Lễ bỏ mả: Cuộc chia tay với người đã khuất
Lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là nghi thức trang trọng trong tang lễ do cộng đồng tổ chức để từ biệt người chết. Đối với đồng bào, đây còn là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền với nhiều hoạt động hội tụ các giá trị tâm linh trong đời sống.
Lễ hội của người sống- người chết
Già Y Phi Mjâu, già làng buôn A, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, lễ bỏ mả đã có từ rất lâu, gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào Tây Nguyên với thế giới của người đã khuất. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, Ê Đê, người chết từ một năm trở lên (có khi ba đến năm năm) sẽ được làm lễ bỏ mả. Đây là ngày hội mừng người sống được gặp gỡ, chung vui lần cuối cùng với người đã khuất, trước khi tiễn biệt họ về một thế giới khác. Kể từ đây, người sống không phải chăm lo cơm nước hằng ngày ở nhà mồ, không có đám giỗ hàng năm cho người chết. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm rằng mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Linh hồn họ mới có thể tái sinh vào kiếp khác, sống một cuộc đời mới. Vì ý nghĩa này mà lễ bỏ mả lại là lễ hội lớn nhất, vui nhất trong năm. Lễ bỏ mả có 2 phần: Tại nhà và ngoài mả, kéo dài 2 đến 3 ngày. Các gia đình có người chết phải chuẩn bị đồ cúng lễ rồi báo tin cho họ hàng, toàn thể buôn làng tới dự. Trước lễ bỏ mả cả tháng đã có hàng chục người chặt gỗ, đẽo tượng, làm nhà mồ. Bà H’Thiêng (68 tuổi, huyện Cư Mgar) cho biết: “Mâm cúng làm lễ không bắt buộc, tùy từng nhà. Nếu giàu có thì trâu, bò, heo, gà, rượu cần, cây nêu. Nếu nghèo thì phải có heo, gà, rượu cần. Ngoài ra, còn có tượng gỗ. Người chết già thì tạc hình nhân ngồi chống cằm ngụ ý già yếu, hay ngồi hút thuốc hàm ý suy tư, cũng có khi ngồi gảy đàn T’ninh. Còn trẻ em thì tạc hai đứa bé ôm nhau đùa giỡn, thanh niên thì tạc tượng đứng…”. Đánh cồng chiêng trong lễ bỏ mả Những tài sản được phân chia tại nhà sau đó mang ra nhà mồ chôn cùng, bao gồm những đồ vật quý như chiêng, chóe, vòng cườm, lục lạc đến các vũ khí, công cụ sản xuất như kiếm, xà gạt… và các vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày như nồi, tô, chén bát. Số của cải này tùy thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết được chia khác nhau. Khi cúng và chia của cải xong, đến phần trình diễn âm nhạc, tiếng cồng chiêng được những người già, uy tín trong làng đánh lên rộn rã. Theo nhịp cồng chiêng, tất cả họ hàng, bà con buôn làng gần xa hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ. Trong những ngày lễ ở mả, mọi người tụ tập ăn uống, tuyệt đối không mang trở về bất cứ thứ gì. Đầu trâu bò ăn cuối cùng, hoặc treo lại trên mả. Trước khi ra về, nếu có cây nêu thì cắm trước mả, cột một con gà con vào đầu mả; có thể trồng thêm cây chuối, cây dứa… để người chết có cái “làm ăn”. Rồi đặt tượng gỗ ở trước mả. Sau cùng, một người nói với mả, đại ý: “Chúng ta đã chia tài sản. Tôi với anh (chị, cha, mẹ…) vĩnh biệt nhau từ đây!”, rồi kéo nhau về nhà ăn uống, không bao giờ quay trở lại mả này nữa. Thế giới bên kia Đi trên cao nguyên bạt ngàn nắng gió, giữa lau lách cỏ tranh, hay dưới gốc cổ thụ rêu phong, bất chợt chúng ta có thể gặp những tượng người, vật bạc phếch hoặc mới đứng yên lặng trong chiều u tịch. Nếu ai lần đầu đến khu nhà mồ Tây Nguyên chắc hẳn sẽ có cảm giác như đi lạc vào ma trận của rừng tượng gỗ. Quan sát kỹ, sẽ thấy đây là những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Tượng nhà mồ Tượng nhà mồ thường được tạc theo ba nhóm: Nhóm thế giới sinh thành gồm con người, bào thai; Nhóm loài vật gần gũi với người như voi, chó, trâu, bò; Nhóm đặc tả cảnh sinh hoạt cộng đồng của người dân Tây Nguyên như giã gạo, săn bắn… Cả ba nhóm tượng trên hòa quyện thành cuộc sống sinh động. Ông Y Bơh K’dok (buôn Trí A, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), cho biết: “Tượng chim công làm vui linh hồn của người chết, tượng ngà voi ngợi ca sức mạnh, lòng dũng cảm của họ khi còn sống, cũng là vũ khí bảo vệ cho linh hồn họ; tượng đàn ông, đàn bà với các “công cụ” sinh tồn nhằm khuyên con cháu phải biết tiếp nối phát triển dòng tộc”. Đồng bào tin linh hồn có thật. Sau khi chết, linh hồn vẫn tồn tại, trú ngụ trong phần xác người chết nên vẫn có thể tâm tình và ở gần người sống. Chỉ sau khi lễ bỏ mả kết thúc, ma của người chết mới ra đi vĩnh viễn. “Chết” trong quan niệm của đồng bào Tây Nguyên là một chu trình tái sinh, qua bảy lần, rồi mới biến thành giọt sương tan lại vào đất. Khi bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia, người chết sẽ không thể sống thanh thản và đầy đủ nếu thiếu lễ bỏ mả với tượng nhà mồ, phần của cải người sống chia cho. Do đó, đồng bào rất coi trọng, chuẩn bị cho người chết một “cuộc sống mới” chu đáo, với mong muốn người thân được hạnh phúc, no đủ. Điều lý thú là, sau khi lễ bỏ mả, mọi thứ thuộc về thế giới của người chết, không còn ý nghĩa gì với người sống. Đây là nét đặc sắc rất riêng trong văn hóa tâm linh của người Tây Nguyên. Ông Y Kô Niê phó phòng Nghiệp vụ sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk nhận xét: “Bây giờ, lớp trẻ đi làm ăn xa ít mặn mà với tập tục này. Một nguyên nhân nữa khiến tục bỏ mả dần mai một là do rừng cạn kiệt không còn cây gỗ lớn tạc tượng nhà mồ. Không có gỗ tạc tượng, lễ bỏ mả không còn nhiều ý nghĩa”. Đán Tượng nhà mồ |
Theo Tiền Phong