Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Nhật
Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu tháng 8 nước này đã giảm 5,8% so với cùng kỳ, thấp hơn dự đoán 7,3% của các nhà kinh tế. Đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu nước này giảm tốc, sau số liệu tháng 7 xuống thấp nhất 6 tháng.
Chỉ số nhạy cảm sản xuất của Nhật cũng chạm mốc thấp nhất kể từ tháng 2 và được dự đoán tiếp tục tiêu cực trong những tháng sắp tới. Việc kinh tế suy giảm toàn cầu và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng đang đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Ảnh: CNBC |
Tuy xuất khẩu thấp hơn dự kiến, nhưng thông tin này vẫn khó xóa đi lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tung thêm biện pháp kích thích kinh tế. Ngày hôm qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định nới lỏng tiền tệ bằng việc mở rộng quy mô chương trình mua tài sản và cho vay lên 10.000 tỷ yen. Thống đốc Masaaki Shirakawa cũng cảnh báo quá trình hồi phục kinh tế nước này có thể bị chậm lại tới 6 tháng.
Động thái này đã gây bất ngờ cho giới phân tích trên thế giới. Chỉ trong hai tuần, cả Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED và BOJ đều tung ra những gói kích thích quy mô lớn để hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Takeshi Minami – nhà kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Norinchukin Research cho biết: “Nhu cầu bên ngoài vẫn rất yếu và tôi không loại trừ khả năng Nhật Bản tiếp tục thâm hụt thương mại trong năm tài chính tới”. Ông cũng nhấn mạnh: “Ngân hàng trung ương có thể sẽ nới lỏng lần nữa vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”.
Xuất khẩu vào Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Nhật Bản, đã giảm 9,9% trong tháng 8. Trong khi đó, xuất khẩu vào thị trường lớn thứ hai là Mỹ lại tăng 10,3%. Thâm hụt thương mại tháng 8 của nước này là 754,1 tỷ yen (9,63 tỷ USD), thấp hơn dự đoán là 809 tỷ yen.
Đây đã là tháng thứ hai liên tiếp Nhật Bản chịu thâm hụt. Tăng trưởng kinh tế của nước này cũng chỉ còn 0,2% trong quý II khi cả xuất khẩu và tiêu dùng đều giảm. Các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng của Nhật Bản có thể còn tiếp tục trì trệ trong năm 2012 do cuộc khủng hoảng tại châu Âu và sự chững lại ở châu Á.
Hà Thu (theo CNBC)
(vnexpress.net)