Mông Cổ du ký: Đua ngựa, đấu võ, bắn cung và đêm nhạc kịch trên thảo nguyên
Khi chúng tôi trở về từ thảo nguyên thì Mặt trời đã chênh chếch trên những mái lều, bữa trưa đã được dọn ra: sữa ngựa, bánh quẩy, bánh bột nhân thịt chiên, salad và mì nước nấu với thịt cừu.
Những món Mông Cổ thực sự khó ăn đối với người Việt, vừa đậm mùi, vừa quá thiếu rau. Người Mông Cổ ăn rất nhiều thịt, cũng không thấy có món tráng miệng gì. Có lẽ do thiên nhiên ở đây quá khắc nghiệt, thảo nguyên thì mênh mông, nhưng đất sỏi đá, chẳng thể trồng trọt được gì. Thứ trái cây duy nhất của Mông Cổ mà tôi nhìn thấy trong những ngày ở đây là một giống táo, nhỏ hơn táo mèo ở ta, màu vàng đỏ rất đẹp nhưng ăn hơi bột và có vị chua. Chương trình của chiều nay là một lễ hội Naadam thu nhỏ diễn ra trên thảo nguyên ở khu vực trước ngôi lều chung. Khi tiếng nhạc vang lên đã thấy rất nhiều người dân vùng thảo nguyên tề tựu trên bãi cỏ. Không hiểu họ ở đâu trên thảo nguyên bao la này, vì mấy ngày qua lang thang như vậy mà chúng tôi tuyệt nhiên không thấy một ngôi làng nào. Naadam là một lễ hội gồm những môn thể thao truyền thống gắn liền với cuộc đời du mục của các bộ lạc Mông Cổ, có nghĩa là “ba trò chơi dành cho đàn ông”: Đua ngựa, võ vật và bắn cung. Theo lời hướng dẫn viên thì mỗi gia đình và mỗi bộ lạc đều có cách thuần ngựa riêng biệt và con ngựa nào chiến thắng trong những cuộc đua như vậy thường được giải thương rất lớn, đồng thời là cả niềm tự hào của bộ tộc. Có một cảm giác thật lạ khi đứng giữa thảo nguyên mênh mông trong cái nắng chói chang nghe tiếng vó ngựa dồn dập, cứ lớn dần, lớn dần. Không chỉ những nài ngựa đã đăng ký đua, mà cả khán giả, những người dân địa phương cũng đã nhập vào đoàn đua trên những con ngựa của họ. Ở khu vực trung tâm, tiếng trống nổi lên, báo hiệu cuộc thi võ vật bắt đầu. Võ vật là môn thể thao truyền thống hàng đầu của Mông Cổ và được tổ chức vào mọi lễ hội. Môn vật này diễn ra theo cách đấu cặp và loại trực tiếp, cho tới khi chỉ còn hai đấu sĩ tranh ngôi vô địch. Luật đấu cũng hết sức đơn giản: người nào chạm bất kỳ phần cơ thể nào ngoài bàn chân xuống đất, người đó thua. Người thắng cuộc sẽ nhận được giải thưởng là tiền hoặc gia súc cũng như những biệt danh: đại bàng, voi hay sư tử. Người thua cuộc sẽ phải chui dưới nách người thắng để tỏ lòng kính trọng. Tối cuối cùng trên thảo nguyên là một sự kiện đặc biệt. Chúng tôi rời khu cắm trại khi màn đêm dần buông. Không khí trở nên ẩm ướt hơn theo mỗi bước chân trên cánh đồng cỏ. Sau 15 phút đi xe trên cỏ, chúng tôi bắt đầu phì phò leo dốc. Sỏi lạo xạo dưới chân, thỉnh thoảng lại có người trượt chân. Đi được một đoạn, chúng tôi bắt đầu thả dốc. Không còn đường nữa, những ngọn cỏ đâm vào chân ran rát, hương oải hương phảng phất trong không gian khiến ai cũng như say. Leo tiếp lên một ngọn đồi nữa, chúng tôi được yêu cầu yên vị trên những phiến đá nằm rải rác. Chỉ khi đó chúng tôi mới nhận ra mình đang ngồi giữa một khe núi đá nhỏ giữa thảo nguyên. Vách núi bên kia là một phiến đá lớn được dùng như sân khấu với những ngọn đèn màu hất lên những cái cây thân trắng hiếm hoi. Một sân khấu lộ thiên. Một sân khấu tự nhiên với những bụi hoa dại và cỏ cây làm vật trang trí và bầu trời đêm đầy sao làm phông màn. Khán giả cũng ngồi giữa đá và hoa. Mấy người nằm ngửa mặt ngắm sao. Tùy thích, tự do. Còn gì sướng hơn được hòa mình hoàn toàn vào thiên nhiên để thấy mình là một phần trong đó. Cảm giác ấy khác hẳn cảm giác của một người đóng vai quan sát thiên nhiên. Tiếng đàn hartaig sarlag vang lên, cùng với giọng hát có cảm giác như cả dàn nhạc đang chơi trước mặt. Một giọng hát trong vắt cất lên, vở ca nhạc kịch bắt đầu. Đây là một truyền thuyết của một bài hát ru con, bắt nguồn từ chuyện cổ tích dân gian Mông Cổ về một nàng tiên yêu một chàng trai nơi trần thế. Hai người có một cuộc sống hạnh phúc bên đứa con nhỏ trước khi chiến tranh tràn về và người chồng ra trận. Để cứu đất nước khỏi mọi tai ương thảm khốc, nàng tiên được gọi về Trời và trước khi giã từ đứa con bé bỏng nàng đã hát bài hát ru ấy. Bài hát ngày nay những người mẹ Mông Cổ vẫn hát ru con: “Linh hồn của mẹ vẫn luôn bên con. Mẹ để lại cho con núi đồi, rừng cây, bầu trời, trăng sao và thảo nguyên bao la. Mỗi khi nhớ mẹ, con hãy nhìn chúng để thấy mẹ luôn bên con…”. Nghệ sĩ là một diễn viên nổi tiếng của Mông Cổ, cô đã đoạt nhiều giải thưởng châu Âu với giọng hát của mình. Lội bộ trên con đường mòn trên thảo nguyên trở về lều, tôi còn tiếc nuối hái những ngọn oải hương cuối cùng trong bóng tối. Mùi oải hương đã theo tôi vào giấc mơ cuối cùng trong căn lều nhỏ trên thảo nguyên, tôi không còn nhớ giấc mơ ấy, chỉ nhớ duy nhất hình ảnh cuối cùng trong vở ca nhạc kịch: nàng tiên mọc lại đôi cánh và bay về trời. Hình đôi cánh trắng vỗ nhịp nhàng, bóng in trên vách đá giữa thảo nguyên bao la và giọng hát thần tiên đã bay lượn mãi trong trí nhớ của tôi.
Bài và ảnh: Trần Thùy Linh |
Theo TTVH