Thiện ác hữu báo, quân vương vô đạo sẽ nhận kết quả bi thảm
Từ xưa đến nay, thiện ác tất có báo ứng tương xứng, không kể đó là quân vương hay thần tử. Có thể nói, kết cục của một người ra sao, chính là do hành vi của bản thân họ quyết định.
Vào thời Xuân Thu, vua nước Tấn là Tấn Lệ Công bởi quá sủng hạnh Bế Cơ, lại giết hại trung thần, vì vậy người dân nước Tấn đều rất oán hận Tấn Lệ Công. Cuối cùng Tấn Lệ Công bị thần tử của mình giết chết, quan viên ở vùng biên giới nước Lỗ liền báo cáo tin này cho Lỗ Thành Công.
Lúc đó, Lỗ Thành Công đang thượng triều, bèn hỏi tất cả văn võ bá quan có mặt rằng: “Thần tử của một quốc gia nếu như giết hại quân vương của mình, vậy thì đây là lỗi lầm của ai?”. Trong quần thần không có người nào trả lời được.
Cuối cùng, trong nhóm đại thần, có một người tên là Lý Cách tâu lên rằng: “Chuyện này là lỗi lầm của quân vương! Bởi vì người cai trị quốc gia và nhân dân, quyền uy của họ là rất to lớn. Nếu như một người có quyền uy như vậy lại mất đi uy đức, hơn nữa còn rơi vào cảnh bị người dân giết chết, vậy thì tội lỗi của họ nhất định không hề nhỏ.
Huống hồ, thân là quân vương, chức trách của họ chính là chăm lo cho người dân, làm chính lại những hành vi quan niệm không tốt trong dân chúng. Trái lại nếu như một quân vương phóng túng hành vi không đàng hoàng của mình, vứt bỏ trách nhiệm to lớn chăm lo cho dân, khiến trong dân chúng sinh ra những kẻ ác, mà quân vương lại không hề hay biết gì, thế thì những kẻ ác nhất định sẽ càng dồn càng nhiều.
Nếu như lấy phương pháp tà loạn để dẫn dắt người dân, thì sẽ khiến cả nước rơi vào dâm loạn không thuốc cứu chữa. Nếu như không thể khiến cho mệnh lệnh ban ra theo đó thực thi, cuối cùng sẽ khiến cho người dân đi đến cảnh tuyệt vọng, hoàn toàn không thể trấn an lòng dân được nữa.
Giả dụ một quốc gia sau khi đã đến số kiếp như vậy, thì còn cần đến quân vương như thế làm gì nữa? Vậy nên, cuối thời nhà Hạ, quân vương Hạ Kiệt đã trốn đến Nam Sào; cuối thời nhà Thương, quân vương Thương Trụ chết ở kinh thành; cuối thời Đông Chu, Chu Lệ Vương lưu vong đến đất Trệ; cuối thời Tây Chu, Chu U Vương bị giết chết ở Hí Sơn.
Những quân vương này đều là vì họ dùng phương pháp tà loạn cai trị nhân dân. Người được gọi là quân vương của một nước, chính là giống như sông lớn của dân, mỗi khi sông lớn này muốn chảy về đâu, người dân chính là giống như cá trong nước, sẽ bơi về hướng đó. Bởi vậy kết quả của nó không kể là tốt đẹp, hay bi thảm, đều là bản thân quân vương quyết định cả, người dân làm sao chi phối được đây?”.
Từ câu chuyện trên, có thể thấy được một người cuối cùng có kết cục như thế nào, đều là do hành vi của cá nhân quyết định, bất kể là ai cũng đều như vậy. Nhất là quân vương của một nước, thân mang trọng trách đem hạnh phúc đến cho người dân thì càng phải trọng đức hành thiện.
Dịch từ Zhengjian.org