Vì sao anh hùng Lương Sơn Bạc không màng tới mỹ nhân?
Được biết đến là một trong tứ đại danh tác trong văn hóa Trung Hoa, Thủy Hử xoay quanh câu chuyện về 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Trong số những vị anh hùng hảo hán này, có không ít người lựa chọn cuộc sống độc thân, không màng nữ sắc.
Người xưa đều rất chú trọng tu dưỡng đạo đức nhân luân, cũng tin rằng hành thiện là phải lấy thủ đức không tà dâm làm trọng. Đới Tung từng tán dương Lý Quỳ “Tịnh vô dâm dục tà tâm” (ý nói Lý Quỳ không có tà tâm dâm dục). Lý Quỳ là vị hảo hán có tư tưởng bài xích nữ sắc kịch liệt. Trông thấy Tống Giang ngồi uống rượu với Lý Sư Sư, Lý Quỳ tức giận, trừng mắt đứng nhìn.
Không chỉ có nhiều vị anh hùng trên Lương Sơn mà nhiều nhân vật hảo hán khác trong truyện cũng coi nhẹ nữ sắc. Ví như Bát thập vạn cấm quân Giáo đầu Vương Tiến – nhân vật xuất hiện trong phần đầu Thủy Hử – chỉ sống với mẹ già đã ngoại lục tuần, không vợ không con. Theo mô tả trong truyện, Vương Tiến không còn ít tuổi, lại giữ chức Giáo đầu cấm quân, tướng mạo đường hoàng, hành sự cẩn trọng, hữu lễ, vì vậy, không thể có chuyện hẩm hiu đường tình.
Lại nói Tiều Cái, tuổi đã 36 – 37, là trưởng thôn Đông Khê, tới Tống Giang cũng phải gọi bằng huynh, gia cảnh giàu có, nhưng không màng tới chuyện lập thê lập thất. Tới cuối đời, vị hảo hán này chỉ chăm chăm “đả ngao cân cốt” (ý chỉ luyện tập võ nghệ để cường tráng gân cốt).
Thời xưa, người Trung Quốc thường kết hôn sớm, nam nữ tới tuổi 15 – 16 đã đủ để yên bề gia thất rồi sinh con đẻ cái. Nhưng trong Thủy Hử, nhiều nhân vật lại đi ngược với lề lối bấy giờ. Lâm Xung tới 32 tuổi mới chịu kết tóc xe duyên cùng Lâm nương tử. Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa được liệt vào hàng tam kiệt Hà Bắc, khí vũ hiên ngang, nhưng tới 27 tuổi mới lập chính thất, dù sớm hơn Lâm Xung, nhưng cũng liệt vào hàng muộn màng thời ấy.
Đó là biểu hiện rõ rệt của tư tưởng “cấm dục” thời xưa. Tam giáo: Nho, Đạo, Thích ảnh hưởng sâu sắc nhất tới xã hội Trung Quốc cổ đại. Các giáo này đều đề cao tư tưởng “cấm dục”, trong đó “dâm dục” được liệt ra hàng đầu. Người xưa, đặc biệt là những ai ham mê võ nghệ, thường sùng bái tới mức mê tín mẫu hình “đồng tử chi thân”, suốt đời không lập thê thiếp.
Trong Thủy Hử, Thi Nại Am thường dùng câu: “Tướng mạo đường đường cường tráng sĩ, vị xâm nữ sắc thiếu niên lãng” (ý chỉ người tráng sĩ có tướng mạo đường hoàng oai vệ, thiếu niên trẻ tuổi chưa vướng nữ sắc) để mô tả về những đấng nam nhi hãy còn tân.
Ý niệm “Vạn ác dâm vi thủ” (đại ý: trong một vạn điều ác thì dâm dục là đứng đầu) chính là điều trong giáo lý nhà Phật nói đến. Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, Lỗ Trí Thâm là người xuất gia, môn đệ của trưởng lão Trí Chân.
Khi đã xuống tóc đi tu trên Ngũ Đài Sơn, Lỗ Trí Thâm vẫn thỏa thuê rượu thịt, đại náo Phật đường, đánh đổ hai tượng tả hữu môn thần, về sau giết người phóng hỏa. Thế nhưng ông vẫn được Trí Chân trưởng lão ca tụng là có Phật tính, tiền đồ phơi phới hơn cả đám chúng tăng không màng rượu thịt, có thể tu thành chính quả. Ấy là vì Trí Chân trưởng lão nhìn thấu đồ đệ mình không mang tà tâm dâm dục.
Không chỉ các vị hảo hán Lương Sơn, thời xưa, nhiều bậc “cao nhân” cũng sống theo chủ nghĩa độc thân. Ngay cả phương Tây cũng nhiều nhà khoa học lỗi lạc ở vậy suốt đời, như: Newton, Kant, Cavendish, Nobel… Phải chăng, họ đều tôn thờ quan điểm: “Người đàn ông nếu muốn không tầm thường thì đừng lấy vợ” (danh ngôn của Kant).
Theo inspired.daikynguyenvn.com