Luật sư David Kilgour: Đảng cộng sản Trung quốc thể hiện đặc điểm của một giáo phái
David Kilgour, một luật sư chuyên nghiệp, phục vụ tại Hạ viện Canada trong gần 27 năm. Trong bài phát biểu của mình chuẩn bị cho việc phát hành cuốn sách trong đợt đi thăm 5 thành phố ở Đài Loan (8/2015), ông đã thảo luận về việc khai thác nội tạng trái phép ở Trung Quốc, cuộc bức hại Pháp Luân Công, cùng các chủ đề khác.
Đài Loan ban hành luật mới về ghép tạng
Hãy để tôi bắt đầu với lời chúc mừng. Ngày 12 tháng 6 năm 2015, cơ quan lập pháp Đài Loan đã thông qua những sửa đổi Đạo luật về cấy ghép nội tạng người với sự ủng hộ của cả hai đảng, tạo ra một trong những đạo luật về cấy ghép trong y học tiên tiến nhất và nhân đạo nhất trên thế giới.
Đạo luật cấm việc buôn bán nội tạng để cấy ghép, coi đó là một tội ác chống lại loài người, quan tâm đặc biệt tới việc sử dụng nội tạng từ các tử tù ở Trung Quốc. Pháp luật nghiêm cấm việc bán, mua, và môi giới nội tạng và du lịch ghép tạng. Sở Y tế bây giờ sẽ yêu cầu các tổ chức y tế lớn và các bác sĩ đăng ký tất cả nguồn tạng và thông tin về bệnh viện (gồm cả danh tính bác sĩ giải phẫu) nơi bệnh nhân nhận nguồn tạng cấy ghép của họ ở nước ngoài khi họ yêu cầu thanh toán bảo hiểm y tế sau khi mổ.
Những bệnh nhân nhận tạng cấy ghép bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với tối đa là năm năm tù giam và bị phạt một khoản tiền là 300.000 Đài tệ. Luật pháp hỗ trợ tính minh bạch trong quá trình cấy ghép nội tạng nước ngoài nhằm đảm bảo sự an toàn của người được ghép. Luật mới của các bạn sẽ là một nguồn cảm hứng cho các nhà lập pháp khác trên thế giới.
Bắc Kinh và Pháp Luân Công
Thế kỷ 20 có lẽ là thế kỷ tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử về sự tàn bạo của các chính phủ nhắm vào các cộng đồng có đức tin. Hầu hết các nạn nhân thiệt mạng dưới bàn tay của các chế độ cực quyền ghét tất cả các tôn giáo. Mao Trạch Đông, Stalin, Hitler, Pol Pot, và những người khác đã gây nên tội ác trên một phạm vi rộng lớn, đó là những gì mà giờ đây chúng ta gọi là tội ác chống lại nhân loại, đã giết hàng triệu người chỉ vì họ có một đức tin.
Sự ác cảm đối với tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bắc Kinh từ năm 1949 là lý do quan trọng đầu tiên của cuộc đàn áp mà các học viên Pháp Luân Công đã phải đối mặt trên khắp Trung Quốc từ giữa năm 1999 và cho đến ngày nay.
Điều thứ hai là sức hấp dẫn của Pháp Luân Công đối với dân chúng trên khắp Trung Quốc sau khi được người sáng lập là Đại Sư Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Sự phát triển phi thường ấy một phần vì Pháp Luân Công có cội rễ sâu xa từ trong Đạo giáo, Khổng giáo, Phật giáo, và các đặc trưng nổi bật khác của văn hóa bản địa của Trung Quốc, bài tập thể chất, và tâm linh. Những điểm đặc trưng truyền thống này đã bị Mao ngăn cấm từ năm 1949 cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1976. Đến năm 1999, theo các ước tính của riêng nhà nước và đảng thì có đến hơn 70 triệu học viên Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc – nhiều hơn cả số đảng viên của ĐCSTQ lúc đó.
Tà giáo?
Sự dối trá lớn nhất của Giang Trạch Dân chính là coi Pháp Luân Công là một “tà giáo”, điều này làm tôi nhớ tới các thông điệp chính phủ Rwanda khi ấy truyền đi nhằm chống lại người Tutsi thiểu số trước khi tiến hành diệt chủng trên cả nước từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 1994. Những người Bolshevik ở Nga đã thực thi sự việc tương tự đối với những người mà họ liệt vào danh sách ‘kẻ thù của đảng’ sau cuộc cách mạng năm 1917. Đức quốc xã của Hitler sử dụng điều này chống các cộng đồng khác nhau, đặc biệt là những người Đức gốc Do Thái, sau năm 1933.
Có một luồng thông tin độc hại như vậy liên tục tuyên truyền chống Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông do nhà nước và đảng kiểm soát trên khắp Trung Quốc sau năm 1999 làm nhiều người Trung Quốc ở trong và ngoài nước dường như đã chấp nhận những lời dối trá của nhà nước và đảng về vấn đề này và các vấn đề liên quan.
Ian Johnson, một cựu trưởng văn phòng Bắc Kinh của tờ Tạp chí phố Wall, người đã giành giải Pulitzer cho bản tin báo chí về vấn đề Pháp Luân Công, đã hé mở về cuộc đàn áp trong cuốn sách xuất bản năm 2005 của ông “Cỏ dại”:
“Tuyên bố Pháp Luân Công là một giáo phái là một trong những “nước cờ nổi bật nhất” của chế độ vì nó đặt Pháp Luân Công vào thế phòng thủ để chứng minh sự vô tội của chế độ và “che giấu cuộc đàn áp của chính phủ bằng tính hợp pháp của phong trào chống tà giáo của phương Tây … Để chứng minh quan điểm của mình, chính phủ đã dựng nên một loạt các câu chuyện khủng khiếp về những người cắt mở dạ dày của họ tìm kiếm bánh xe Pháp được cho là quay bên trong đó. Những người khác thì được vu là có người thân qua đời do tập các bài tập Công Pháp, thay vì uống thuốc.
— Vấn đề là một vài trong số những lập luận này vẫn được duy trì. Chính phủ không bao giờ cho phép các nạn nhân của Pháp Luân Công được trả lời phỏng vấn một cách độc lập, làm cho gần như không thể xác minh được luận điệu của họ. Và thậm chí nếu một người tin vào tất cả những lời ấy, thì những người kia chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các đệ tử của Pháp Luân Công…
— Về cơ bản, nhóm Pháp Luân Công không giống như nhiều định nghĩa thông thường về một giáo phái: Các thành viên của nhóm vẫn kết hôn với người ngoài nhóm, có bạn bè bên ngoài nhóm, làm những công việc bình thường, không sống tách biệt với xã hội, không tin tận thế sắp xảy ra và không phải cung cấp những khoản tiền lớn cho tổ chức. Quan trọng nhất, tự tử cũng như bạo lực về thể chất là không được chấp nhận…“
Giáo sư David Ownby thuộc Đại học Montreal, đã nghiên cứu chuyên biệt về Pháp Luân Công và đã được trích dẫn trong báo cáo của chúng tôi, ông đã kết luận:
— Các học viên Pháp Luân Công tại Bắc Mỹ đều có học vấn và có xu hướng sống trong các gia đình cơ bản. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực máy tính hoặc tài chính, một số là kỹ sư.
— Các học viên Pháp Luân Công không có nghĩa vụ tài chính đối với cộng đồng đức tin của họ. Họ tuân thủ pháp luật và không sống biệt lập.
— Pháp Luân Công không phải là một giáo phái.
Kết luận của ông Ownby phù hợp với kết luận của nhiều nhà quan sát độc lập, gồm cả David Matas và bản thân tôi. Trong 130 nước hoặc ở các quốc gia nơi mà Pháp Luân Công tồn tại, chỉ có một nước, Trung Quốc (và có thể cả nước Nga của ông Putin), nơi các học viên không được xem là những công dân gương mẫu.
Không quốc gia nào trong số khoảng 50 quốc gia David Matas và tôi từng đến kể từ khi báo cáo đầu tiên của chúng tôi về việc mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc vào năm 2006, mà chúng tôi nghe thấy học viên Pháp Luân Công không phát biểu tích cực về các cộng đồng tâm linh khác.
Những người có lương tâm sao vẫn không thể đồng cảm với các nguyên tắc cốt lõi “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công?
Việc các học viên Pháp Luân Công luôn thể hiện sự trầm tĩnh và phi bạo lực khi phải đối mặt với đánh đập, bỏ tù, tra tấn, và giết người trên khắp Trung Quốc kể từ giữa năm 1999 thật là đáng kinh ngạc.
Một vấn đề rõ ràng không còn phải nghi ngờ gì nữa: Những học viên Pháp Luân Công muốn được đề cập đến như một nhóm tập cùng với thiền định, chứ không muốn là một tôn giáo, nên Pháp Luân Công không phải là một tà giáo.
Đảng cộng sản Trung Quốc
Trái ngược lại, Đảng cộng sản Trung quốc thể hiện hàng loạt những đặc điểm của một giáo phái. Mao Trạch Đông đã khiến những người trung thành với đảng gây ra cái chết của hàng chục triệu đồng bào mình trong thời bình, bằng cách ban hành những chính sách giết người như “Đại nhảy vọt” và cuộc Cách mạng Văn hóa.
Bằng cách “giáo huấn” rằng các thế lực bên ngoài là xấu xa, tà ác, nguy hiểm, và phải chịu trách nhiệm cho những bất hạnh của thế giới, các giáo phái gieo rắc nỗi ám ảnh sợ hãi trong các ”tín đồ” và dẫn dắt họ cắt đứt mối quan hệ với gia đình và thế giới bên ngoài. Hầu hết những người trẻ tuổi, những người chống lại cha mẹ họ trong suốt thời của Mao đã làm như vậy dưới áp lực chính trị, theo lời Ấn Hồng Phiêu, một nhà sử học Bắc Kinh.
“Những người có “cha mẹ không tốt” đã đau khổ rất nhiều và oán giận cha mẹ của mình thay vì oán hận hệ thống đã tẩy não họ hàng ngày,” Michel Bonnin thuộc Đại học Thanh Hoa, bổ sung. Họ được khuyến khích tố cáo cha mẹ mình như những kẻ phản cách mạng, cũng như “đặt ra ranh giới” giữa họ và kẻ thù.
Người dân Trung Quốc, với tất cả những thành tựu của họ trong suốt hơn 5000 năm, tiếp tục bị làm nhục bởi các nhà lãnh đạo tự phong. Người dân bị bóc lột bằng vô số cách. Hãy xem xét một số trong rất nhiều chiến dịch mà ĐCSTQ đã phát động từ năm 1950:
— Các chiến dịch khủng bố những năm 1950, trong đó khoảng ba triệu người đã bị tử hình.
— ‘Chiến dịch chống hữu khuynh” năm 1957 trong đó khoảng 300.000 trí thức đã bị bắt giữ, bị bỏ tù, và bị “cải tạo” vì chỉ trích các chính sách của đảng sau khi Mao đề nghị họ làm như vậy.
— “Đại nhảy vọt” tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp của Mao (1959-1961), trong đó ước tính khoảng 45 triệu người đã từng bị lao động, bị bỏ đói, hoặc bị đánh đập cho đến chết.
— Cuộc cách mạng văn hóa 1966-1976, đã đưa đất nước đến tình trạng hỗn loạn, phủ nhận một nền giáo dục chính thức cho toàn bộ thế hệ, và có lẽ hai triệu người nữa bị giết mà không có lý do chính đáng nào trong giới hạn về con người hay dựa trên lý trí.
— Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Nhà sử học Canada Timothy Brook viết trong cuốn sách xuất bản năm 1992, “Chế ngự dân tộc” của ông: “Vào đêm 3 tháng Sáu năm 1989, hàng chục nghìn binh sĩ vũ trang bằng súng trường tấn công xông vào thành phố Bắc Kinh và đánh đuổi các sinh viên biểu tình không vũ trang tại trung tâm của quảng trường Thiên An Môn. Khi bị hàng trăm nghìn người dân và sinh viên chặn đường, những người lính đã nổ súng. Sáng ngày 4 tháng 6, hàng ngàn người chết và ngoắc ngoải trên các đường phố, trong các bệnh viện, và tại nhà ở Bắc Kinh“.
Nhân phẩm con người ngày nay dường như không còn nữa. Các cộng đồng đức tin và các nhóm xã hội dân sự khác ở khắp mọi nơi nên đoàn kết chặt chẽ trên các vấn đề như những vấn đề bấy lâu nay các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc vẫn phải đối mặt hàng ngày. Nếu các dân tộc trong các quốc gia dân chủ và cai trị bằng luật pháp trên khắp thế giới không cùng nhau hành động chống lại các tội ác chống loài người như vậy, một số chế độ độc tài còn lại của thế giới sẽ còn lặp lại sự tàn phá khủng khiếp của thế kỷ trước…
Xin cảm ơn!
Theo Vietdaikynguyen.com