Hoàng đế Khang Hy bàn luận về Thiện niệm
Bài của Lý Bình
Người ta chỉ có một cái tâm, khởi tâm thì thành niệm. Tư tưởng trong đầu là chính hay bất chính, chỉ trong khoảnh khắc mà phân biệt. Nếu một niệm mà không chính, trong khoảnh khắc mà biết vậy, liền theo đó mà cải chính, thì không đến nỗi xa rời Đạo. Trong sách “Thượng Thư” viết: “Ngay cả Thánh hiền, khi có một niệm bất chính thì hành động cũng hóa ra hồ đồ, ngay cả kẻ hồ đồ nếu biết khắc chế dục niệm cũng có thể trở thành Thánh hiền”. Một tư tưởng nhỏ xuất hiện, nhưng không đưa đến hành động thì có thể không tính, còn nếu đã thành hành động rồi thì cần quan sát kỹ xem nó là chính hay không chính, nhất định không để bản thân phải thẹn với Trời, như vậy mới thực sự là công phu. Người xưa luôn chú ý tới tâm mình, cẩn trọng với từng niệm sinh ra, không để dấy động cảm tình che khuất trí tuệ, cho nên tiêu phí rất ít công sức mà lại có được công hiệu rất lớn.
Con người khi xử thế, cần phải biết tìm niềm vui trong nội tâm mình. Tâm cảnh vui vẻ thì tự nhiên phát sinh vận may. Bởi vì khi vui thì người ta sẽ động thiện niệm, còn khi tức giận thì thường động ác niệm. Bởi vậy người xưa nói: “Người ta sinh ra một thiện niệm, tuy chưa biến thành việc làm thiện, nhưng thần may mắn đã đi theo người ấy rồi. Người ta sinh ra một niệm ác, dù chưa làm ra việc ác, nhưng hung thần đã đi theo kẻ ấy rồi”. Đây quả thực là Đạo lý rất chính xác.
Con người có thiện niệm, Thiên Thượng nhất định lấy phúc lộc để cấp thiện báo cho họ. Người thời nay hàng ngày cầm tràng hạt niệm Phật, đó cũng là vì muốn làm việc thiện. Nhưng nếu trong lòng không từ bỏ niệm ác, thì dù thường xuyên lần tràng hạt đi nữa, đó chỉ là hình thức bề ngoài, có ích gì đâu?
Theo minhhue