một công dân không phạm tội hay vi phạm về địa phương. Nhưng những giọt nước mắt ngắn, nước mắt dài cùng những lời khẩn thiết của người cha khiến đồng chí Trưởng công an cầm bút ký giấy triệu tập. Và rồi giấy tờ triệu tập được gửi qua đường bưu điện tới Thái Bình trước,ông Trung bắt đầu cho cuộc hành trình tìm con.
3 ngày tìm con ở nơi ‘địa ngục trần gian’
Chiều ngày 23/8/2013, ông Trung cùng 2 người hàng xóm bắt xe đò từ Thanh Chương xuống bến xe Vinh, đón xe khách đi Thái Bình.
Khi ông đặt được chân đến đất Thái Bình thì đồng hồ cũng đã điểm qua 23 giờ 30 phút. Giữa đêm hôm khuya khoắt, họ dừng chân ở cây xăng gần nghĩa trang số 6 như đã hẹn với người quen.Ông Trung kể, họ may mắn hơn rất nhiều bậc phụ huynh khác – những người nghèo khổ tới mức cả đời không dám bước chân vào nhà nghỉ, phải nằm vạ vật ở nghĩa trang chờ trời sáng để tìm con.
May mắn ở chỗ, họ có người quen đón vào nhà trọ của một công an trong xã Phú Xuân để nghỉ ngơi.
“Tôi may mắn có nơi trú ngụ chứ tôi nghe đồng chí công an viên kể lại, có trường hợp đi tìm con phải ra nghĩa địa nằm vật vờ trông tội lắm. Con số người thân đi tìm con cũng hàng ngàn lượt” – ông Trung kể.
Trò chuyện với PV VTC News ông Trung cho biết, người dân địa phương tốt bụng lắm, xót cảnh làm cha làm mẹ, họ cho áo mưa, ô dù để những ông bố đi tìm con phải nằm vạ vật ở Nghĩa trang số 6 bớt lạnh, thế nhưng chẳng ai đủ can đảm cho người lạ về nhà ngủ dù chỉ một đêm.
Sắp tới, có lẽ sẽ rất khó bắt gặp những hình ảnh như thế này của học viên Lô Hội ở Thái Bình |
Vì vậy, các ông bố này buộc phải tụ lại thành một nhóm, canh cho nhau ngủ lúc màn đêm buông xuống, phòng trường hợp bị kẻ xấu trấn cướp những xu lẻ cuối cùng.
Dù không phải chịu cảnh màn trời chiếu đất như họ, nhưng ông Trung cũng rơi vào thảm cảnh, khổ chẳng kém ai.
Nghe người dân địa phương mách bảo, ông đội mưa, nắng, đi bộ hơn 3km, ngồi chầu chực ở cây xăng gần nghĩa trang số 6 (thành phố Thái Bình) tìm con trong dòng học viên Lô Hội ngày lũ lượt qua đây.
Ở khu vực này không có lấy một quán nước vỉa hè, ông đành vạ vật ở gốc cây. Có những lúc mệt quá, ngủ thiếp đi như…nghiện.
Sau một ngày phơi nắng không thấy tăm hơi của con, biết mình chẳng đủ tiền cầm cự ở đây lâu hơn nữa, ông Trung nhờ tới sự giúp đỡ của lực lượng công an xã Phú Xuân.
“Không hiểu nó biết tin cha đang ra tìm từ đâu mà trốn biệt tăm biệt tích, công an tìm hơn 3 tiếng đồng hồ ở khắp các phòng trọ chẳng thấy nó đâu. Những lúc như vậy, tôi thấy bất lực, buồn chán và tuyệt vọng lắm.
Cái khó cho chính quyền địa phương là Lộc chỉ ở nay đây mai đó, không đăng ký tạm vắng tạm trú nên sổ sách các khu vực cho thuê nhà trọ dường như không hộ nào nắm được, công an cũng đành chịu thua.
Tối đến, nghe người dân địa phương rỉ tai nhau, học viên Lô Hội ra đây chẳng làm gì, chỉ suốt ngày đi học, rảnh là ăn chơi lêu lổng tôi càng lo lắng. Sợ nhất là con mình gặp rủi ro này nọ…”, ông Trung than thở.
Cũng theo lời ông Trung, trong những đêm không ngủ ở quê lúa Thái Bình, ông ngồi nghĩ kế “bắt” con về.
“Lúc đó tôi tính, nếu gặp cháu thì trước hết là khuyên nhủ. Nó cũng lớn rồi, từ bé tới giờ lại rất ngoan, vâng lời cha mẹ, nó cũng có ăn học tử tế, gia cảnh thế nào nó cũng thừa biết, nếu tiếp tục than nghèo kể khổ e chẳng khác nào nước đổ lá khoai. Đến mẹ nó khóc lóc thảm thiết gọi con về mà nó còn không nghe, huống chi là tôi…
Thế nên tôi tính “cưỡng chế”. Gặp nó là tôi nhờ 2 người đi cùng bắt, đưa lên xe đưa về nhà luôn. Nhưng rồi càng tìm càng chẳng khác nào mò kim đáy bể”, ông Trung chia sẻ.
Bố thì khổ sở tìm con như người đứng ngoài sáng nhìn vào bóng tối, mịt mờ không đích ngắm. Còn Lộc lại biết khá rõ bố đi tìm mình và đã gọi điện vào máy bố và khuyên bố trở về “không tìm được con đâu, cũng đừng có nhờ công an mà mất thời gian”. Truyền “thông điệp” cho bố xong thì Lộc tắt nguồn, không để bố kịp nói thêm điều gì.
3 ngày tìm con trong vô vọng, 1 triệu mang đi cũng ngót nghét gần hết, ông Trung buộc phải trở về với sự bực dọc và lo lắng lẫn lộn.
“Nói thật với chú là dân cày đâu hiểu được, con xin đi học thì ai cũng cho cả. Nào ngờ nó lừa cha, dối mẹ trắng trợn như thế. Tiền giờ cũng đã vay, thôi thì hết năm không có trả nợ đành xin đảo nợ năm sau. Chỉ mong giờ con trở về cho bố mẹ yên tâm. Lúa ngoài đồng chín rục nhưng tôi không có tâm trạng đi làm việc khác…” – giọng ông Trung buồn bã, yếu ớt, ánh mắt đỏ hoe.
Còn nữa…
Nhóm PV VTC News