Người tiêu dùng “quay lưng” với rau, củ, quả Trung Quốc
Trước các thông tin rau củ, trái cây Trung Quốc có vấn đề về an toàn thực phẩm, dùng hóa chất bảo quản vượt quá mức quy định, người tiêu dùng tại TP.HCM bắt đầu “quay lưng” với nguồn hàng này.
Thời gian gần đây, liên tiếp các thông tin về việc trái cây Trung Quốc có vấn đề về an toàn thực phẩm, dùng hóa chất bảo quản vượt quá mức quy định được phát hiện khiến dư luận xôn xao, người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với các loại nông sản này để tìm đến những nguồn hàng chất lượng và đảm bảo hơn. Không ít các điểm bán trái cây nguồn gốc từ Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mặt hàng kinh doanh.
Ghi nhận tại chợ An Đông (Q.5), Nhiều tiểu thương buôn bán rau củ, trái cây đã phải từ bỏ nguồn hàng nhập từ nhiều năm trước đây để tìm đối tác cung cấp mới. “Giờ ít người mua trái cây Trung Quốc lắm, tuy giá thành rẻ nhưng người tiêu dùng đã thận trọng, không chạy theo giá cả mà họ quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc. Hàng Trung Quốc nhập về không bán được nên chúng tôi phải thay đổi lại” – chị Nguyễn Thị Cúc (Tiểu thương bán trái cây trong chợ An Đông) chia sẻ.
Chị Cúc cho biết thêm thà chấp nhận lấy hàng của Thái Lan, Mỹ với giá thành cao nhưng còn bán được. Nhiều tiểu thương khác đều thẳng thắn thừa nhận, người tiêu dùng bây giờ rất tinh tế, họ nhìn vào các đặc điểm bên ngoài là biết ngay nguồn gốc của rau củ, trái cây nên người bán không thể nói dối. “Hàng Trung Quốc bây giờ người ta tránh xa dữ lắm, đâu có giám ăn đâu!” – một tiểu thương khẳng định.
Hiện nay, tại các sạp bán trái cây, rau củ trong chợ An Đông (Q.5), Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám, Tân Trụ (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)…rất hạn chế nhập mặt hàng Trung Quốc về bán. Tuy nhiên, chỉ có lê và lựu là vẫn lấy từ Trung Quốc. Lý giải về việc này, nhiều tiểu thương cho biết, do Lê là loại trái cây chỉ có Mỹ và Trung Quốc cung cấp cho thị trường Việt Nam nhưng do lê của Mỹ giá thành cao (khoảng 100.000 đồng/kg) rất khó bán nên phải bán lê của Trung Quốc vì nó chỉ 40.000 đồng/kg.
Trong khi kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc đang giảm mặt thì kim ngạch nhập trái cây từ Thái Lan tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Thái Lan trong tháng 7/2013 là gần 10,5 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước thực trạng người tiêu dùng tẩy chay và tiểu thương các chợ “né” hàng Trung Quốc, nhiều chợ đầu mối tại TP.HCM đã hạn chế nhập các loại rau củ từ Trung Quốc như: khoai tây, cà rốt, táo, gừng tỏi…trong đó, có mặt hàng đã ngừng nhập khẩu đến 70% so với mức nhập khẩu năm 2012.
Chị Nguyễn Thanh Thuý, chủ một vựa gừng, hành, tỏi khô tại chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết hành trong nước hiện nay hầu hết chỉ có hành Vĩnh Châu (Sóc Trăng), tỏi, gừng lấy từ một số tỉnh miền Tây, miền Bắc và Đà Lạt. Tuy nhiên, số lượng này so với hàng Trung Quốc không đáng kể. Hành, tỏi, gừng trong nước chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng hàng, chưa kể còn phụ thuộc mùa vụ.
Trong khi nhiều chợ lớn bán lẻ tại TP.HCM đang bắt đầu tẩy chay hàng Trung Quốc không đảm bảo chất lượng thì giới lái buôn lại tìm ra chiêu thức mới tiêu thụ các loại nông sản này bằng cách vận chuyển về các tỉnh thành lân cận. Rạng sáng 4/9, chúng tôi ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn, có tới cả chục tấn hành, gừng, tỏi, cà rốt… nhập từ Trung Quốc được chuyển ra xe về tỉnh.
Thấy có người dò hỏi, chủ một vừa rau củ quả trả lời cộc cằn: “Đó toàn là hàng Trung Quốc, ai cũng biết cần gì phải nói ra nữa. Cứ im lặng mà bán là được rồi, dưới quê chỉ cần rẻ, mâu mã đẹp là được, chứ ai quan tâm nó đến từ đâu”.
Phúc Yên
Nguồn: Dân Trí