Những làn sóng âu lo
Thật không thể tin nổi, năng lượng tinh thần truyền đi còn nhanh hơn dịch sốt thổ tả thời Marquez.
Franz Anton Mesmer – bác sỹ người Đức nổi tiếng thế kỷ 18 với khái niệm “trường sinh học” cho rằng mỗi sinh vật trên thế giới này đều kết nối, đóng góp, cũng như chịu ảnh hưởng của một trường sinh học (nôm na như chúng ta kết nối mạng vậy). Mặc dù không hoàn toàn thuyết phục được các nhà khoa học về tính ứng dụng (Mesmer đã công khai chữa bệnh cho hàng nghìn người bằng “trường sinh học” của ông nhưng giới y học cho rằng hiệu quả chữa trị nếu có, cũng chỉ là tự kỉ ám thị của bệnh nhân mà thôi), nhưng khái niệm “trường sinh học” của Mesmer lại được các nhà nghiên cứu xã hội tìm hiểu và tán đồng. Gustave Le Bon, khi viết tác phẩm nổi tiếng “Tâm lý học đám đông” cũng có nhắc đến “cái thùng nước của Mesmer” (Mesmer khi quá nổi tiếng với tài trị bệnh bằng cảm xạ, đã cho đóng những thùng gỗ lớn, cho đầy nước và mạt sắt, sau đó hàng chục bệnh nhân đứng vào để ông ta truyền năng lượng sinh học của mình chữa trị cho họ cùng lúc, cho nhanh). Gustave Le Bon đặt câu hỏi, điều gì đã dẫn dắt đám đông làm theo? Là năng lượng sinh học tích cực của Mesmer, hay là niềm tin của chính đám đông ấy vào những điều họ tiếp nhận?Le Bon cho rằng, đó là niềm tin của đám đông. Bây giờ, ở thế kỷ 21, đám đông của Mark Zuckerberg có sáng suốt hơn thế kỷ 18 của Mermes hay không? Sự kết nối dễ dàng, nhanh chóng của hệ thống thông tin (mạng xã hội, các trang tin điện tử và báo điện tử…) hiện nay đã tạo ra rất nhiều sự thay đổi tích cực của cơ chế vận hành xã hội. Chưa bao giờ cơ chế truyền tin và phản hồi lại nhanh chóng đến vậy. Buổi sáng, một trang mạng truyền đi cảnh công an xô xát với dân. Buổi trưa, hàng chục, hàng trăm nghìn người chia sẻ, bình luận về hình ảnh ấy. Và buổi chiều, đại diện công an chính thức có câu trả lời. Càng thu được những “thành quả” mau chóng, dư luận càng say mê với việc kết nối và chia sẻ, đồng thời cũng càng dễ dàng thả mình vào những làn sóng thông tin dồn dập bất tận. Những cá nhân, càng lúc càng dễ trở thành đám đông. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Khi trở thành một phần của đám đông, bạn sẽ phải chơi cuộc chơi của đám đông ấy. Buổi sáng của bạn bắt đầu với việc lướt Facebook và vui buồn theo cộng đồng Facebooker 30 triệu người. Diễn biến tâm lý của bạn trồi sụt theo giờ, với những làn sóng thông tin, mà trớ trêu thay, phần nhiều chả liên quan gì đến bạn cho lắm. Hai nam ca sĩ nhục mạ nhau vì một hợp đồng độc quyền một giọng ca mới nổi. Một vụ thảm sát kinh hoàng cướp đi 6 mạng người. Những người thân lừa nhau vì tiền. Những vụ vợ giết chồng, con từ bố… Những thông tin kiểu đó luôn chiếm quá nửa, và là nửa trên, mục Tin được xem nhiều nhất của các báo điện tử. Chúng ta bình phẩm, phán xét và phẫn nộ với bất cứ thứ gì mà nhiều người quan tâm. Chúng ta lao vào những cuộc tranh luận, đưa quan điểm, và chia phe “ném đá” nhau như những tín đồ sẵn sàng tử vì đạo. Lúc này, lý thuyết về “trường sinh học” của Mesmer đã được tích hợp với “mạng xã hội” của Mark Zuckerberg gây ra những hiệu ứng chưa từng có. Gần như ngày nào tôi cũng đọc được những dòng chia sẻ của bạn bè, người quen, kiểu như: Mọi sự đều đảo điên, thật không thiết sống ở đây nữa; Buồn, lo sợ, chán nản, cô đơn; Có ai hiểu tôi không? vv&vv… Là một cá thể không thể rời bỏ cộng đồng, dần dà tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những năng lượng tiêu cực này. Tôi cố gắng tránh, bằng cách bỏ kết bạn với nhiều người. Nhưng tôi không thể bỏ đọc báo, xem tin, không thể bỏ giao tiếp, và vì thế, nhiều khi tôi thấy mình yếu đuối và nản chí. Tình cờ, một buổi tối, tôi ghé một quán nước vỉa hè uống trà đá. Cặp vợ chồng đã đứng tuổi và 2 người con trai thất nghiệp vừa pha đồ uống mang ra cho khách vừa rủ rỉ chuyện trò, động viên nhau. Tôi nhìn cách họ tươi cười trìu mến đối xử với nhau và với khách, giật mình nhận ra, đã từ rất lâu, mình tưởng như chủ động, mà thực ra là thụ động tiếp nhận những nguồn năng lượng quá tiêu cực. Trong khi những điều cơ bản và ấm áp, tin cậy và chân thành, từ bạn bè, từ gia đình và người thân, lại dễ dàng quên lãng và bỏ qua. Tôi nhận cốc trà đá từ người chủ quán, cảm nhận một nguồn năng lượng tích cực của sự lạc quan được truyền qua nó. Có lẽ, đó mới là thứ mà Mermes muốn gửi gắm cho hậu thế. Có lẽ, đó mới là mong ước của Mark Zuckerberg khi xây dựng mạng xã hội Facebook – một cuốn album ảnh để lưu giữ và truyền đi những nụ cười. Phạm Gia Hiền |
Theo Giao Thông