Sợ hãi ngôi làng 2.000 cư dân đột nhiên mất tích
Mùa đông năm 1930, khoảng 2.000 người dân trong ngôi làng Anjikuni (Canada) đã đột ngột biến mất một cách khó hiểu.
Sau gần một thế kỷ, bí ẩn này vẫn là một thách thức với các nhà nghiên cứu khi chưa ai có thể đưa ra được lời giải thích.
2.000 người “bốc hơi” không để lại dấu vết
Vào một đêm trăng tròn giá lạnh tháng 11/1930, ông Joe Labelle cố gắng lê từng bước trên tuyết lạnh, tiến về phía ngôi làng Anjikuni để kiếm chỗ nghỉ qua đêm.
Là một lái buôn da thú, ông có thể nghỉ ngơi ở bất cứ ngôi làng nào trên hành trình của mình. Anjikuni cũng là một địa chỉ quen thuộc.
Đó là ngôi làng của những người Eskimo, nằm ở hạt Kivalliq, bang Nunavut, Canada. Đây là khu vực xa xôi hẻo lánh và lạnh giá nhất của Bắc Mỹ.
Joe Labelle đã từng nhiều lần qua lại mua bán da thú với người dân làng này và rất thân thiết với họ. Vì vậy với ông, đến được ngôi làng cũng giống như về nhà. Ông sẽ được ăn uống và nghỉ ngơi trong ngôi nhà ấm áp với bếp sưởi luôn rực lửa.
Người Eskimo
Khi gần đến nơi, Joe Labelle đã cảm thấy một điều kỳ lạ: Ngôi làng im ắng một cách lạ thường. Không có tiếng chó sủa, tiếng trẻ con nô đùa và tiếng người lớn cười nói vui vẻ phát ra từ những ngôi nhà đầu tiên ông nhìn thấy.
Bước vào bên trong căn nhà đầu tiên, Joe Labelle không gặp một ai. Quay sang nhà kế bên cũng vậy. Hai nhà, ba nhà, rồi năm nhà, không đâu có bóng người.
Kinh hãi, ông chạy như điên dại giữa những ngôi nhà, miệng liên tục gào gọi mọi người. Chân ông đạp tung tất cả những cánh cửa, sục vào tìm kiếm không sót một phòng nào, nhà nào. Tất cả đều đã biến mất! Hơn 2.000 người già, trẻ, gái, trai đã từng sống ở đây, mà bây giờ không còn bóng dáng một ai.
Bình tâm hơn một chút, người lái buôn xem xét kỹ hiện trường và chợt nhận ra rằng, không chỉ người mà đến súc vật nơi đây cũng chẳng còn một mống. Chó, dê, cừu, tuần lộc cũng biến mất. Phải chăng những người dân nơi đây đã di tản đi nơi khác, vì một lý do gì đó?
Tại một ngôi nhà, ông thấy củi vẫn đang cháy trong lò sưởi. Nồi súp treo bên cạnh vẫn đang sôi sùng sục, còn trên ghế ngoài phòng khách, hai chiếc áo đang khâu dở, kim chỉ vẫn còn cắm vào áo.
Vào nhà kho, ông thấy quần áo và thức ăn khô vẫn nguyên vẹn. Dù vội đến đâu thì đây cũng là hai thứ mà một người không thể không mang theo khi đi ra ngoài trong mùa đông giá lạnh thế này. Không phải họ đã đi di tản.
Dẫu là một lái buôn dày dạn với cuộc sống nay đây mai đó ở những nơi hẻo lánh, nhưng giữa mùa đông, ông Joe Labelle vẫn toát mồ hôi vì sợ. Dưới ánh trăng, nhìn ngôi làng càng toát lên cảnh liêu trai, chết chóc. Joe Labelle bỏ chạy thục mạng về phía một điểm bưu điện cách đó vài kilomet.
Khi tới nơi, ông chỉ kịp thều thào nói với nhân viên điện tín vài câu trước khi ngất xỉu, nhưng cũng đủ để người này hiểu ra vấn đề và đánh một bức điện báo tin cho cảnh sát địa phương.
Ngày hôm sau, cảnh sát đến Anjikuni và bắt đầu tìm kiếm, nhưng vẫn không có bóng người hay gia súc nào được tìm thấy. Kinh hoàng hơn, khi ra khu vực nghĩa trang, mọi người phát hiện tất cả các ngôi mộ đều đã bị bới tung lên. Huyệt mộ trống không, quan tài biến mất.
Người Eskimo thường xếp những tảng đá lớn bên trên mộ để ngăn chặn các loài thú ăn thịt xâm phạm mồ mả người thân của mình.
Những tảng đá này giờ đây được xếp gọn gàng thành hàng lối bên cạnh huyệt mộ. Không loài động vật nào có thể làm được điều này.
Chưa hết bàng hoàng thì một mũi tìm kiếm khác thông báo, họ phát hiện một hố chôn 7 con chó kéo xe ở bên rìa làng. Chúng được xác định là chết vì đói, và bị chôn ở độ sâu hàng chục mét dưới lớp tuyết dày.
Khắp ngôi làng, không hề có dấu hiệu của sự tấn công từ một thế lực nào đó. Giả thiết người dân nơi đây đã cùng nhau di cư, mang theo cả gia súc cũng không hợp lý. Các phương tiện di chuyển của họ cùng với vũ khí, lương thực, quần áo, đồ dùng vẫn còn nguyên vẹn.
Quá trình rà soát các địa phương lân cận sau đó, cũng cho kết quả là không tìm thấy dấu vết của những người dân làng Anjikuni. Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực, cảnh sát Canada cũng phải khép lại hồ sơ mà không tìm ra được nguyên nhân.
Giả thuyết và sự bác bỏ của chính quyền
Vào thời đó, các phương tiện thông tin chưa phát triển nên cũng ít người biết đến câu chuyện này. Nó lan tỏa khắp nơi chủ yếu nhờ truyền miệng. Do lo ngại việc này có thể gây nên một sự hoang mang cho xã hội, chính quyền Canada lập tức kiểm duyệt mọi tin tức liên quan trên báo chí.
Họ bác bỏ những điều đã xảy ra, và nói đây chỉ là câu chuyện hoang đường do một anh chàng buôn da thú bịa ra với bạn nhậu trong một lần say xỉn mà thôi.
Dẫu vậy, sự thực là có rất nhiều người, đặc biệt là cánh lái buôn, đã từng biết đến sự tồn tại của làng Anjikuni. Sự việc cứ thế âm ỉ lan truyền và được nhiều người tìm cách lý giải.
Một số cho rằng họ đã bị một nhóm người nào đó tấn công, giết rồi giấu xác hoặc bắt cóc đem đi. Nhưng theo mô tả của ông Joe Labelle, điều này không thể xảy ra. Không có dấu vết về sự giao chiến, giằng co, chống cự, tài sản của người Eskimo tại đây cũng vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị cướp phá.
Số khác lại tin, người ngoài hành tinh đã đáp UFO xuống đây và bắt cóc dân làng đi. Không ít người lại cho rằng, họ đã bị một loại quái vật nào đó ăn thịt. Tất cả chỉ là phỏng đoán, mà không dựa trên bằng chứng gì. Những gì tìm hiểu được ở hiện trường đều bác bỏ các giả thuyết ấy.
Gần đây, xuất hiện thêm một ý kiến cho rằng, có lẽ dân làng này đã mắc phải một căn bệnh nào đó, và họ đã rủ nhau cùng đi đến một con sông gần đó, nhảy xuống tự tử.
Họ không cần mang theo thứ gì sang thế giới bên kia, nên mọi thứ ở nhà đều nguyên vẹn. Giả thuyết này thoạt đầu có vẻ hợp lý, vậy nhưng còn đám gia súc thì sao? Dẫu bắt chúng chết theo, thì việc lùa cả đàn gia súc lớn như vậy theo ra sông tại sao lại không để lại dấu vết.
Vậy là sau gần một thế kỷ, “ngôi làng chết” Anjikuni vẫn là một đề tài nằm trong vòng bí ẩn. Không ai có thể cắt nghĩa được, chuyện gì đã xảy ra. Giới nghiên cứu dường như chịu bó tay, bởi chuyện xảy ra đã khá lâu mà dấu vết, chứng cứ thì không còn gì lưu trữ nữa.
Bản thân nhân chứng duy nhất là người lái buôn da thú Joe Labelle cũng đã qua đời từ lâu. Có lẽ, đây mãi mãi là một bí ẩn không bao giờ có lời giải đáp.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại khu vực huyền bí Stonehenge, Anh. Một vụ mất tích kỳ lạ đã diễn ra ở những tảng đá kỳ lạ xếp thành hàng rào vào năm 1971.
Thời điểm đó, Stonehenge chưa có quy định ngăn cản không cho công chúng xâm nhập như bây giờ. Vào một đêm nọ, một nhóm “hippy” (những thanh niên lập dị chống lại những qui luật của xã hội) quyết định căng lều qua đêm ở giữa vòng tròn đá này. Họ tổ chức lửa trại, ngồi bên nhau ăn uống và ca hát.
Cuộc vui của họ bất ngờ bị gián đoạn vào khoảng 2h sáng bởi một cơn bão và sấm chớp dữ dội giáng xuống khu vực này.
Hai nhân chứng, một nông dân và một cảnh sát, cho biết lúc đó những tảng đá của công trình cổ rực lên với ánh sáng xanh lạ lùng, có độ sáng rất mạnh đến nỗi họ phải che mắt và quay đi chỗ khác.
Nghe những tiếng lạ của những người cắm trại, họ vội lao tới hiện trường ứng cứu. Nhưng trước sự ngạc nhiên của hai người, không còn một ai ở đó. Phần còn lại bên trong hàng rào đá là các cọc lều đang bị cháy âm ỉ và đống lửa trại đã bị nước dập tắt.
Những “hippy” đã biến mất khỏi nơi cắm trại mà không để lại dấu vết nào. Tung tích của họ về sau cũng không ai tìm thấy.