Những câu chuyện trộm cắp laptop không thể tin nổi
Nếu từng đánh mất laptop thì hẳn bạn sẽ hiểu cảm giác kinh hãi trong trường hợp này thế nào. Thông thường, một khi không tìm thấy ngay lúc phát hiện thì gần như chắc chắn bạn sẽ chẳng thể gặp lại thiết bị yêu quý của mình.
Con số thống kê tại Mỹ cho thấy hơn 12.000 laptop không cánh mà bay trong năm 2008. Còn vào năm 2002, cứ 10 chiếc máy tính xách tay thì có 1 chiếc bị lấy cắp. Thật may mắn vì không phải mọi trường hợp đều rơi vào ngõ cụt. Những câu chuyện khó tin dưới đây chính là bằng chứng cụ thể nhất.
Câu chuyện số 1
Một buổi tối tháng 9/2010 tại Carolina, Guy Louthian đang trên đường lái xe về nhà thì được vợ mời đi ăn tối tại một nhà hàng gần đó. Kết thúc buổi tiệc, hai người ra về và phát hiện kính phía sau xe bị đập vỡ. Laptop, áo khoác cùng chiếc cặp (chứa các tài liệu quan trọng) đã biến mất.
Anh chàng sực nhớ đã cài phần mềm LoJack trong máy. Rất nhanh trí, Louthian liên lạc với trung tâm khách hàng Absolute Software (hãng phát triển LoJack). Sau vài tháng chờ đợi trong tuyệt vọng, bỗng một ngày Louthian nhận được tin đã tìm thấy máy tính ngay trước lễ Giáng Sinh. Một người sống tại Carolina đang sử dụng chiếc laptop này và khi chơi game, LoJack lập tức gửi thông tin về trung tâm dữ liệu.
Cảnh sát vào cuộc và chiếc laptop trở về với chủ nhân đích thực. Mọi dữ liệu trong ổ cứng bị xóa hết. Tuy nhiên, thật may vì Louthian đã sao lưu chúng lên mạng qua dịch vụ hỗ trợ backup Carbonite.
Câu chuyện số 2
Buổi sáng đẹp trời, chàng sinh viên Michael Kuzmack vô tình để quên chiếc cặp chứa laptop tại quán ăn của trường. Kuzmack tìm kiếm khắp mọi nơi trong 2 ngày nhưng vô vọng. Đột nhiên, anh chàng nhớ ra mình đã cài GadgetTrak và lập tức truy cập vào website của dịch vụ để kích hoạt chế độ theo dõi.
Khoảng 2 tuần sau, GadgetTrak gửi mail thông báo cho Kuzmack rằng có một thanh niên khoảng 20 tuổi đang dùng máy. Sau đó, vị trí chính xác cũng được xác định thông qua Google Maps. Cảnh sát đã lấy lại chiếc laptop nhưng họ không thể buộc tội người kia vì thiếu bằng chứng.
Câu chuyện số 3
Mùa hè 2010, khu vực quanh thị trấn Park Hill nhốn nháo vì các vụ trộm liên tiếp. Phần lớn tang vật trong số đó là laptop. Cảnh sát gần như không thu thập được bằng chứng gì cho tới khi phát hiện có một thiết bị được cài đặt LoJack từ trước.
Chủ nhân của sản phẩm ấy là Haney và cô liên lạc ngay với Absolute Software. Hãng cung cấp sau đó đã lần ra địa chỉ IP. Kẻ cắp sau đó nhận tội và phải chịu án 12 năm tù giam.
Câu chuyện số 4
Tháng 10/2010, cửa sổ nhà Nancy Wiebelhaus (bang Oregon, Mỹ) bị đập vỡ và 3 chiếc laptop biến mất. Trong đó, một chiếc Macbook được cài GadgetTrak vì chủ nhân từng có “kinh nghiệm xương máu” khi từng bị mất cắp laptop trước đó 1 năm.
Sau 3 tuần, Nancy thu lại 3 đoạn video về những người đang sử dụng laptop của cô. GadgetTrak cũng gửi cả địa chỉ IP và những tấm hình kẻ gian để dễ dàng truy tìm dấu vết. Bằng chứng này được chuyển tới sở cảnh sát địa phương và họ nhanh chóng tìm ra nhóm tội phạm trên.
Câu chuyện số 5
Tuy bị mất laptop nhưng nhà thiết kế Joshua Kaufman cũng không quá lo lắng. Nguyên nhân bởi anh đã cài đặt ứng dụng Hidden trước đó. Chương trình hỗ trợ thu thập các ảnh chụp từ webcam để gửi cho chủ nhân khi gặp sự cố mất cắp. Vì thế, Kaufman dễ dàng phát hiện ra kẻ trộm máy tính của mình.
Hidden gửi về nhiều thông tin, bao gồm ảnh và tài khoản Google của tên kia. Thậm chí, Kaufman còn tạo hẳn blog mang tên This Guy Has My Macbook nhằm vạch trần kẻ gian. Cuối cùng, kẻ trộm 27 tuổi đã bị cảnh sát hỏi thăm ngay sau đó.
Câu chuyện số 6
Cuối năm ngoái, Nathan Skogen, hiện đang sinh sống tại Orlando (bang Florida, Mỹ) bị mất laptop. Sau đó, anh chàng phải mua chiếc khác thay thế và cài đặt dịch vụ LoJack. Vào tháng 2 vừa rồi, kẻ trộm tiếp tục viếng thăm nhà của Nathan Skogen nhưng lần này hắn đã không gặp may.
Nathan Skogen lập tức liên lạc sang Absolute Software để nhận được hỗ trợ, với địa chỉ IP và hình ảnh của “chủ nhân” mới. Cảnh sát liền bắt sống tên trộm và trả lại máy cho chủ nhân đích thực.