Xe tự hành vẫn ở thì… tương lai
Ngày 1/8, báo Anh The Guardian tiết lộ, “ông trùm công nghệ” Google đã âm thầm thành lập một công ty chuyên sản xuất xe hơi tự hành (self-driving car). Như vậy, sau khoảng 6 năm kể từ lần đầu đưa ra ý tưởng, Google đã lần lượt giới thiệu những mẫu xe tự hành đầu tiên, cải tiến chúng và giờ là công ty riêng, mang tên Google Auto LLC.
Ngày 1/8, báo Anh The Guardian tiết lộ, “ông trùm công nghệ” Google đã âm thầm thành lập một công ty chuyên sản xuất xe hơi tự hành (self-driving car). Như vậy, sau khoảng 6 năm kể từ lần đầu đưa ra ý tưởng, Google đã lần lượt giới thiệu những mẫu xe tự hành đầu tiên, cải tiến chúng và giờ là công ty riêng, mang tên Google Auto LLC. Việc làm của Google chứng tỏ xe tự hành không phải là một món “đồ chơi công nghệ”, mà là tham vọng để họ lấn sân vào thị trường xe hơi. Thế nhưng, liệu tương lai về thế giới của những chiếc xe không người lái đã ở rất gần? Có lẽ chưa. BBC trong bài viết hồi cuối tháng 7 đã đưa ra những phân tích cho thấy, thế giới xe tự hành vẫn còn gặp rất nhiều khúc mắc cần giải quyết. Vấn đề đạo đức Với xe tự hành, con người sẽ được giải phóng hoàn toàn khỏi việc lái xe. Như vậy, trọng trách nhìn đường, dừng đèn đỏ, né người, né xe… phụ thuộc hoàn toàn vào bộ xử lý của xe. Tuy nhiên, nếu những chiếc xe thông mình này bỗng dưng… không thông minh thì sao? BBC dẫn ví dụ về việc chất lượng bộ cảm biến của xe không thể xử lý kịp những tình huống bất ngờ như người và động vật băng ngang đường. Đây là vấn đề rất lớn của xe tự hành, vì thế, hãng xe Daimler – chủ của những chiếc Mercedes-Benz đã tổ chức hội nghị có tên gọi “Xe tự hành, luật pháp và đạo đức”, nơi các nhà sản xuất xe nghe các triết gia và nhà đạo đức học tư vấn.
Ai chịu trách nhiệm về tai nạn? Theo BBC, những vụ tai nạn giao thông có tới 90% xuất phát từ lỗi của người lái. Chính vì thế, xe tự hành với những bộ phận camera, cảm biến, định vị, radar… sẽ được kỳ vọng giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, không hãng xe nào dám khẳng định sản phẩm của họ hoàn hảo, kể cả Google với thống kê tai nạn khá thấp trong quá trình thử nghiệm xe không người lái. Như vậy, trong trường hợp xe gây tai nạn, ai phải chịu trách nhiệm? Sẽ rất khó khẳng định chủ nhân chiếc xe (hoặc người mượn xe, thuê xe), hay nhà sản xuất xe phải chịu trách nhiệm. Nếu truy tới cùng, có lẽ cũng cần “phán xét” xem trong vụ tai nạn, bộ phận nào của xe bị hư hỏng, rồi truy ra trong số hàng nghìn linh kiện ấy, linh kiện nào bị lỗi với rất nhiều công ty chịu trách nhiệm sản xuất để quy trách nhiệm.
“Chúng tôi đơn giản là không có câu trả lời nào cả”, BBC dẫn lời ông Andreas Gissler – Giám đốc Công ty Tư vấn Dịch vụ và Tích hợp công nghệ Accenture thừa nhận. Trong khi đó, TS. Stephan Appt của Hãng Luật Pinsent Masons cho rằng những chiếc xe thông minh cần một chiếc hộp đen như trên máy bay, sử dụng để phân tích diễn biến mỗi khi có sự cố, từ đó sẽ truy ra người chịu trách nhiệm sau cùng. Công nghệ chưa thể đáp ứng Trên thực tế, những kiểu xe được gọi là bán tự động đã và đang được sản xuất. Những công nghệ tự động được tích hợp ngày càng nhiều như phanh khẩn cấp, khả năng tự đậu xe, kiểm soát hành trình… Thế nhưng, tất cả những điều này đều chưa đủ cho một chiếc xe tự hoạt động hoàn toàn, theo BBC. Andy Whydell – Giám đốc TRW (một trong những công ty kỹ thuật lớn nhất toàn cầu chuyên về thiết bị lái xe an toàn) cho biết, hệ thống radar có tầm nhìn khoảng 200 – 300m không thể đáp ứng nhu cầu xử lý tự động cho xe tự hành. Thay vào đó, phải cải thiện tầm nhìn của radar lên khoảng 400m mới đạt chỉ tiêu an toàn. Thêm vào đó, đừng nhìn vào những con đường nắng vàng thẳng tắp trong các video thử xe của Google hay triển lãm xe hơi quốc tế, điều cần đối mặt là khả năng xử lý của xe tự hành trong điều kiện đường sá không tốt và thời tiết xấu. BBC dẫn ví dụ Google thừa nhận xe của họ chưa né được ổ gà, cũng chưa thử nghiệm trong môi trường tuyết rơi. Bên cạnh đó, hệ thống camera và laser sẽ bị ảnh hưởng khi gặp mưa hoặc tuyết, và bộ cảm biến chưa biết sẽ xử lý ra sao khi ở vào tình trạng kẹt xe tại các ngã ba, ngã tư.
Các tiêu chuẩn giao tiếp giữa xe với xe được xem là vấn đề lớn với xe tự hành, vì nó buộc phải thay con người nhận diện đường đi để xử lý cùng những thành phần tham gia giao thông khác. Và điều này cần phải có sự thống nhất về một bộ xử lý trong ngành công nghiệp xe tự hành. Rủi ro an ninh Với tất cả những yêu cầu kỹ thuật như trên, gánh nặng sẽ đặt lên bộ xử lý máy tính của xe tự hành. Và khi đó, thế hệ xe thông minh sẽ gặp rủi ro an ninh từ các nhóm tin tặc. Gần đây, Hãng Fiat Chrysler đã thu hồi 1,4 triệu mẫu Jeep vì phát hiện lỗ hổng bảo mật. Đó là minh chứng cho thấy khi quá phụ thuộc vào máy tính, việc một chiếc xe bị… hack đã không còn lạ lẫm. Khi xe bị tin tặc tấn công, cũng như máy tính, điện thoại thông minh hay những tài khoản trên mạng, xe tự hành sẽ bị kiểm soát và từ đó sẽ gây ra rất nhiều vấn đề.
Thực sự cần? Xe tự hành sẽ khiến nghề tài xế giảm số lượng rất nhiều, chắc chắn như vậy. Bù lại, nó sẽ giải tỏa bớt áp lực cho những chuyến hàng đêm trên xe tải, hoặc sẽ hỗ trợ người già và người tàn tật. Tuy nhiên, xét về phương diện con người, liệu sự thảnh thơi có phải lúc nào cũng cần thiết và tạo sự thú vị như những cảm giác của người được lái một chiếc xe sang?
BBC cho rằng, dù sao đi nữa, nếu phát triển nhanh chóng, xe tự hành vẫn chỉ là mô hình thích hợp cho một số tuyến đường riêng biệt, những lĩnh vực riêng, không thể hoàn toàn thay đổi bộ mặt đường phố…
> Tin tặc – mối đe dọa xe thông minh > Những chiếc xe của tương lai gần > Bãi đậu xe “thông minh” đang tìm chỗ đứng > Piaggio USB concept – xe ga cho tương lai GIANG LANG
|
Theo Doanh nhân Sài Gòn