Bỏ tiền tỷ chơi xe tí hon
13 năm qua, anh Đinh Ngọc Dũng đã bỏ ra 1,7 tỷ đồng để sưu tập những món đồ mô hình đắt tiền máy bay, xe hơi, cần cẩu được sản xuất ở nước ngoài.
Mô hình kết tình bè bạn xuyên biên giới
60m2 tầng 4 trong căn nhà 5 tầng bề thế ở mặt tiền một con phố thuộc trung tâm thành phố được anh Dũng (34 tuổi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) dùng để trưng bày tất cả những mô hình đã mua. Hơn 150 mẫu máy bay, xe tải, xe hơi, tàu thủy,… trong 8 chiếc tủ kính 3 tầng được anh Dũng xem là những “đứa con tinh thần” nâng niu, bảo quản rất cẩn thận. Anh sắp xếp gọn gàng những món đồ cũ, mới theo quy luật vòng kim đồng hồ.
Bên cạnh chiếc tủ chứa những chiếc máy bay mô hình đủ loại, từ dòng ném bom tới tiêm kích, trực thăng,… là chiếc tủ chứa đầy những mẫu xe tăng với đủ màu sắc.
Anh Dũng bên mô hình chiếc cần cẩu P&H có giá gần 3.000 USD. |
Ngoài hàng chục mẫu xe hơi của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Ferrari, Audi, Bugatti,… anh Dũng còn sưu tập cả những chiếc xe rơ-moóc, xe tải chở hàng, xe cần cẩu… nhỏ xinh. Các mô hình của anh sưu tập được sản xuất ở các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Hầu hết mô hình của anh đều có giá từ vài trăm tới cả ngàn USD, ngay như những hình người nhỏ bằng ngón tay cũng có giá cả triệu đồng.
“Tôi đặt mua qua mạng chiếc cẩu PTC Mommoet do Mỹ sản xuất với giá 3.200 USD. Nếu lắp ghép hoàn chỉnh thì mô hình này có thể cao tới 2,2 m. Thực tế, loại cẩu này chuyên để dùng cẩu các hàng siêu trường, siêu trọng”, anh Dũng hào hứng kể.
Ở dưới sàn của kho mô hình, ngoài mô hình cẩu PTC Mommoet còn có một hệ thống tàu hỏa thu nhỏ có giá hơn 1.000USD do Mỹ sản xuất. Khi chạy, tàu phát ra tiếng kêu, thậm chí phun khói giống hệt như tàu thật.
Để làm “giàu” cho bộ sưu tập của mình, anh thường lên các diễn đàn quy mô quốc tế dành cho giới chơi mô hình để nắm bắt xu hướng cũng như cập nhật thông tin về mẫu mã, số lượng, giá cả những mô hình mới nhất sắp trình làng. Nhờ niềm đam mê này, anh có thêm những mối quan hệ, những tình bạn xuyên biên giới.
Có lần anh vào một trang web chuyên về mô hình toàn cầu có trụ sở tại Anh để tải toàn bộ những bức ảnh về mô hình cần cẩu, xe bọc thép, xe công trình… và viết lời giới thiệu lên đó. Ngay lập tức, các thành viên của trang web này đã không ngớt lời khen ngợi, tỏ ra bất ngờ khi ở Việt Nam cũng có người đam mê những mô hình “quý tộc” như thế.
Sau đó, người quản lý trang web đã liên hệ với anh và bày tỏ nguyện vọng muốn treo lá cờ Việt Nam và cài đặt thêm tiếng Việt vào trang web cùng với các nước khác. “Nhiều người ở Mỹ, Canada, Pháp… còn gửi email bày tỏ sự thích thú và mong muốn gặp gỡ để tham quan, trao đổi khi có dịp sang Việt Nam”, anh Dũng cười.
Sẵn sàng “chia tay con cưng” để lấy tiền giúp người nghèo
Du học ở Na Uy về ngành đóng tàu rồi về nước làm nhân viên cho một hãng đăng kiểm quốc tế với mức lương gần 10.000 USD/tháng, nhưng anh Dũng chuyển nghề sang làm quản lý 3 khách sạn 4 sao cho gia đình tại TP.HCM. Vợ con ở Hải Phòng nên anh thường xuyên đi về giữa hai nơi.
Có lẽ, ngoài gia đình, công việc thì kho mô hình có giá trị 1,7 tỷ đồng là mối quan tâm hơn cả của anh. Niềm đam mê thú chơi mô hình cháy bỏng trong anh tới mức đã có lần, anh ngồi cả buổi tối lắp ghép những món đồ “cục cưng” mà quên cả… đi ngủ.
Anh cho biết: “Cái kỳ công của thú chơi này là phải cần thời gian lắp ghép, có những chi tiết nhỏ như cái kim mình phải lắp đúng. Có những mô hình phải mất vài tháng mới lắp ghép xong, lúc ấy rất sung sướng. Việc lắp ghép đã rèn cho mình sự cẩn thận, kiên trì và sự tư duy rất tốt. Điều này giúp mình làm công việc quản lý tốt hơn”, anh Dũng chia sẻ.
Lòng đam mê với thú chơi mô hình từ khi còn là du học sinh đã giúp anh am hiểu hơn về các phương tiện giao thông, lịch sử của các loại vũ khí quân sự. Ấp ủ dự định mở một tiệm cà phê mô hình, anh Dũng còn có ý muốn mở một cuộc đấu giá những món đồ của mình để góp tiền giúp người nghèo khó.
Theo Vũ Ngọc Khánh (Giaothongvantai.com.vn)