Danh lợi tình hết thảy là vật ngoại thân, buông bỏ được mới có thể an nhiên tự tại
Bên nhà Phật giảng rằng, hết thảy danh lợi tình đều là vật ngoại thân, khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi. Cho nên, người ta chỉ khi có thể coi hết thảy đều là vật ngoại thân, như mây khói thoảng qua thì mới buông bỏ được tâm chiếm cứ.
Câu chuyện của gian thần Nghiêm Tung
Chất chứa là thể hiện sự tham lam, mê lạc. Thủ phụ nội các triều nhà Minh – Nghiêm Tung từng có lần tổ chức sinh nhật, quan văn quan võ trong triều đều đến chúc mừng. Lễ vật chúc mừng sinh nhật Nghiêm Tung được xếp thành đống cao như một ngọn núi nhỏ. Lúc ấy, Nghiêm Tung bán quan bán chức, con trai Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phiên nắm giữ công bộ, sưu cao thuế nặng, gia sản của cha con nhà ông ta vượt qua cả quốc khố.
Tiệc tổ chức sinh nhật Nghiêm Tung kéo dài đến nửa đêm mới kết thúc, đợi quan khách ra về hết thì người quản gia khóa cổng. Khi ấy đúng vào mùa đông, thời tiết vô cùng lạnh giá. Một vị Ngự sử bị lạc đường, quanh quẩn ở trong hoa viên lạnh cóng cả người. Người quản gia nhà họ Nghiêm thấy vậy bèn mời vị quan Ngự sử đến phòng của mình và tiếp đãi. Quan Ngự sử vô cùng cảm kích lòng tốt của người quản gia này.
Người quản gia nói: “Hiện giờ là tôi giúp ngài, nhưng tương lai có thể ngài phải giúp tôi. Ngài thiếu tôi một mảnh nhân tình, tương lai thỉnh xin ngài tha cho tôi một mạng.”
Vị quan Ngự sử không hiểu, nói: “Nghiêm gia đang hưng thịnh như mặt trời ban trưa, thân phận của ông cũng vô cùng tôn quý, làm sao cần đến tôi tha cho ông một mạng?”
Kết quả, mấy năm sau, Nghiêm Tung thất thế về sau chết không có chỗ chôn, Nghiêm Thế Phiên bị giết, Nghiêm phủ bị tịch thu hết. Người quản gia cũng bị xử chết vì tội nhận hối lộ, nhưng vị quan Ngự sử lúc trước đã giúp đỡ ông ta tránh được tội chết, chỉ bị đi lưu đày biên ải.
Nhà văn Phùng Mộng Long, triều Minh nói: “Cha con Nghiêm Tung, Nghiêm Thế Phiên đọc đủ các loại sách nhưng kiến thức lại không hơn một người quản gia, thân chết nhà mất, thật là đáng tiếc!”
Từ xưa đến nay, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, thủy triều lên rồi lại xuống, thịnh cực tất suy, đó chính là Thiên đạo. Người không biết giảm bớt phóng túng thì chỉ có thể tự nhận kết cục diệt vong.
Hòa Thân triều nhà Thanh nắm quyền trong hai mươi năm, tham ô hơn 1 tỷ lượng bạc trắng, ruộng đất mấy ngàn khoảnh (1 khoảnh = 100 mẫu), bất động sản mấy trăm mảnh. Tài sản của Hòa Thân tham ô được lớn hơn khoản thu của quốc gia trong 15 năm cộng lại. Nhưng kết cục thì sao? Cho đến hôm nay, Hòa Thân bất quá chỉ là một con người để người đời cười nhạo, châm biếm mà thôi.
Câu chuyện của Chiết Tượng
Trong “Hậu Hán Thư” có ghi chép lại câu chuyện về Chiết Tượng, triều nhà Hán như sau:
Chiết Tượng tự là Bá Thức, sống ở địa phương Quảng Hán gần sông Lạc. Chiết Tượng sinh ra trong một gia đình giàu có, có nhiều người làm quan lớn. Ông nội của Chiết Tượng được phong là chiết hầu, cha của ông được phong làm Thái thú Úc Lâm.
Từ nhỏ, Chiết Tượng đã rất nhân từ, chăm chỉ hiếu học. Lớn hơn một chút, ông tinh thông Kinh Dịch và các lời dạy của thánh nhân. Sau khi cha qua đời, Chiết Tượng là chủ gia đình và nắm trong tay một khối gia sản khổng lồ. Chiết Tượng hiểu được triết lý “Đa tàng tài vật, việt phong hậu, việt dung dịch phát sinh tai vong chi hoạn”, chất chứa tài vật càng nhiều thì càng dễ dàng xảy ra tai họa. Vì vậy, ông bắt đầu lấy tài sản của gia đình mình giúp đỡ người thân khốn khó và những người nghèo khổ trong vùng.
Có người biết Chiết Tượng làm như vậy thì khuyên rằng: “Ông có ba trai hai gái, con cháu lại đầy đàn, cần phải tiếp tục làm tăng gia sản lên chứ, hà cớ gì mà lại cho đi như vậy?”
Chiết Tượng nói: “Xưa kia, Đấu Tử Văn từng tự mình làm hao tổn gia sản của mình và nói: ‘Ta vì trốn họa chứ không phải sợ giàu có!”. Gia đình tôi tích lũy gia sản đã từ lâu, tràn đầy tất sẽ chiêu mời tổn hại. Đây là điều đại kỵ trong Đạo gia. Hiện giờ thế đạo suy bại, con cháu vô tài, nếu như bất nhân mà giàu có thì thật sự là mầm của họa bất hạnh, tường có khe hở mà càng cao thì càng dễ đổ sụp!”
Những người hiểu biết nghe xong lời của Chiết Tượng nói, ai nấy đều kính nể ông.
Đấu Tử Văn mà Chiết Tượng nói tới là người nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc, từng được phong làm Lệnh duẫn, nắm giữ quyền lớn. Ông từng lấy gia sản của mình để cứu giúp nước Sở lúc khốn khó.
Lão Tử giảng: “Thậm ái tất đại phí”, nghĩa là yêu thích điều gì đó nhiều thì tất sẽ hao tổn nhiều. Một người có tham dục quá mức thì tất sẽ có hao tổn lớn.
Bên nhà Phật giảng rằng, hết thảy danh lợi tình đều là vật ngoại thân, khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi. Cho nên, người ta chỉ khi có thể coi hết thảy đều là vật ngoại thân, như mây khói thoảng qua thì mới buông bỏ được tâm chiếm cứ. Còn như một người luôn lo được mất, chiếm giữ lấy được nhiều cho thỏa dục vọng bản thân thì sẽ khiến tâm linh không thể an bình.
Theo tri thức