Những trường học chục tỷ bỏ hoang giữa thủ đô
Hai ngôi trường được đầu tư số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng nay đổ nát, hoang tàn dù chưa một ngày được đưa vào sử dụng.
Nếu không có tấm biển chào mừng năm học mới được treo trang trọng và bắt mắt trên hai cột bê tông xây dang dở thì có lẽ không ai có thể nhận ra đây là một cơ sở giáo dục. Cảnh tượng đổ nát, hoang tàn này lại là nghịch lý đang diễn ra tại trường THCS Cộng Hòa (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội).
Được khởi công xây dựng từ năm 2010 với vốn đầu tư là 11,5 tỷ đồng cho 13 phòng học và phòng hành chính. Thế nhưng gần 3 năm trôi qua, ngôi trường này vẫn chưa hoàn thiện và để thời gian mặc sức tàn phá.
Tuy chưa đưa vào sử dụng nhưng nhiều phòng học ở đây đã xuống cấp trầm trọng. Tường lộ vết xây nham nhở và gạch lởm chởm. Rêu xanh phủ kín nhiều mảng tường. Giờ đây công trình này đang được tận dụng làm nơi gửi xe đạp cho học sinh. Nhiều phòng bị chiếm dụng là nơi để rác và vật liệu xây dựng.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi thầy và trò trường THCS Cộng Hòa không có phòng học bộ môn và nhiều lớp phải học dồn thì công trình tiền tỷ này lại bỏ hoang gây bức xúc cho người dân và thầy trò nơi đây…
Năm học mới đã bắt đầu gần một tuần và để có phòng học cho học sinh, các phòng của Ban giám hiệu trường THCS Cộng Hòa đành phải dồn lại và ngăn tạm bợ bằng những chiếc tủ gỗ. Để tránh cỏ mọc và việc đổ rác ra công trình này, hàng ngày thầy và trò nơi đây phải phân chia nhau dọn dẹp.
Ngay sát cạnh đó, trường THCS Tân Hòa cũng chịu chung tình cảnh “bỏ hoang cho rêu mọc”. Được cấp kinh phí xây mới khối nhà 2 tầng với gần 10 phòng học nhưng không biết vì lý do gì mà sau 2 năm hoàn thiện các phòng học này vẫn chưa được đưa vào sử dụng mặc dù hiện vẫn Trường Tân Hòa chưa đủ phòng, lớp.
Đặc biệt chủ xây dựng của hai công trình bỏ hoang này đều là của một người. Lý do cho việc chậm trễ trong việc bàn giao trường học, chủ thầu xây dựng này cho biết: do xã chưa thanh toán 700 triệu.
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi đại diện xã Cộng Hòa cho biết đã có nguồn vốn nhưng phải chờ doanh nghiệp bàn giao xong công trình mới thanh toán. Còn đại diện xã Tân Hòa thì cho rằng tuy là chủ đầu tư của trường THCS Tân Hòa nhưng lại phụ thuộc vào việc giải ngân của thành phố nên không quyết định được.
Thật trớ trêu khi hàng nghìn học sinh tại các vùng sâu, vùng xa đang phải ngày ngày học tập trong nhà trách vách nứa thì ngay giữa thủ đô Hà Nội, có những trường học được đầu tư tiền tỷ lại bỏ hoang cho rêu mọc.
Hà Trang – Xuân Ngọc
Nguồn: Dân Trí