Cổ nhân nhìn nhận về việc nhận quà biếu tặng
Người xưa tin vào nguyên lý “gieo gì, gặt nấy”, Khổng Tử có thể được xem là một ví dụ hoàn hảo cho việc này. Ông không bao giờ tự dưng nhận quà tặng của người khác, vì như vậy ít nhiều ông đã lấy mất lợi ích của họ.
Khổng Tử nổi tiếng là bậc đại trí luôn sống theo nguyên tắc chuẩn mực đạo đức cao quý. Ông không bao giờ tự dưng nhận quà biếu từ bất kỳ ai, cũng như không tranh giành lợi ích vật chất với người khác.
Một số người cho rằng cả cuộc đời Khổng Tử thanh đạm vì ông không được xã hội thời đó công nhận. Trên thực tế, nếu ông muốn thì không có gì khó khăn để ông trở nên giàu có. Tuy nhiên, ông đã không làm vậy vì ông không bao giờ làm trái với những nguyên tắc sống của mình.
Một lần, Khổng Tử gặp vua nước Tề và được vua Tề đề nghị tặng mảnh đất Ni Khê thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay để trả công. Khổng Tử cảm ơn nhã ý của vua Tề nhưng liền từ chối.
Sau khi Khổng Tử từ biệt vua Tề, ông nói với học trò của mình, “Ta nghe nói bậc quân tử chỉ nhận tặng phẩm tương xứng với công lao của mình. Giờ ta đang cố gắng thuyết phục vua Tề làm theo lời khuyên của ta. Vua Tề chưa thực hiện nhưng đã ban tặng cho ta mảnh đất Ni Khê. Nhà vua vẫn chưa hiểu được thiện ý của ta.”
Sau đó, ông bảo học trò nhanh chóng chuẩn bị xe ngựa để ông về nhà. Ông chào từ biệt rồi rời đi. Tại thời điểm đó, Khổng Tử chỉ là một thường dân. Tuy nhiên sau này, vị trí cao nhất mà ông từng giữ là Đại Tư Khấu (Hình bộ Thượng thư) ở nước Lỗ.
Lời dạy của ông thật có ý nghĩa sâu sắc. Ngạn ngữ cũng có câu, “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, ý nói chớ nên nhận không bất kì vật gì từ người khác vì sau này chúng ta cũng phải trả lại họ, thậm chí nhiều hơn, bằng cách này hay cách khác.
Chưa có vị quan nào thanh liêm như Khổng Tử mặc dù ông đã phò tá nhiều vị vua trong cuộc đời mình. Vì vậy mà ông luôn được người đời kính trọng, và những lời răn dạy của ông vẫn được lưu truyền khắp thế giới cho đến tận ngày nay.
Theo NTDTV