Tê liệt vì đình công, Pháp phải dùng đến nguồn dầu dự trữ chiến lược
Để phản đối dự luật cải cách lao động ở Pháp, nghiệp đoàn công nhân lọc dầu đã tổ chức đình công nhiều tuần liền gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng nặng nề ở nước này. Ngày 25/5, Hiệp hội Dầu mỏ Pháp (UFIP) cho biết quốc gia này đã phải sử dụng tới nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt do đình công.
Tình hình đặc biệt căng thẳng ở ngành xăng dầu khi các nghiệp đoàn kiên quyết hành động, bất chấp các biện pháp cứng rắn từ chính phủ.
Sáng 25/5, cảnh sát chống bạo động đã giải phóng kho xăng dầu ở thị trấn Douchy-les-Mines, miền bắc nước Pháp, vốn bị người biểu tình phong tỏa từ ngày 17/5. Trong 2 ngày qua, cảnh sát cũng can thiệp để mở cửa các kho xăng dầu tại nhiều tỉnh thành. Đáp lại, các nghiệp đoàn tuyên bố mở rộng đợt đình công ở các nhà máy lọc và chế biến dầu của Pháp. Hậu quả là hiện 6/8 nhà máy ở nước này bị tê liệt hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.
Phần lớn lãnh thổ Pháp đang rơi vào tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng, người dân phải xếp hàng rất dài mới đổ được xăng. Tại nhiều tỉnh, chính quyền quy định mỗi xe hơi chỉ được đổ tối đa 20 lít/lượt. Ở những địa phương sát với biên giới các nước khác như Bỉ, Thụy Sĩ,…, cư dân đổ xô “xuất ngoại” để đổ xăng. Tập đoàn dầu khí Total thông báo bị thiệt hại 40 – 45 triệu euro cho mỗi tuần đình công vừa qua.
Từ ngày 23/5, Pháp cũng đã bắt đầu phải sử dụng đến nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược để cung cấp cho các trạm phân phối, theo AFP. Phát biểu trên sóng truyền thanh, Chủ tịch UFIP Francis Duseux cũng xác nhận dầu dự trữ bắt đầu được huy động để phục vụ cho các hoạt động và nếu tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng, nguồn dầu dự trữ sẽ đủ cung cấp trong vòng 3 tháng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, Pháp phải sử dụng tới nguồn dầu dự trữ chiến lược của mình.
Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng 3 nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong việc tuyển dụng và sa thải nhân viên, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp dai dẳng tại quốc gia này. Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích dự luật mới ảnh hưởng không nhỏ tới các quyền cơ bản của người lao động vốn luôn được luật pháp nước này bảo vệ. Các hoạt động biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế.
Các nghiệp đoàn tuyên bố sẽ tiếp tục đình công cho đến khi nào chính phủ chịu rút lại dự luật cải cách lao động. Song chính phủ khẳng định sẽ kiên định với dự luật này.
Tổng Hợp