Thư viện Anh kêu gọi giúp giải mã thông điệp khó hiểu trên kiếm cổ
Năm 1825, một thanh kiếm hai lưỡi bí ẩn chứa dòng chữ bí ẩn đã được tìm thấy tại sông Witham gần thành phố Lincoln ở Anh. Thanh kiếm vào thế kỷ 12 này chứa thông điệp 18 chữ dọc lưỡi kiếm, các nhà mật mã học và ngôn ngữ học đã không thể giải mã nó. Thư viện Anh hiện đang kêu gọi công chúng giúp đỡ để giải quyết bí ẩn 800 năm này.
Thanh kiếm, hiện đang được trưng bày tại Thư viện Anh, là một phần của cuộc triển lãm Magna Carta, nó có một lưỡi kiếm thép được mài dũa bén nhọn, người ta cho rằng nó có thể được sản xuất tại Đức. Chuôi kiếm hình chữ thập có thể liên quan đến Thiên Chúa giáo và thanh kiếm này có thể được một hiệp sĩ sử dụng để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ nhà thờ của mình.
“Đó là một loại kiếm thời Trung cổ điển hình mà các Hiệp sĩ và Nam tước sử dụng vào thời vua John và năm Đại hiến chương nước Anh được ban hành“, người phụ trách Julian Harrison nói với tờ MailOnline.
“Lưỡi kiếm bất thường vì nó có hai rãnh, chạy song song xuống theo chiều dài của mỗi bên lưỡi kiếm“, Bảo tàng Anh cho hay. “Thanh kiếm được cho là thuộc về người Viking vì hai đường rãnh, núm chuôi kiếm và hàng chữ khắc. Tuy nhiên, rõ ràng là núm chuôi kiếm, câu khắc và hình dạng lưỡi kiếm là nét đặc trưng của những thanh kiếm thời Châu Âu Trung cổ hơn là thuộc về người Viking“.
Dòng chữ trên được khắc chính giữa dọc lưỡi kiếm và được dát với dây kim loại vàng ròng. 18 chữ khắc là: NDXOXCHWDRGHDXORVI. Ngôn ngữ của thông điệp này vẫn chưa xác định rõ, điều này làm việc giải mã thêm phần khó khăn.
Tờ MailOnline thông tin ý nghĩa hàng chữ có thể là “một cụm từ sẵn sàng cho chiến đấu của người Welsh thời Trung cổ, các chữ cái đầu tiên của một bài thơ, hay thậm chí nó hoàn toàn vô nghĩa do một nghệ nhân mù chữ tạo nên“.
Một số khách tham quan đã viết vào Thư viện Anh cách xác định sự kết hợp giữa các chữ có nghĩa trong tiếng Latinh ở thời đại của thanh kiếm. Ví dụ, ‘ND’ có nghĩa là ‘kế hoạch cải cách xã hội Dominus’, trong khi chữ ‘X’ có thể chính là chữ chỉ Chúa Jesus.
“Người ta cho rằng nó là một dòng chữ thuộc tôn giáo và thanh kiếm có thể bị ném xuống đáy sông vì mục đích [tôn giáo nào đó]“, Harrison nói với tờ MailOnline. Tuy nhiên, Harrison nghĩ rằng ý tưởng hợp lý nhất có thể là chữ trên thanh kiếm là văn tự người Welsh thời Trung cổ, và tạm dịch là: “Không gì có thể bao phủ tôi“, ý nói rằng chủ nhân thanh kiếm này sẵn sàng cho chiến đấu vào mọi thời điểm.
Thư viện Anh chào đón tất cả các gợi ý từ công chúng để giúp giải quyết bí ẩn nhiều thế kỷ này.
Thanh kiếm đang được trưng bày tại triển lãm Đại hiến chương nước Anh. Văn bản cổ này mô tả cuộc xâm lược của người Pháp tại Normandy vào năm 1203 với những người lính sử dụng kiếm tương tự thanh kiếm có dòng chữ chưa giải mã được kia.
Thanh Phong dịch từ Ancient Origins