Vẻ đẹp của Hanbok được ghi dấu theo chiều dài lịch sử của Hàn Quốc
Hanbok hay còn được gọi là Joseonot, là tên gọi bộ trang phục truyền thống của người Hàn Quốc. Vẻ đẹp của Hanbok được ghi dấu trong suốt chiều dài lịch sử bởi nét thanh lịch vương giả, ân điển đạo đức và sự hài hòa cùng thiên nhiên.
Hanbok hay còn được gọi là Joseonot, là tên gọi bộ trang phục truyền thống của người Hàn Quốc. Hanbok được cho là xuất hiện từ thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên, nhưng chỉ được phổ biến trên toàn thế giới bắt đầu từ triều đại Chosun. Vẻ đẹp của Hanbok được ghi dấu trong suốt chiều dài lịch sử bởi nét thanh lịch vương giả, ân điển đạo đức và sự hài hòa cùng thiên nhiên. Sự hấp dẫn của Hanbok không chỉ đến từ nét duyên ngầm qua đường nét thiết kế mà còn bởi vẻ tinh tế độc đáo của màu sắc và họa tiết hoa văn trang trí.
Vẻ đẹp kiểu dáng
Thiết kế Hanbok được lấy cảm hứng từ tư tưởng Phật giáo vào thời kỳ thịnh trị tại Trung Hoa. Mỗi bộ Hanbok nữ gồm 2 phần chính là Jeogori (áo khoác ngắn) kèm nơ và chima (váy thắt eo cao). Hanbok nam gồm Jeogori, áo choàng và quần bagi. Theo thời gian, thiết kế Hanbok nam không có thay đổi nhiều, tuy nhiên các thiết kế Hanbok dành cho nữ đã có chút thay đổi về màu sắc, vật liệu, độ dài trang phục… nhưng về tổng thể hình dáng không thay đổi nhiều so với 1600 năm về trước.
Đi cùng với hanbok, ngoài chiếc mũ đội đầu của nam còn có trâm cài đầu, hoa cài, mũ, dây buộc tóc của nữ. Bởi hanbok của nam và nữ đều không có túi nên người mặc có thể mang theo túi nhỏ làm bằng lụa, có thể thêu thêm họa tiết, gọi là joomeoni. Chumoni được chia thành hai loại: loại tròn và loại gấp nếp, hơi giống hình tam giác, cả hai đều có dây rút. Chúng thường được trang điểm bằng những chiếc nút và những quả tua cầu kỳ tuỳ theo địa vị và giới tính của người mặc bộ đồ.
Vẻ đẹp chất liệu
Tầng lớp thượng lưu sẽ mặc loại hanbok có chất liệu được dệt từ cây gai hoặc loại vải nhẹ chất lượng tốt. Người dân thường sẽ mặc loại hanbok làm từ loại vải bông thông thường. Chất liệu để làm loại Hanbok phổ biến ngày nay là vải gai, bông, muslin, lụa và satin.
Vào mùa thu, phụ nữ Hàn thích chọn loại Hanbok được may bằng lụa tơ, bởi khi di chuyển sẽ gây tiếng kêu xào xạc như tiếng bước chân trên lá khô.
Vẻ đẹp màu sắc
Màu sắc của bộ Hanbok truyền thống được thiết kế dựa theo học thuyết âm dương ngũ hành tức là chú trọng sự hài hòa của sự phối hợp các màu nhuộm tự nhiên. Có lẽ cũng bởi vậy mà hanbok được đánh giá cao không chỉ bởi hình dáng mà còn bởi màu sắc thanh lịch, tinh tế và khả năng phối màu đỉnh cao của các loại trang phục. Dù đó là màu trầm, màu nóng hay gam màu sáng, bạn vẫn luôn thấy được nét hài hòa trong sự kết hợp màu sắc giữa các phần của trang phục.
Ngày nay, bạn có thể thấy màu sắc trang phục của các bộ trang phục Hanbok rất phong phú. Tuy nhiên, quy định màu sắc của người Hàn xưa khá nghiêm ngặt. Ví như, cô gái màu áo vàng váy đỏ là thể hiện người sắp đi lấy chồng. Khi cô ấy mặc váy hồng tức là đã mong sinh con gái, mặc váy màu tím là mong sinh con trai. Ống tay áo thêu sọc năm màu kim mộc thủy hỏa thổ biểu hiện khát vọng sống lứa đôi hòa hợp trọn vẹn bách niên giai lão.
Thời xưa ở Hàn Quốc giới thượng lưu được mặc quần áo nhiều màu sắc sặc sỡ, những màu sáng được dành cho trẻ em và các bé gái, còn màu dịu hơn thì dành cho những người trung niên. Luật xưa còn quy định người dân thường chỉ được phép mặc quần áo màu trắng, nhưng trong những dịp đặc biệt họ được cho phép mặc các trang phục màu hồng nhạt, xanh lá cây nhạt, xám và màu than. Lịch sự hơn, khi đàn ông đi ra ngoài, họ mặc thêm durumagi dài tới đầu gối. Hanbok cho giới trẻ và cho trẻ em chung một đặc điểm là đa sắc màu, thường là màu sáng và hoa văn khá phong phú.
Vẻ đẹp họa tiết
Hàn Quốc là một đất nước ôn đới, quanh năm cảnh sắc tươi đẹp nên không khó hiểu khi thiên nhiên trở thành đề tài phổ biến cho các thiết kế họa tiết trên các trang phục Hanbok, đặc biệt là phái nữ. Những họa tiết được thêu tay tinh tế trên nền vải lụa, satin, gấm… càng tôn lên sự hài hòa và nét đẹp ngầm của bộ Hanbok.
Hoa văn trong Hanbok cũng thường thiên về các họa tiết thiên nhiên hoặc những hình sang trọng như rồng phượng, có thể là in chìm trên nền vải lụa, satin, gấm,… hoặc thêu tay đủ các hình thù rất cầu kì và tinh tế. Một họa tiết cũng khá phổ biến trên Hanbok là hình tròn âm dương, hoặc hình tròn chia làm ba phần với ba màu cơ bản là đỏ, vàng và lam.
Vẻ đẹp hài hòa
Trái với những trang phục mang phong cách phương Tây hiện đại, bộ trang phục truyền thống luôn có những đường nét nhấn nhá làm tôn lên nét đẹp tự nhiên vốn có của người mặc, và bất cứ ai mặc lên đều phải công nhận rằng, họ trở nên xinh đẹp hơn trong chính bộ trang phục truyền thống dành cho mình.
Mỗi bộ hanbok tỏa ra một vẻ đẹp tự nhiên của hình dáng, cho phép người mặc di chuyển và đi lại tự do nhưng rất duyên dáng và yêu kiều. Đặc biệt, độ phồng của chiếc váy lớn qua mỗi bước di chuyển đều thể hiện được sự bồng bềnh và mềm mại của chất liệu.
Trong mỗi bước di chuyển, Hanbok giúp làm tăng thêm vẻ kín đáo, e lệ của phái nữ và tính cương trực, điềm đạm và khoáng đạt của phái nam. Ẩn chứa trong nhiều lớp áo của Hanbok là tư tưởng Nho giáo kín đáo, lễ nghĩa và chừng mực.
Hanbok có hai lớp để thích nghi với khí hậu lạnh và khô. Màu sắc và hoa văn của Hanbok đặc biệt phong phú, mỗi màu sắc và hoa văn lại ẩn chứa một ý nghĩa nhất định, nhưng có thể khái quát lên rằng đó chính là mong muốn hòa nhập với thiên nhiên, có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc và ước muốn chung sống với nhau một cách hòa bình giữa các quốc gia.
100 năm trước, Hanbok là trang phục thường ngày của người Hàn Quốc. Ngày nay, thường chỉ vào dịp lễ Tết hoặc có sự kiện trọng đại người dân mới mặc hanbok phổ biến. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của thời trang, rất nhiều nhà thiết kế đã sáng tạo nên các thiết kế Hanbok đơn giản phù hợp với sinh hoạt thường ngày và được rất nhiều người Hàn hiện đại lựa chọn.
Theo ĐKN