Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài đề nghị tăng phí gấp 3 lần
Chủ đầu tư BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vừa đề nghị Tổng cục Đường bộ tăng phí từ 10.000 lên 35.000 – 40.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ từ ngày 1/1/2018.
Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) do Công ty Viettracimex 8 làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 615 tỷ đồng, trong đó vốn của DN hơn 530 tỷ đồng và vốn hỗ trợ của Nhà nước gần 85 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT được Bộ GTVT ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký với nhà đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm, 10 tháng.
Theo đó, kể từ đầu năm 2013 nhà đầu tư được tăng phí lên 1,5 lần (từ 10.000 đồng/vé/lượt lên 15.000 đồng/vé/lượt đối với ôtô dưới 12 chỗ), thời hạn thu phí 16 năm 10 tháng 11 ngày, kết thúc ngày 11-11-2027.
Tuy nhiên, cho đến nay nhà đầu tư chưa được tăng mức thu phí, hiện vẫn thực hiện thu phí theo quy định tại thông tư số 23/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Mức phí thấp nhất 10.000 đồng/vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, cao nhất 80.000 đồng/vé/lượt với xe từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 fit.
Việc chưa được thực hiện tăng mức thu phí và xóa bỏ trạm thu phí Vĩnh Thanh (trạm phụ cho trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài) đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nhà đầu tư, đồng thời vi phạm hợp đồng đã ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam, nay là Tổng cục Đường bộ với nhà đầu tư.
Vì vậy, công ty cổ phần ВОТ Vietracimex 8 đề xuất 2 phương án tăng giá vé tại trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Phương án một thu phí trong 19 năm. Chủ đầu tư đề xuất tăng từ 2,5 lần so với hiện tại (từ 10.000 đồng lên 25.000 đồng) mỗi lượt xe dưới 12 chỗ ngồi từ 1/1/2018 đến 31/12/2020.
Sau đó, tăng lên 3 lần từ năm 2021 đến năm 2024 và tăng lên 3,5 lần đến khi kết thúc thời gian thu giá hoàn vốn là năm 2030.
Phương án hai sẽ thu phí trong 17 năm. Chủ đầu tư đề xuất tăng gấp 3 lần mức hiện nay từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2020. Sau đó trạm tăng lên 4 lần đến năm 2028.
Việc kiến nghị tăng phí này đang khiến cho người dân bức xúc bởi đoạn tuyến này vốn được làm bằng kinh phí Nhà nước và hiện do TP. Hà Nội quản lý, chủ đầu tư chỉ sửa chữa nâng cấp rồi đặt trạm thu phí BOT. Người dân dù không đi vào tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên vẫn phải nộp tiền.
UBND TP Hà Nội nhiều lần kiến nghị dời trạm này đi nơi khác nhưng đến nay trạm thu phí này vẫn án binh bất động ở tuyến đường cửa ngõ thủ đô.
Trước đó, năm 2014, Vietracimex 8 kiến nghị tăng mức phí lên gấp 2 lần đối với xe dưới 12 chỗ khi qua trạm. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bác bỏ kiến nghị này.
Ngọc Khải (t/h)