Nghĩa phu thê xưa: Vợ chồng tôn kính nhau như khách
Người ta thường cho rằng, thời cổ đại người chồng có vị thế cao, được tôn sùng, trong khi người vợ phải khom lưng khuỵu gối. Liệu đó có phải là sự thật? Kỳ thực, đạo vợ chồng của người xưa hoàn toàn không phải thế.
Vợ chồng “tương kính như tân”
Thời Xuân Thu, Tấn Văn Công nổi danh là một trong Ngũ Bá (5 vị bá chủ). Em trai của ông là Tấn Huệ Công có thầy giáo tên Khích Nhuế. Sau khi Tấn Huệ Công qua đời, Tấn Văn Công về triều chấp chính, không nhường quân vị cho con trai của Huệ Công.
Khích Nhuế vốn phụng sự Tấn Huệ Công lo sợ sẽ bị Tấn Văn Công hãm hại, bèn cùng một lão thần bí mật âm mưu sát hại Tấn Văn Công, nhưng sự việc không thành. Khích Nhuế bị xử tử, cả gia tộc của ông cũng bị giáng thành thường dân.
Một ngày nọ, Cữu Quý, một vị quan đại thần của Tấn Văn Công phụng mệnh đi tuần, trên đường đi ngang qua vùng Hà Bắc, gặp một nam thanh niên đang làm cỏ ngoài ruộng. Cữu Quý nhận ra người này chính là con trai của Khích Nhuế, Khích Khuyết.
Lúc này, vợ của Khích Khuyết đem cơm trưa ra ngoài ruộng, hai tay bưng lấy cơm, kính cẩn mà đưa cho chồng; người chồng cũng trang trọng mà nhận lấy cơm canh, cung kính chúc nhau, cảm ơn ân huệ của trời xanh, sau đó bắt đầu dùng bữa.
Trong lúc Khích Khuyết đang dùng cơm, vợ của ông đứng cạnh bên, cung kính đợi ông ăn xong, sau đó dọn dẹp chén bát. Trong suốt thời gian này, cả hai đối đãi đoan trang lễ phép như khách.
Cữu Quý về triều, gặp Tấn Văn Công trịnh trọng tiến cử Khích Khuyết, nói: “Tôn trọng người khác là biểu hiện điển hình của đức hạnh. Khích Khuyết tôn trọng người khác, nhất định là người có đức hạnh. Xin quân vương trọng dụng ông ta”.
Tấn Văn Công có chút không yên tâm, dù sao cha của Khích Khuyết là Khích Nhuế từng âm mưu tạo phản, tuy vậy Văn Công vẫn trọng dụng Khích Khuyết. Tấn Văn Công bổ nhiệm Khích Khuyết làm Hạ quân đại phu.
Thời kỳ Tấn Tương Công, Khích Khuyết trên chiến trường lập được công lớn, chiến thắng trở về, Tấn Tương Công đem đất Ký ban cho Khích Khuyết. Cữu Quý cũng nhờ tiến cử Khích Khuyết mà xem như lập được công.
Về sau, Khích Khuyết trở thành trọng thần của nước Tấn, thay Triệu Thuẫn coi sóc triều chính. Khích Khuyết cũng là Tổ tiên của họ Ký.
Có câu thành ngữ: “Tương kính như tân”, ý nhắc đến câu chuyện phu thê tôn trọng lẫn nhau của Khích Khuyết và vợ.
Có lúc mọi người hiểu nhầm rằng chỉ cần mối quan hệ của hai người tốt đẹp, thì gọi là tương kính như tân. Thực ra là do không biết điển cố trong câu thành ngữ này, từ mấy ngàn năm nay, đó là từ ngữ chỉ mối quan hệ phu thê ở cảnh giới tốt đẹp nhất.
Tương kính như tân có phải là kính trọng nhau như khách mà giữ khoảng cách? Đương nhiên không phải, tương kính như tân chính là vợ kính yêu chồng, chồng quý trọng vợ.
Trương Sưởng vẽ chân mày cho vợ
Thời Hán có một vụ án đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến người đời sau. Kinh triệu doãn Trương Sưởng có tài năng xuất chúng, gây dựng được nhiều chiến tích. Trương Sưởng vì mỗi ngày vẽ chân mày cho vợ, bị người đời nghĩ lầm ông sa vào hưởng lạc nơi khuê phòng, có người vì thế viết một bảng tấu chương dâng lên hoàng đế.
Thực ra, Trương Sưởng và thê tử vốn là hàng xóm, khi còn bé Trương Sưởng rất tinh nghịch, lúc chơi đùa ném cục đá làm chỗ chân mày của thê tử bị thương, khiến nàng bị phá tướng. Trương Sưởng sau khi lớn lên cảm thấy áy náy vô vùng, nghe nói thê tử vì mặt mày khó coi nên khó tìm nhân duyên, bèn đến cầu hôn, cùng nàng kết làm phu thê.
Vết sẹo trên chân mày của vợ Trương Sưởng làm ảnh hưởng tới dung nhan nàng. Trương Sưởng vì vậy mỗi ngày đều tự vẽ lông mày cho vợ để che đậy vết thương. Làm tới làm lui rèn luyện thành kỹ thuật vẽ rất tốt, nghe nói chân mày mà ông vẽ trông sống động như thật.
Việc có người tố Trương Sưởng thân là quan viên một vùng mà lại sa vào hưởng lạc nơi khuê phòng, điều này là sỉ nhục đối với tư cách một đại trượng phu. Vì thế, Hán Tuyên Đế đích thân tra hỏi, sau khi hiểu được sự tình thì không truy cứu nữa. Sự việc Trương Sưởng vẽ chân mày cho vợ đã được truyền ra ngoài, lưu mãi cho đến ngày nay.
Trong “Lễ Ký – Ai Công vấn”, có kể lại một chuyện. Một ngày nọ, quốc vương của nước Lỗ là Lỗ Ai Công trò chuyện cùng Khổng Tử. Khi nói đến đề tài này, Khổng Tử nói: “Trước đây ba đời vua Nghiêu – Thuấn – Vũ đều là bậc thánh vương, lúc đương thời đều rất tôn trọng thê tử, tuân theo đạo vợ chồng. Bởi vì mối quan hệ với thê tử là trọng yếu nhất trong các mối quan hệ thân tình. Làm sao có thể không tôn trọng cho được?”.
Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có “ái” (tình cảm) thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng, thì “ân” được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mà mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão.
Trong “Trung Dung” có câu rằng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ. Cập kì chí dã, sát hồ thiên địa”, ý nói đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, phát triển tới cảnh giới cao thâm thì có thể quan sát hiểu rõ ràng tường tận cái đạo của tất cả mọi sự vật trong trời đất. Cổ nhân xem thiên địa, âm dương là nền tảng nguyên thủy nhất của tự nhiên và vợ chồng là nền tảng nguyên thủy nhất của xã hội.
Cho nên, vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân”, có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.
Natalie (dịch)