Còn quá ít dữ liệu về “Trái Đất thứ 2”- Kepler-452b
VOV.VN – Đây là nhận định của bà Heike Rauer, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Không gian Đức khi nhận xét về hành tinh mới đang gây xôn xao Kepler- 425b.
Ngày 23/7, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố, tàu thăm dò vũ trụ Kepler đã phát hiện “Trái Đất thứ hai”. “Trái Đất thứ hai” được đặt tên là Kepler-452b, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus. Thậm chí, nhiều trang báo đã đưa ra những nhận định cho rằng rất có thể có sự sống trên hành tinh mới được tìm thấy này. Thế nhưng, trả lời phỏng vấn trên tờ báo Deutsche Welle (Đức), nhà khoa học Heike Rauer, Giám Đốc Bộ phận nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ mặt trời tại Trung tâm Không gian Đức cho rằng vẫn còn rất ít dữ liệu để khẳng định liệu hành tinh Kepler-452b có phải là “Trái Đất thứ 2” hay không.
VOV.VN xin được giới thiệu với bạn đọc đoạn phỏng vấn nhà khoa học Heike Rauer với phóng viên của trang Deutsche Welle (DW). DW: Người ta nói rằng hành tinh mới được phát hiện Kepler-452b là một “hành tinh giống Trái Đất.” Chính xác điều này có nghĩa là gì? Heike Rauer: Điều này có nghĩa là hành tinh này phải có những đặc điểm tương tự như Trái Đất của chúng ta. Nó phải được tạo nên từ đá, có một bầu khí quyển có oxi để duy trì sự sống, và phải có nước trên bề mặt. Nó cũng phải có một khoảng cách thích hợp với ngôi sao của nó giống như khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời, và cuối cùng chu kỳ quỹ đạo của nó nằm trong khoảng 1 năm. DW: Liệu rằng có phải hành tinh Kepler- 425b đã đáp ứng được những tiêu chí trên? Heike Rauer: Những dữ liệu thông tin mà chúng ta có về Kepler- 425b là kích thước của nó gấp 1,6 lần kích thức Trái Đất, có chu kỳ quỹ đạo dài 385 ngày. Có thể nói, chu kỳ quỹ đạo này khá tương tự với một năm ở trên Trái Đất. Thậm chí, ngôi sao của Kepler- 425b tương tự như Mặt Trời, ở một khoảng cách gần giống với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Các nhà khoa học Mỹ đã ước tính kích thước của Kepler- 425b dựa trên sự thống kê, tính toán và lý thuyết. Họ cho rằng khả năng hành tinh mới được tạo nên từ đá ở mức 50%- nhưng cũng có nghĩa rằng Kepler- 425b có thể chỉ là một hành tinh khí. Chúng ta vẫn chưa biết liệu Kepler- 425b có bầu khí quyển hay không.
DW: Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về hành tinh mới bằng cách nào nào trong thời gian tới? Heike Rauer: Chúng ta phải tiến hành dần từng bước một. Vệ tinh Kepler của NASA có khả năng phát hiện một hành tinh ở rất xa chúng ta. Tôi vui mừng về điều đó. Chúng tôi đang thiết lập sứ mệnh nối gót Kepler mang tên PLATO ở châu Âu- nó sẽ được cất cánh trong vòng 10 năm kể từ bây giờ. Sứ mệnh PLATO, về cơ bản tương tự như Kepler, tuy nhiên chúng tôi muốn tìm các hành tinh được chiếu sáng thích hợp và có thể tính toán được khối lượng của nó chứ không phải là dự toán. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem liệu hành tinh có được cấu thành từ đá hay không. Sau khi tìm hiểu, một vệ tinh sẽ được phóng lên mang sứ mệnh đo bầu khí quyển của hành tinh được tìm thấy. Về sứ mệnh PALTO Ủy ban Chương trình Khoa học của Cơ quan Không gian châu Âu ESA đã quyết định chọn sứ mệnh PLATO cho giai đoạn 2015 – 2025, với vụ phóng dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2024. Là tổ hợp gồm 34 kính viễn vọng nhỏ và camera, PLATO sẽ dõi theo hoạt động của các hành tinh xoay quanh 1 triệu ngôi sao phát sáng tương tự như Mặt Trời, nhằm tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy hành tinh này có sự sống hay không. Sứ mệnh của PLATO nhằm phát hiện và phân tích các hành tinh nằm ở khoảng cách thích hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt. Dự kiến, PLATO sẽ được tên lửa Soyuz đưa lên không gian từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana của Pháp vào năm 2024, với sứ mệnh ban đầu kéo dài 6 năm. DW: Theo bà, việc phát hiện ra hành tinh Kepler-452b có phải là một mốc quan trọng trong nghiên cứu không gian hay không? Heike Rauer: Đó là sự tiến bộ. Bởi chúng ta đã tìm thấy một hành tinh có khả năng được tạo thành từ đá, có quỹ đạo thực sự rất giống với quỹ đạo của Trái Đất. Bên cạnh đó thì chúng ta không có nhiều dữ liệu hơn nữa. Đối với tôi, “cột mốc quan trọng” là khi chúng ta có thể thốt lên rằng: “Chúng ta chỉ không biết kích thước của hành tinh này, nhưng chúng ta biết được khối lượng của nó”. Tuy nhiên, với Kepler- 452b điều này vẫn chưa được rõ. DW: Bà nghĩ gì trước những thông tin về Kepler- 452b đăng tràn ngập trên các mặt báo hiện nay? Heike Rauer: Đối với các phương tiện truyền thông, có thể nói thể này: Sự tưởng tượng bao giờ cũng kích thích hơn nhiều đối với sự thật khô khan, cứng nhắc. Có thể sau này, khi chúng ta đã tìm thấy một hành tinh thực sự giống Trái Đất- một hành tinh mà có thể chắc chắn nó được tạo nên từ đá, có oxy- thì chúng ta sẽ nhớ lại rằng đã từng có rất nhiều hành tinh cho rằng “giống Trái Đất” được đưa tràn ngập trên báo chí. Trí tưởng tượng của con người thường đi trước nghiên cứu khoa học một bước.
DW: Bà có cho rằng có sự sống tồn tại trên hành tinh mới được phát hiện? Heike Rauer: Một số người cho rằng điều này có khả năng cao vì hành tinh mới có mọi yếu tố cần thiết để cấu thành nên sự sống. Còn tôi cho rằng nó chỉ là một khả năng (trong nhiều khả năng khác). Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng Trái Đất chúng ta không cô đơn. Nhưng điều khiến tôi hứng thú hơn cả là tất cả chúng ta đang bắt đầu quan tâm đối với vấn đề này. Đây thực sự là một cột mốc quan trọng. Bạn nên nhớ rằng chúng ta là thế hệ đầu tiên của loài người nhận thức được rằng có những hành tinh khác ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Hy vọng với công nghệ tiên tiến, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này trong một tương lai không xa. DW: Chúng ta sẽ không bao giờ có thể đặt chân đến Kepler- 452b được phải không bà? Heike Rauer: Hành tinh này cách chúng ta hơn 1.400 năm ánh sáng. Nó quá xa chúng ta. Để đến được hành tinh này sẽ mất hàng triệu năm. Thật không may, hệ thống khoa học kỹ thuật của chúng ta chưa có khả năng làm được điều này./. |
Theo VOV