“Bùng nổ” dịch vụ giải trí trên các tầng mây
Nếu đã từng bị ám ảnh bởi những chuyến bay dài với những khoảng thời gian vô vị, chỉ biết giết thời gian bằng cách ngồi nhìn vô vọng ra bầu trời hay phải xem lại nhiều lần một bộ phim nhàm chán, nghe vài bản nhạc cũ được phát lại thì chắc chắn hôm nay bạn sẽ cảm nhận được sự phát triển bùng nổ của các phương tiện giải trí trên các chuyến bay của các hãng hàng không.
Sự xuất hiện của các thiết bị kỹ thuật số và mạng wifi trên khoang máy bay giúp cho khả năng cung cấp các lựa chọn về các chương trình giải trí trên không trở nên vô hạn và đây cũng chính là sản phẩm dịch vụ mang tính cạnh tranh cao trong chiến lược thu hút hành khách giữa các hãng hàng không trên khắp thế giới. Với sự hiện diện của nhiều chương trình giải trí đa dạng trong chuyến bay, những chuyến bay dài nhất cũng đang trở nên ngắn hơn. Ví dụ trên chuyến từ New York tới Hong Kong của Cathay Pacific, hành khách có thể thưởng thức liên tục một chuỗi danh sách các chương trình video yêu thích trong danh mục hơn 100 bộ phim với những lựa chọn hấp dẫn, từ những phim điện ảnh đoạt giải Oscar như American Sniper hay Mr. Turner đến những bộ phim cổ điển hơn như Casablanca. Cách đây vài năm, để thưởng thức các chương trình giải trí được cài đặt sẵn, hành khách phải chờ tiếp viên khởi động hệ thống với những nội dung cố định giống nhau cho tất cả hành khách, còn thời gian thưởng thức thì bị giới hạn (chỉ trong khoảng thời gian sau khi cất cánh và trước khi hạ cánh). Nay, nhờ sự hiện diện của các thiết bị kỹ thuật số và mạng wifi, hành khách tha hồ thoải mái lựa chọn những chương trình giải trí yêu thích, đồng thời có thể tận hưởng phim ảnh và âm nhạc liên tục từ lúc bước chân lên máy bay cho đến khi rời khỏi máy bay.
Một trong những hãng hàng không tiên phong trong việc triển khai các chương trình trực tiếp trên các chuyến bay là JetBlue Airways. Hiện họ đang cung cấp cả hai hình thức phục vụ là màn hình tivi trên lưng ghế và mạng wifi miễn phí trên hầu hết các dòng máy bay đang khai thác (đến năm 2016 sẽ trang bị cho tất cả các máy bay) nhằm tạo cơ hội cho hành khách có thể vừa đấu trực tiếp các trò chơi Yankees, vừa kiểm tra email. Từ tháng 9 tới, Virgin America sẽ bắt đầu khai thác mười máy bay đầu tiên có trang bị mạng wifi tốc độ siêu nhanh, cho phép người sử dụng có thể thưởng thức một cách trọn vẹn những bộ phim điện ảnh hay truyền hình từ tài khoản Netflix của họ. Hãng hàng không này gần đây cũng đã giới thiệu hệ thống âm thanh nổi chất lượng cao trên những kênh có tính phí với sự hiện diện của các tập phim nổi tiếng Game of Thrones. Được dự kiến sẽ có mặt trên tất cả các máy bay của hãng trong năm sau, hệ thống giải trí của Virgin America cũng sẽ được cài đặt những game nổi tiếng một thời như Pac-Man. Mạng wifi cũng là một dịch vụ thú vị đối với các hãng chi phí thấp như Southwest Airlines vốn không bao giờ muốn lắp đặt những thiết bị có khối lượng nặng như hệ thống giải trí lên các chuyến bay để tiết kiệm chi phí. Hiện tại, hãng này cũng cung cấp mạng wifi từ bộ phát cố định cho những chuyến bay nội địa trên khoảng 80% số máy bay mà hãng đang khai thác với khả năng kết nối gate-to-gate thông qua thiết bị điện tử của khách hàng.
Hành khách có thể xem những chương trình truyền hình trực tiếp, nghe những bản nhạc mượt mà hay gửi email miễn phí và xem những bộ phim điện ảnh có tính phí. Tuy nhiên Southwest còn giới hạn những truy cập ở băng tần cao và không cho phép hành khách truy cập các bộ phim từ các trang như Netflix hay Hulu hoặc sử dụng dịch vụ điện thoại video như Skype. Liệu với thực trạng hầu hết hành khách đều sở hữu ít nhất là một thiết bị điện tử di động trên chuyến bay thì sự hiện diện của các màn hình trên lưng ghế có thể biến mất trong tương lai gần? Một viễn cảnh đã được thực tế hóa trên một vài chuyến bay: hành khách có thể tải một ứng dụng hay phần mềm từ chính thiết bị của họ để có thể lựa chọn hơn 50 bộ phim điện ảnh, các bộ phim truyền hình của HBO, các bộ phim truyền hình sitcom, các kênh ca nhạc phổ biến… Trong trường hợp hành khách không có sẵn thiết bị riêng thì vẫn có thể thưởng thức các chương trình bằng cách thuê thiết bị từ dịch vụ ngay trên chuyến bay. Hãng hàng không Alaska cung cấp một dịch vụ tương tự với chương trình kéo dài 3,5 giờ trên các chuyến bay. Air France cũng có một ứng dụng cho phép tải những trang báo và tạp chí miễn phí lên đến 30 giờ trước khi khởi hành.
Nhiều hãng hàng không cũng lợi dụng ưu thế của các băng tầng kỹ thuật số rộng hơn để cung cấp những chương trình độc đáo, chẳng hạn Alaska cung cấp những video từ Liên hoan phim quốc tế Seattle, Hawaiian Airlines có kênh video với những clip nhạc truyền thống của người Hawaii và các kênh âm nhạc nhằm ru ngủ hành khách bằng tiếng róc rách của thác nước và âm thanh của gió rì rào trên các ngọn cỏ. Có lẽ chương trình video giải trí ấn tượng nhất thuộc về British Airways, cung cấp một loạt các kênh giải trí cho hành khách, bao gồm Paws and Relax với cảnh quay những chú chó và mèo con vô cùng dễ thương, một loạt phim video về nghệ thuật thiền, và Slow TV với những cảnh quay thú vị về những tình huống khó xử lý như chạy bộ trong trạng thái cột chân vào nhau hay vượt qua hành trình bằng xe lửa kéo dài 7,5 giờ mà không được chuẩn bị trước. Các dòng máy bay hiện đại được khai thác trên các đường bay từ Trung Đông và châu Á đến Mỹ cũng như từ châu Âu còn được trang bị những màn hình quay trực tiếp trạng thái cất cánh hoặc hạ cánh của máy bay. Hành khách có thể ngắm khung cảnh bên dưới bụng máy bay hay khung cảnh phía trước đầu máy bay khi cất cánh hay hạ cánh. Trong khi đa phần vốn đầu tư được đổ dồn vào các chương trình video trên chuyến bay thì vẫn có một số hãng hàng không tập trung vào các chương trình phát thanh. Điển hình là Delta Air Lines cung cấp chương trình phát thanh Delta Artist Spotlight với điểm nhấn là những tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm cả nhóm nhạc pop điện tử Chvrches ăn khách của Mỹ.
Khi mà mạng truy cập wifi đang đa dạng hóa các lựa chọn giải trí dành cho hành khách trong chuyến bay thì việc trang bị những thiết bị, hệ thống giải trí sao cho phù hợp với độ dài của đường bay trở thành một vấn đề cần quan tâm của các hãng hàng không và màn hình gắn sau lưng ghế vẫn luôn là lựa chọn phù hợp nhất cho những chuyến bay dài hay bay xuyên biển. Trong tháng này, Singapore Airlines sẽ giới thiệu một hệ thống giải trí mới dành cho các khoang khách phổ thông cao cấp trên các chuyến bay, bao gồm hệ thống điều khiển từ xa bằng màn hình điện từ được sử dụng như một màn hình nhỏ thứ hai, cho phép hành khách có thể xem sơ đồ chuyến bay, chơi game hay học ngoại ngữ trong khi có thể xem các chương trình video khác trên màn hình 13,3 inch gắn ở lưng ghế. Các nhà vận chuyển còn chú ý đến cả hành khách nhỏ tuổi. Với hơn 200 máy bay phục vụ trên đường bay quốc nội với những dịch vụ lý tưởng về các chương trình video, American Airlines hiện cung cấp hai bộ phim gia đình miễn phí mỗi tháng song song với nhiều chương trình có thu phí khác. Air France cũng cung cấp một ứng dụng cho phép hành khách trẻ em có thể tô màu những bức tranh kỹ thuật số và tải những trò chơi miễn phí trước khi cất cánh. Dành cho người thích giao lưu, Meet&Seat – dịch vụ kết bạn của KLM cho phép hành khách tự cập nhật những thông tin cá nhân và lựa chọn chỗ ngồi cạnh người có cùng sở thích. Virgin America cũng cho phép hành khách mời thức uống cho người đồng hành trên chuyến bay thông qua hệ thống, còn Etihad thì tạo cơ hội cho hành khách e-chat với nhau dễ dàng trong chuyến bay. Sự hiện diện của các hệ thống giải trí trên các chuyến bay của ngành hàng không dân dụng hiện nay như một bức tranh đa sắc màu. Hệ thống giải trí chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp rút ngắn những chuyến bay dài, đồng thời tạo được nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho hành khách. > 10 câu nói nên tránh để giảm áp lực cho phi hành đoàn > Paris Airshow 2015: Những “gam màu” nổi bật > 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2015 > Khám phá tính năng “Giữ vé” của Emirates Airlines H.K (theo The New York Times)/DNSGCT
|
Theo Doanh nhân Sài Gòn