Hào khí của biển
TT – Những ngày ở Phú Quý, được gặp nhiều người biết thêm nhiều chuyện thú vị. Tất cả toát lên một khí chất rất hào sảng của ngư dân Phú Quý.
Chuyện lạ cá voi Tôi đến tham quan đền thờ cá voi nổi tiếng ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh, nơi đã được công nhận di tích quốc gia, có bộ xương cá voi khổng lồ. Ông Đỗ Muộn, 70 tuổi, người thủ từ ngôi đền, kể lại sự tích về con cá voi được người dân tôn là thần cứu mạng. “Ngày trước, ngài lụy vào đảo này. Thấy ngài to quá, dân ba xã xúm lại cùng nhau tìm cách đưa ngài về đây. Họ chặt dừa làm đòn gánh, đào đất làm đường để thỉnh ngài về nơi thờ tự này. Nhưng ngài quá nặng nên dân đảo phải khấn ngài mới được hoàn thành tâm nguyện”, ông Muộn nói. Đêm ngồi nhâm nhi bên bờ biển, tình cờ nghe chuyện có vẻ linh thiêng kỳ bí. Anh Đặng Văn Đăng mới ngoài 30 tuổi ở làng Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, kể: “Tôi làm nghề biển từ khi mới lớn. Có lần mới ra biển được vài chục (hải) lý để đánh bắt thì thấy một con vật trông như cá voi xanh lừng lững chắn ngang. Tàu nổ máy tăng tốc tìm cách vượt chướng ngại vật nhưng vẫn không qua được. Biết là ngài không cho đi, cả chín người trên tàu sụp xuống khấn vái. Cá bỏ đi nhưng con tàu không hiểu sao lại quay về đảo. Ai cũng lo lắng khi chuyện làm ăn bỗng dưng trở ngại. Vài ngày sau thì có cơn bão lớn quét qua khu vực biển mà tàu tôi định đến. Lúc ấy mọi người mới hú vía. Nếu giờ này còn ở ngoài đó thì coi như mất cả tàu lẫn người”. Ngừng lại một lúc chờ cho sự bàn tán lắng xuống, anh Đăng tiếp tục: “Tôi đã trải qua nên mới tin. Mới đây, tôi đi ghe một mình ra khơi chừng vài lý. Bỗng một con cá voi to và dài cứ nâng chiếc ghe lên khỏi mặt nước như người ta chơi trò đùa giỡn. Chân vịt quay tít, máy nổ cũng chẳng làm được gì. Kiểu này kéo dài thì đời mình coi như xong phim luôn. Tôi hết hồn hết vía khấn vái cầu ngài tha mạng. Lát sau, con cá rời xa ghe tôi. Tôi cho ghe chạy một mạch về lại đảo”.
“Kình ngư” của biển Đỗ Châu Thọ kéo chúng tôi vừa đi vừa nói: “Để tôi dẫn anh đến ông “kình ngư” của biển Phú Quý. Ông này tài lắm, ở nhà nhưng điều khiển từ xa cho con cái đánh bắt xa bờ tận Trường Sa. Thời buổi khoa học kỹ thuật mà ông tính toán hành trình, vị trí trên biển bằng que tăm xỉa răng nha anh. Vậy mà trúng phóc, anh tin không?”. Chúng tôi liền tìm đến làng Phú Long, xã Long Hải, nơi tập trung nhiều tàu đánh bắt xa bờ, nhiều nhất là đánh ở Trường Sa, để gặp “kỳ nhân” Ngô Văn Chức. Ông già nheo nheo đôi mắt như cười rồi mời khách uống nước. Trước mắt tôi là một người đàn ông vóc dáng nhỏ gọn, không có vẻ gì đặc biệt. Trong ngôi nhà xây vững chãi, tôi ngồi nghe ông kể chuyện. “Tôi năm nay tuổi chưa đến 70, đã nghỉ nghề biển rồi. Trước đây tôi làm nghề ở biển Phú Quý này, tôm cá thường được nhiều nhất. Sau đó tôi ra Trường Sa. Nói thật với anh, hòn đảo lớn nhỏ ở Trường Sa tôi đều biết rõ như lòng bàn tay”. Ông già nói làm nghề biển nếu không thông thạo biển khơi, từ các hòn đảo cho đến luồng lạch thì khó nói chuyện làm ăn. Phải thật hiểu biển mới mong làm giàu từ biển. Bởi vậy, ông làm thuyền trưởng nhiều năm và lo được đời sống cho gia đình, con cái, cho các bạn nghề theo mình ra khơi. Bây giờ nhà ông cả bốn người con đều là thuyền trưởng thường xuyên đánh bắt ở Trường Sa. Cháu nội ông cũng theo ba nó đi làm ngoài ấy. “Nếu muốn có nhà vững chắc, có của ăn của để phải đi xa bờ, phải ra Trường Sa”, lão ngư nói. Chúng tôi tò mò hỏi chuyện ông ngồi ở nhà mà điều khiển tàu ngoài biển xa, hướng dẫn tàu bè né tránh bão tố. Ông già cười: “Hồi tôi đánh cá ngoài Trường Sa có học được cách tính của mấy anh hàng hải. Họ tính bằng thước tấc trên bản đồ, còn mình tính bằng que tăm, quen mắt quen tay thì cũng chính xác”. Lúc con cái và bà con bận rộn đánh bắt ngoài biển thì ông nghe đài, xem tivi, tổng hợp tin tức rồi mở máy liên lạc với tàu tư vấn chuyện đi lại, đánh bắt và tránh trú khi có bão. Có lần, con trai ông bị bão dạt qua tận vùng biển nước khác, ông phải liên lạc điều khiển cho con về nơi an toàn. Trong tổ đoàn kết đánh cá của ông, khi có tàu gặp nạn thì các tàu ở gần phải tìm cách ứng cứu nhau. “Ngày thường chia sẻ thông tin ngư trường để hỗ trợ nhau làm ăn. Đi biển mà không dựa vào nhau thì chết”, ông nói. Lăn lộn cả đời với Trường Sa, ông già ngư dân này có nhiều kỷ niệm với vùng biển đó. “Ôi, nói về kỷ niệm thì nhiều vô kể. Thằng con tôi Ngô Văn Thương cũng là thuyền trưởng. Năm kia bị viêm ruột thừa giữa biển, mấy anh bộ đội đảo Sinh Tồn cứu chữa kịp thời, điều trị cho nửa tháng mới về đất liền. Mới đây có cậu Đặng Lượng, dân Phú Quý, đi tàu bị cá đuối đâm trọng thương. Từ đảo Sơn Ca chuyển về Nam Yết rồi được quân y đảo cứu chữa tận tình. Ra Trường Sa gặp chuyện gì thì chỉ trông cậy vào bộ đội mà thôi”. Ông cười tâm đắc: “Dân đảo Phú Quý với bộ đội Trường Sa tình cảm lắm. Tôi dặn mấy đứa con trước khi ra khơi nhớ lên rẫy đóng vài chục bao đất đem ra cho các anh ngoài đảo trồng rau. Trên đảo Trường Sa có nhiều đất của Phú Quý lắm à nha!”. “Dân đi biển chỉ sợ nhất ông trời. Trời yên bể lặng mới yên ổn làm ăn. Nhưng tôi nói cho anh hay, cái vụ giàn khoan 981 gì đó vậy mà không đáng lo bằng bây giờ. Trung Quốc xây đảo chìm, đảo nổi, chặn cả đường đi của dân mình”. Nhưng rồi ông cho hay đang đóng chiếc tàu ra Trường Sa với vốn gần 3 tỉ đồng. “Nếu lo làm sao dám đóng tàu to?”.
PHẠM XUÂN DŨNG
|
Theo Tuổi Trẻ