Phận gái học cao ở Hàn Quốc
Các cô gái có bằng thạc sỹ ở Hàn Quốc khó kiếm được tấm chồng hơn các cô gái có bằng đại học.
Khi phụ nữ ở đất nước châu Á giàu có này ngày càng có học vấn cao hơn (số phụ nữ có bằng cao học hiện nay cao hơn 5 lần so với năm 1995), họ cũng có nhiều lựa chọn hơn và có xu hướng không muốn “yên bề gia thất” như những phụ nữ truyền thống của Hàn Quốc trước kia.
“Tôi thấy một phụ nữ có bằng thạc sỹ sẽ khó hẹn hò hơn là phụ nữ có bằng đại học, bởi cái quan niệm không mấy dễ chịu về “phụ nữ quá thông minh” ở Hàn Quốc”, Lee, 24 tuổi, sinh viên đại học ở Seoul cho biết.
Tuổi “theo chồng” của phụ nữ Hàn Quốc đã tăng lên 4,1 năm trong vòng 20 năm qua, lên 28,9 tuổi. Đây là con số theo Bảng thống kê Hàn Quốc. Mức tuổi này đã khiến rất nhiều bà mẹ lo lắng cho chuyện chồng con của con gái mình.
“Con gái tôi đã hơn 30 tuổi rồi, tuổi được coi là đã ế ở đây”, một phụ nữ trong độ tuổi 50 giấu họ cho biết. Bà đã phải đưa con gái mình tới một trong rất nhiều công ty mai mối ở Seoul.
“Tôi lo là nếu nó không tìm được người ưng ý vào năm nay, thì nó sẽ còn khó lấy chồng hơn nữa trong những năm tới. Vì vậy tôi đã tới công ty này và bắt nó phải đi cùng”.
Tại công ty mai mối DUO, 26.000 thành viên của công ty có thể chọn lựa một trong 5 chương trình tham gia khác nhau, với mức phí từ 1,08 triệu won (971 USD) tới 8,8 triệu won.
Để thu hút khách hàng, trang web của công ty này còn công khai thu nhập hàng năm của các khách hàng nam và nữ, cũng như các thông số khác về họ.
“Trong các cuộc hẹn hò được sắp xếp riêng tư, bạn không thể hoàn toàn chắc chắn bao nhiêu thông tin cá nhân được đưa cho bạn là chính xác”, người phát ngôn của DUO Yon Jun cho hay.
Giới phê bình thì cho rằng, ngành mai mối này quá đề cao thu nhập, vị trí cũng như những yếu tố vật chất.
“Nếu cha bạn làm việc trong ngành tài chính hoặc là một giám đốc cấp cao, bạn sẽ phải tìm một nửa của mình có hoàn cảnh gia đình tương tự qua một công ty môi giới, để tìm kiếm một đám cưới hoàn hảo, được sự ủng hộ của cha mẹ”, nhà hài kịch Choi Hyo-jong, người dẫn chương trình hài kịch có tên gọi “Nhà trẻ của Wart” cho biết.
Song nhu cầu có vẻ như không ngừng tăng lên.
Tổng cộng, ngành mai mối ước tính thu về 100 tỷ won (88,79 triệu USD), theo số liệu tiết lộ của tờ nhật báo Kinh doanh châu Á (Asia Business Daily). Trong khi đó, năm 2005, con số này mới chỉ là 50 tỷ won.
Giới chuyên gia cho rằng khó khăn về kinh tế trong thời gian vừa qua có vẻ như cũng góp phần làm ngành mai mối hưng thịnh. “Với lo lắng về tương lai ngày càng đè nặng lên vai mọi người, đám cưới sắp đặt đã trở thành một công cụ để duy trì địa vị xã hội của họ”, giáo sư nhân chủng học Kim Hyun-mee ở đại học Yonsei tại Seoul rút ra kết luận.
Phan Anh
Theo Reuters