Cái chết Đen – Đại dịch khủng khiếp gần như xóa sổ châu Âu
Cái chết Đen từng gây nên một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người và giết chết vài chục triệu người thời trung cổ.
Từ thế kỷ thứ 14 đến giữa thế kỷ 15 có rất nhiều đại họa xảy ra trên thế giới. Tai họa nghiêm trọng nhất là đại dịch Cái Chết Đen, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 – 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400. Nên người châu Âu khi nhắc lại vẫn thấy kinh hoàng vì trận đại dịch suýt xóa sổ châu Âu này.
Đúng như tên gọi, Cái Chết Đen được đặt tên như vậy vì triệu chứng đáng sợ của nó. Vi khuẩn gây bệnh được phát tán qua bọ chét trên chuột và động vật gặm nhấm rồi sau đó lan thành dịch bệnh ở người. Một triệu chứng đặc trưng là người bệnh xuất hiện các vết đốm đen trên da.
Một khi đã mắc bệnh thì bệnh nhân sẽ lên cơn sốt cao và mê sảng. Bệnh nhân chắc chắn sẽ chết trong đau đớn. Không có một tia hy vọng cứu chữa nào. Hầu hết người bệnh đều chết trong vòng 48h sau khi phơi nhiễm. Nhưng có một số ít người có sức đề kháng với căn bệnh và đã sống sót. Cho đến nay điều này vẫn còn là một ẩn đố.
Cái Chết Đen bùng phát ở Trung Á vào năm 1339. Vì chuột mang bọ chét có nhiễm vi khuẩn này len lỏi khắp nơi, nên bệnh dịch hạch lây lan nhanh chóng. Kết quả là dân số Ấn Độ giảm đáng kể. Đông Nam Á, vùng Lưỡng Hà, Armenia, và các khu vực khác dưới sự thống trị của người Mông Cổ đều tràn ngập xác chết.
Năm 1347, Cái Chết Đen lan tới Constantinople và Alexandria. Số người chết tăng vọt ở hai thành phố này trong năm sau đó. Mỗi ngày có hơn 1.000 người chết ở Alexandria. Ở Ai Cập và Cairo mỗi ngày có hơn 7.000 người chết.
Theo y văn thế giới, vào 10/1347 một chiếc tàu buôn lớn trở về từ Trung Quốc đã cập ảng Sicily của bán đảo Crimean của Italia. Sau đó tất cả thủy thủ trên con tàu này tử vong, cũng là lúc dịch hạch bắt đầu bùng phát khắp châu Âu. Bệnh dịch hạch đã nhanh chóng bao trùm cả hòn đảo này.
Vào đầu năm 1348, Cái Chết Đen đã lan sang Venice và Genoa, sau đó tới toàn nước Ý. Những thành phố giàu có như Florence đã hoàn toàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 55.000 người trên tổng số 95.000 người đã chết. Nước Pháp láng giềng mong rằng có thể bế quan tỏa cảng để tránh bệnh dịch hạch, nhưng đã quá muộn. Đại dịch đã bắt đầu lan tới Marseilles và sau đó tràn vào Tây Ban Nha. Bệnh dịch hạch bắt đầu lan ra toàn bộ châu Âu.
Năm 1349, căn bệnh này hoành hành ở phía Nam nước Anh và Ireland và sau đó lan rộng tới miền Bắc nước Đức và Thụy điển. Năm 1532, Nga cũng không tránh khỏi tai họa này.
Khi căn bệnh dịch hạch bộc phát thì không có ngoại lệ. Bất kể là người giàu hay nghèo, đàn ông hay đàn bà. Một số người đêm hôm trước vẫn còn khoẻ mạnh, đột nhiên phát bệnh vào đêm hôm sau. Sau khi trải qua một cuộc vật lộn đau đớn, họ tắt thở ngay sáng hôm sau. Rất nhiều bác sĩ cũng đã bị nhiễm bệnh, và thậm chí còn chết nhanh hơn cả bệnh nhân của mình.
Xác chết chất đầy như núi trên đường phố. Trên biển, quá nhiều thủy thủ cũng chết, người này tiếp nối người kia đến mức nhiều con thuyền trở thành thuyền ma. Khi bệnh dịch hạch lan tới Luân Đôn, gia đình hoàng gia Anh và nhiều người giàu đã trốn khỏi thành phố.
Hơn 10.000 ngôi nhà bị bỏ hoang. Một số nhà bị đóng đinh niêm phong còn cửa sổ thì bị che kín bằng các bảng gỗ thông. Một số nhà bị đánh dấu thập đỏ ám chỉ có người mắc bệnh. Cũng chẳng có vụ kiện tụng nào diễn ra, vì tất cả các luật sư đều bỏ trốn khỏi thành phố.
Vào thế kỷ 14, tỷ lệ tử vong vượt quá 50% ở các thành phố đông dân cư. Xác chết bị quăng lên các xe cút kít như rác. Theo ước tính, 1/3 dân số Châu Âu chết vì dịch hạch vào thế kỷ 14. Tuy nhiên, bệnh dịch hạch không dừng lại ở đó. Cái Chết Đen tiếp tục tấn công Châu Âu theo chu kỳ mỗi 10 năm, cho đến tận thế kỷ 15. Cho đến nay con số tử vong chính xác do dịch hạch vẫn còn là một ẩn số.
Một nhà sử học của Đại học Oslo ở Na Uy ước tính rằng có 8 triệu người chết trong năm 1347 và 30 triệu người trong 6 sáu năm sau đó. Trong suốt 300 năm sau, bệnh dịch hạch vẫn tiếp tục bùng phát nhiều lần. Có thể tổng số người chết đã lên tới 200 triệu. Đại dịch bệnh này đã biến mất một cách bí ẩn sau năm 1670.
Vì số lượng cực lớn người đã chết do dịch hạch nên rất thiếu nhân lực lao động. Nhiều thôn làng bị bỏ hoang và đất đai bị bỏ phí. Cho nên nô lệ trong các trang trại được thả tự do và được trả lương. Theo sát ngay sau dịch hạch là nạn đói.
Ngoài ra, ảnh hưởng của bệnh dịch hạch không chỉ dừng lại ở tình trạng ảm đạm vì sự chết chóc. Tác động của nó đến tâm lý của người dân mới nghiêm trọng hơn nhiều. Nhiều người sống sót đã không thể chịu đựng nổi cái chết của những người thân và phát điên hoặc tự tử.
Các chính phủ bắt buộc phải thả tù nhân để giúp chôn cất xác chết chất cao như núi.
Theo Chanhkien.org