Báo Mỹ: BKAV đang muốn trở thành “Apple Việt Nam” như thế nào?
ICTnews – Trang công nghệ Cnet tiếp tục có bài viết tìm hiểu về các công ty công nghệ ở Việt Nam, và lần này người “lên sóng” là BKAV. Nổi tiếng với các phần mềm bảo mật nhưng mới đây, công ty này đang gây sự chú ý khi ra mắt chiếc smartphone Bphone nhằm cạnh tranh với Apple, Samsung.
* Nhà máy sản xuất Bphone của BKAV lên báo Mỹ Những chiếc bóng đèn trong phòng hội thảo chập chờn vài lần trước khi tắt hẳn. Tiếng kêu phát ra từ điều hòa nhiệt độ cũng dừng lại, và căn phòng trở nên tĩnh lặng – một thứ gì đó có vẻ không giống với một công ty công nghệ muốn dấn thân vào thị trường smartphone vốn đã ồn ã, chật chội. Tôi đang ở thủ phủ của BKAV ở Hà Nội, công ty Việt Nam được biết đến với các phần mềm bảo mật nhưng hiện đang muốn nhảy vào sản xuất smartphone – thị trường có giá trị 2,2 tỷ USD tại Việt Nam. Hệ thống điện trong thủ phủ của công ty thuộc tòa nhà chọc trời cao nhất thành phố – Keangnam Hanoi Landmark Tower – gặp hiện tượng chập chờn ngay khi bài thuyết trình về chiếc smartphone Bphone của công ty đang diễn ra. Người ta nói với tôi rằng chuyện này thi thoảng vẫn xảy ra ở đây. Hồi đầu tháng 6/2015, một vài tuần trước khi tôi đến đây, BKAV ra mắt Bphone, sản phẩm mà công ty tự hào là smartphone đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Thiết bị có kiểu dáng đẹp, được bán ra với sáu phiên bản và giá bán từ 450 USD đến 925 USD. Bphone làm người ta gợi nhớ tới iPhone 4 nhưng với màn hình lớn hơn (5 inch so với 3,5 inch). Smartphone của BKAV là một phần trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết việc đầu tư ở Việt Nam lại đến từ các công ty nước ngoài muốn tìm một nơi sản xuất các sản phẩm với chi phí rẻ. Chính điều này đã giúp BKAV trở nên “khác biệt”. Họ là một công ty Việt Nam đang tham vọng tạo ra một chiếc điện thoại cao cấp dành cho người dùng trong nước. Ở một số khía cạnh nào đó, BKAV đang đi theo bước chân của Xiaomi – một công ty smartphone đến từ Trung Quốc. Xiaomi sản xuất smartphone cấu hình cao, giá rẻ để bán cho người dùng ở nước này, và sau khi gây dựng được uy tín sẽ mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới. Dẫu vậy, tầm nhìn của BKAV là ở phân khúc smartphone cao cấp. Sản xuất smartphone cao cấp “là giấc mơ của tất cả các công ty công nghệ cao trên thế giới. Sản xuất smartphone cũng là giấc mơ của chúng tôi bởi chúng tôi muốn trở thành tập đoàn công nghệ tốt nhất trên thế giới” – Ta Minh Hoang, Giám đốc sản phẩm di động của BKAV, người phụ trách phát triển Bphone, cho biết.
Người Việt Nam không ngần ngại chi tiền cho các thiết bị điện tử. Năm ngoái, 24 triệu chiếc điện thoại đã được tiêu thụ tại đây (dân số cả nước là 94 triệu người), theo thống kê của Strategy Analytics. Nhu cầu smartphone được dự đoán sẽ tăng trong một vài năm tới. Mới nghe qua tưởng chừng đây sẽ là thị trường “béo bở” dành cho BKAV. Tuy nhiên, vấn đề là người dùng Việt Nam không đòi hỏi một chiếc điện thoại “sản xuất tại Việt Nam”. Họ hạnh phúc với chiếc iPhone và các máy dòng Galaxy của Samsung. Người lao động ở Việt Nam có thu nhập bình quân 150 USD/tháng, do đó, Bphone là chiếc smartphone quá đắt đỏ đối với nhiều người. Bản tính khoe khoang của CEO BKAV – người gọi Bphone là chiếc smartphone tốt nhất thế giới – cũng đi ngược với tính khiêm tốn của người Việt và khiến nhiều người quay lưng với công ty. Những người khác thì hoài nghi liệu Bphone có thực sự được thiết kế và sản xuất ở Việt Nam hay không. “Nếu bạn không thể chứng minh rằng mình sản xuất được các thành phần, và cũng không chỉ ra được nhà máy của mình đặt ở đâu, vậy thì Bphone được sản xuất ở Việt Nam như thế nào” – Một người dùng bình luận trong một bài báo viết về Bphone hồi tháng 5/2015. Thiết kế ở Việt Nam Tôi có dịp ghé thăm nhà máy của BKAV, một khu phức hợp khá ọp ẹp cách thủ phủ công ty 10 phút lái xe. Đây là một trong hai cơ sở nơi các công nhân của BKAV lắp ráp Bphone. Khi tôi tới thăm nhà máy lắp ráp điện thoại của BKAV, có khoảng hơn 30 người đang mặc các bộ đồng phục xanh trắng làm việc. Tất cả công nhân đeo găng tay vải màu trắng, khẩu trang y tế, và mũ vải xanh có vành để tránh làm tóc rơi vào bên trong điện thoại.
Công nhân ngồi trên những chiếc ghế văn phòng với bánh xe lăn. Trước mặt họ là các dây chuyền lắp ráp nhỏ màu xanh trông giống những chiếc bàn đánh bóng bàn. Mỗi công nhân được giao làm một công đoạn trong quá trình lắp ráp. Thông thường sẽ có khoảng 100 người trong nhà máy này, tuy nhiên, thời điểm tôi đến là giờ ăn trưa và số công nhân ít hơn cũng là điều dễ hiểu. 50 người khác làm việc tại nhà máy cơ khí của BKAV ở gần cạnh, sản xuất các thành phần của Bphone như khung kim loại, khe cắm thẻ SIM, và hộp loa. Họ cũng sản xuất các bản thử nghiệm (prototype) và mô hình (model) của các linh kiện khác trước khi thuê các đối tác sản xuất chúng. BKAV dự định mở một nhà máy lớn hơn ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc ngoại ô Hà Nội, cách nhà máy hiện tại khoảng 30 km. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra “khi chúng tôi nhận được những phản hồi tốt từ thị trường”, theo lời của Vu Thanh Thang, Phó Chủ tịch và Giám đốc mảng phần cứng của BKAV. BKAV bỏ ra khoảng 20 triệu USD, đào tạo đội ngũ 200 kỹ sư, và mất 4 năm để phát triển smartphone đầu tiên. Công ty thiết kế mọi thứ từ bo mạch chủ chứa các linh kiện của điện thoại – như chip cao cấp (dù đã cũ) của Qualcomm Snapdragon 801. Ngoại thất, và hệ điều hành Android chạy trên Bphone cũng được công ty tùy biến với tên gọi Bphone Operating System, hay BOS. BOS được tích hợp rất nhiều ứng dụng do BKAV thiết kế, bao gồm một trình duyệt web (Bhrome), một ứng dụng gọi điện (Btalk), và nhất là phần mềm diệt virus của BKAV. “Chúng tôi muốn chứng minh rằng Việt Nam có thể tạo ra được những sản phẩm đẳng cấp cao như các công ty Mỹ, Nhật, hay Hàn Quốc” – Bach Thanh Le, Phó Chủ tịch và Giám đốc thông tin của BKAV cho hay. Tuy nhiên, việc Bphone sử dụng linh kiện từ các công ty nước ngoài là điều khiến người dùng dễ nhầm lẫn. Trước khi thiết bị bán ra trên thị trường, một số người đã hoài nghi liệu Bphone thực sự được sản xuất và thiết kế tại Việt Nam, hay liệu đây chỉ là một chiếc điện thoại Trung Quốc. Các công ty Việt Nam khác, như MobiiStar, đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất Trung Quốc để thiết kế và lắp ráp smartphone rồi mang về gắn thương hiệu của mình lên đó. Thậm chí, một đề tài cũng được đưa ra tranh luận là liệu một chiếc điện thoại có thể được gọi là “sản xuất ở Việt Nam” hay không, nếu nó sử dụng các linh kiện từ cả những nguồn khác, như chip xử lý của Qualcomm. “Vì sao một số người nghĩ Bphone không thực sự là một chiếc điện thoại của Việt Nam. Bởi vì họ không tin Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất được một chiếc smartphone hàng đầu thế giới” – CEO Nguyen Tu Quang cho biết qua email. “Quảng nổ” Nguyen Tu Quang – vị CEO 40 tuổi của BKAV – không phải là mẫu người khiêm tốn. Anh nổi tiếng sau khi phát triển thành công phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus BKAV năm 1995, lúc còn đang là sinh viên năm thứ ba của trường đại học. Mười năm sau, anh thành lập công ty để thương mại hóa phần mềm này. Hiện nay, BKAV là một trong những công ty bảo mật lớn nhất Việt Nam. Công ty cũng có một chi nhánh ở Mountain View, California – Trái tim của Thung lũng Silicon. Quang được biết đến là một người nghiện làm việc, và anh cũng nổi tiếng với cái biệt danh “Quảng nổ” và “Quảng quăng bom” do tính cách khoe khoang của mình. Khi lần đầu tiên tiết lộ về Bphone tại triển lãm CES tháng 1/2015, cũng như khi ra mắt sản phẩm hồi tháng 5/2015, Quang dùng những từ như “không thể tin được”, và “kiệt tác” để nói về chiếc điện thoại này. Anh gọi nó là chiếc smartphone tốt nhất thế giới.
“Tôi tin chắc rằng khi cầm nó trong tay, bạn sẽ có suy nghĩ giống tôi: một trong những smartphone đẹp nhất thế giới” – Quang từng nói như vậy trong một sự kiện hồi tháng 5/2015. Tuy nhiên, Quang thường bỏ qua những lời chỉ trích, nói rằng ca ngợi các sản phẩm của công ty là nhiệm vụ của người làm CEO, ngay cả khi việc đó chưa phải là phổ biến ở Việt Nam. Và có vẻ tính cách phô trương đó không phải phải hoàn toàn phản tác dụng. Minh chứng là đã có những người dùng chọn mua Bphone. Nguyen Viet Phu – một người dùng tại Hà Nội và đang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam, đã mua phiên bản Bphone 64 GB màu vàng champagne ngay khi máy được bán ra. Anh muốn xem một chiếc điện thoại Việt Nam trông như thế nào, sau khi làm mất chiếc iPhone 5S của mình. “Bphone thực sự là một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp. Tôi rất hài lòng với thiết bị” – Anh cho biết qua email. Dẫu vậy, phần phản tác dụng có vẻ là nhiều hơn; và rất nhiều người Việt Nam thậm chí còn không biết có sự tồn tại của chiếc smartphone này. Một cặp vợ chồng tìm mua smartphone trong cửa hàng điện tử gần khu phố Pháp sang trọng ở Hà Nội, cho biết họ chưa bao giờ nghe đến thiết bị này. Chứng “cuồng” Apple, Samsung
BKAV không phải là thương hiệu được biết đến nhiều ở Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn quan tâm các tên tuổi cũ, như Nokia, hơn cả BKAV. Tại Việt Nam, Apple và Samsung mới là hai cái tên hiện diện khắp các cửa hàng điện tử. Gần như ở mọi đường phố Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, đều có một cửa hàng chào bán iPhone hoặc sử dụng logo Apple để thu hút khách hàng. Đường Đặng Dung ở trung tâm thành phố là con phố với rất nhiều cửa hàng cầm đồ bán iPhone và iPad. Logo Apple xuất hiện trên mọi thứ, từ mũ bảo hiểm xe máy tới chiếc áo của nữ thợ may ở Hội An. Dù vậy, Apple không có bất kỳ một cửa hàng chính thức (Apple Store) nào ở Việt Nam. “Tôi hiện không có đủ tiền, nhưng nếu có, tôi muốn mua iPhone” – Dao Dat, một thanh niên 20 tuổi đang làm việc bán thời gian và học tiếng Anh, cho biết thông qua một phiên dịch viên ở trung tâm VinPro. Cậu sẽ phải dành dụm khoảng 1 năm để mua được một chiếc iPhone 6. Các cửa hàng bán thiết bị của Samsung cũng rất phổ biến tại Việt Nam, và những tấm bảng quảng cáo của công ty Hàn Quốc tràn ngập trên phố. Samsung đã đầu tư gần 9 tỷ USD trong bảy năm qua để xây dựng các nhà máy ở Việt Nam nhằm lắp ráp các thiết bị như smartphone, tablet, cho tới TV… Hơn một nửa smartphone bán ở Việt Nam trong quý đầu tiên là từ Apple và Samsung, theo công ty phân tích thị trường Strategy Analytics. Người ta không thấy bóng dáng của BKAV ở đâu. Thách thức mà công ty này phải vượt qua là thuyết phục người dùng từ bỏ thương hiệu điện thoại mà họ đang ưa thích để chuyển sang lựa chọn một chiếc điện thoại “được sản xuất tại Việt Nam”. CEO của BKAV tuyên bố Bphone dù là smartphone cao cấp nhưng có giá rẻ, chỉ bằng một nửa so với iPhone hay Galaxy S. Tuy nhiên, khi mà người dùng phải bỏ ra hàng trăm USD cho một chiếc điện thoại, họ sẽ cân nhắc lựa chọn các thương hiệu nổi tiếng hơn – thay vì tìm đến BKAV. “Giá bán của Bphone quá cao. Tôi là người yêu nước và sẵn sàng ủng hộ các sản phẩm 'made in Việt Nam' miễn là giá trị nó mang lại tương ứng với số tiền bỏ ra. Đừng để lòng yêu nước của các bạn bị lợi dụng phục vụ cho mục đích tiếp thị” – một người dùng có tên Anh Tuan để lại bình luận trên các diễn đàn trực tuyến. Việc BKAV chỉ bán hàng với số lượng nhỏ giọt cũng làm mất đi các cơ hội phát triển của Bphone. Việt Nam là quốc gia mà hầu hết người dùng mua thiết bị tại các cửa hàng thực tế, không như ở Trung Quốc – nơi Xiaomi có thể bán được hàng triệu thiết bị bằng con đường online. BKAV chỉ bán hàng trên Internet, và Bphone được bán theo các đợt khác nhau. Đợt hàng đầu tiên bán ra vào 2/6, và đợt hai sẽ được triển khai vào tháng 8/2015. BKAV bán 11.822 chiếc Bphone trong đợt bán đầu tiên, ít hơn khá nhiều so với 2,1 triệu máy mà Xiaomi bán được chỉ trong 12 giờ hồi tháng 4/2015. Doanh số Bphone cũng không thể sánh với iPhone 6 và 6 Plus: 10 triệu máy được tiêu thụ ngay trong tuần lên kệ đầu tiên. Tuy nhiên, theo BKAV, họ không ưu tiên doanh số lên hàng đầu. BKAV cũng nói rằng họ chú trọng để tạo ra ấn tượng tốt với người dùng. Công ty đưa ra chính sách trả máy trong vòng 2 tuần để người dùng có thể dùng thử trước khi quyết định có bỏ tiền mua hay không. Đây là điều hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nơi mà người ta thường quen với việc đã mua là không được trả lại hàng. Tất nhiên, doanh số vẫn sẽ là yếu tố mà BKAV phải hướng đến nếu họ có ý định cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn. Trong tương lai, BKAV cũng dự định mở rộng thị trường ra các nước ở châu Á như Ấn Độ. Thậm chí, công ty có thể sẽ ra mắt sản phẩm ở cả Mỹ trong năm tới hoặc lâu hơn. BKAV đã hợp tác với Qualcomm để kết nối với các nhà mạng viễn thông lớn tại Mỹ như Verizon và AT&T. “Giống như Apple và Samsung, thị trường toàn cầu là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu không có phản hồi tốt ở thị trường nội địa, chúng tôi không thể có những bước chuẩn bị cơ bản để phát triển ra ngoài. Do đó, trong tương lai gần, chúng tôi phải thuyết phục người Việt Nam tin vào sản phẩm này” – Bach Thanh Le cho biết. |
Theo ICTNews