TS Nguyễn Duy Thịnh: Chỉ cần 1 ngày là tìm ra nguyên nhân cá chết
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN), cơ quan chức năng đang đi lòng vòng trong việc tìm nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Ông khẳng định để làm rõ điều này, chỉ cần thời gian một ngày.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn đối với TS Nguyễn Duy Thịnh được đăng trên báo phunuvietnam.vn:
PV: Có ý kiến cho rằng nguyên nhân cá chết là do Công ty Formosa (Hà Tĩnh) xả thải trực tiếp hóa chất ra biển, quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi theo dõi vụ việc này rất sát qua thông tin báo chí đăng tải. Nhiều người đại diện cho cơ quan nhà nước đưa ra câu trả lời về nguyên nhân cá chết mà theo tôi như sách giáo khoa đã dạy là: Cá sẽ chết vì thiếu chất oxy; chất hữu cơ nhiều quá sinh ra độc tố khiến cá chết, hay sóng vỗ mạnh quá cá cũng chết. Tuy nhiên, tôi khẳng định, cá ở các tỉnh miền Trung bị chết chắc chắn là do ngộ độc trong nước. Đặc biệt, cá chết hàng loạt, trong đó có nhiều loại sống dưới tầng đáy và trong cùng một thời điểm thì độc tố phải rất mạnh. Còn độc tố đó là gì thì phải trực tiếp làm mới xác định được.
Khi sự việc xảy ra, chúng ta phải nghi ngờ đơn vị nào có khả năng gây ra. Trên dải bờ biển ấy, Formosa là đơn vị có nhiều nghi vấn nhất. Theo ý kiến của tôi, có thể cá bị ngộ độc do nước thải công nghiệp rất độc và khả năng do Công ty Formosa là cao nhất.
PV: Làm thế nào để xác định nguyên nhân cá chết, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Ta đặt vấn đề thế này, cá ăn phải đồ độc mới chết. Vì vậy, chỉ cần phân tích ngay con cá đã chết sẽ tìm ra nguyên nhân. Với cá, ta sẽ phân tích mang cá, vì nó hít thở qua mang. Đương nhiên, độc tố sẽ tích ở mang nhiều nhất. Tại sao không phân tích cá mà cứ dò hết cái này đến cái kia, rồi ngồi phỏng đoán.
Khi xả chất thải ra biển, nước biển mênh mông nên độc tố sẽ bị pha loãng rất nhanh, nếu còn thì cũng chỉ rất ít. Tuy nhiên, bây giờ vẫn có thể lấy mẫu ngay trong ống mà công ty thải ra để xét nghiệm. Nếu công ty đã thải hóa chất, thì một phần đã trôi ra biển, nhưng một phần vẫn còn lưu trong ống. Với đường ống thải dài 1,5km, thì mình có thể dùng ống cao su luồn từ đầu này đến đầu kia, sau đó rút dần ra. Cứ 100m lấy 1 mẫu nước thì phân tích được ngay. Tôi khẳng định mẫu nước này còn chính xác hơn rất nhiều mẫu ngoài biển, thế thì tại sao cơ quan chức năng không làm mà lại nhấn mạnh đến tính hợp pháp của cái ống.
Không chỉ Formosa, mất cứ công ty nào khi xây dựng cũng phải có hệ thống xả thải được cấp phép, vậy tranh cãi làm gì. Cái chính là ống đó xả chất gì ra ngoài và đã qua xử lý hay chưa.
PV: Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của cơ quan chức năng trong thời gian qua.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi cho rằng cơ quan chức năng xử lý lòng vòng, phản ứng chậm và có nhiều khuất tất.
Thứ nhất, một ngư dân lặn và phát hiện chất màu vàng trong ống thải và đến báo cho đồn biên phòng. Đồn biên phòng cũng báo lên cơ quan chức năng. Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan chức năng không phản ứng kịp thời để có phương án, trong khi người dân báo từ rất sớm. Đến khi sự việc xảy ra, thì phải sau nhiều ngày mới lấy mẫu thì còn gì mà phân tích.
Thứ hai, doanh nghiệp nhập tới gần 300 tấn hóa chất để súc rửa ống. Tại sao cơ quan chức năng không đến kiểm tra, làm rõ đó là hóa chất gì, thành phần ra sao? Nếu cơ quan chức năng nói chất đó là cực kỳ độc nhưng cũng không biết là chất gì thì ai tin. Hơn nữa, sao không kiểm tra số hóa chất đó ngay xem còn đủ không. Nếu số lượng hóa chất còn đủ thì chưa dùng, còn thiếu thì dùng làm gì, thải đi đâu? Tại sao không làm rõ vấn đề trên?
Thư ba, tất cả dự án lớn nhỏ, bao giờ cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy với Công ty Formosa, ai ký văn bản ấy. Bản kết luận ấy cho phép hay không cho phép xây dựng. Nếu cơ quan thẩm định bảo chưa đạt yêu cầu, thì ai là người ký cho quyết định xây dựng thì phải làm rõ và truy trách nhiệm. Nếu cơ quan chức năng đã ký kết luận đạt yêu cầu, thì phải thẩm định lại kết luận đó có đúng hay không. Trường hợp kết luận đúng, nhưng kết quả thẩm định là không đúng thì chắc chắn người ký “ăn tiền” của doanh nghiệp hoặc không đủ năng lực thẩm định nhưng vẫn ký. Điều này không phải hiếm vì hiện nay nhiều cơ quan không đủ năng lực thẩm định nhưng vẫn cứ nhận.
Hiện tại, theo tôi Bộ Công an cần vào cuộc để đưa những kẻ “giết” chết môi trường ra pháp luật.
PV: Nếu giao cho ông tìm nguyên nhân cá chết thì bao lâu sẽ có kết quả?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tôi mà được giao làm vụ này thì sẽ thực hiện như các bước trên. Chắc chắn chỉ trong một ngày tôi sẽ tìm ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo phunuvietnam.vn