Săn rắn độc ở… Sài Gòn
TT – Dù thường xuyên đối diện với những hiểm họa chết người, những người săn bắt rắn độc vẫn bám nghề mưu sinh.
Vào buổi chiều mưa cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Lợi (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) đi ra phía sau nhà mau mắn ôm một con trăn tầm 80kg, dài hơn 3m ra bảo: “Trăn này nhà tui nuôi nhìn to lớn như vậy mà hiền khô không cắn ai, chứ còn hổ mang mà “chạm” (cắn) thì có khi mất mạng”. Theo dấu rắn độc Ngồi dưới mái hiên nhà tuềnh toàng ven sông Sài Gòn, ông Lợi tiếp tục hoàn thành công đoạn cuối cùng là gắn hom cho những lọp bẫy hổ mang. Theo ông Lợi, từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch hằng năm là thời điểm rắn vào mùa sinh sản, phát triển và đi kiếm ăn nhiều. Hổ mang còn gọi là hổ đất được nhiều người săn lùng vì đang có giá khá cao. Nhiều tay săn bắt hổ mang bằng đủ cách như đào đất, chích điện nhưng bắt bằng lọp hiệu quả hơn. Lọp có hình trụ dài 1m, đường kính 15cm, có gắn một cái hom để khi rắn hám mồi (cóc, chuột) chui vào trong không thể thoát ra ngoài. Ông Lợi nói: “Thấm thoát tui đã theo nghề bắt hổ mang 12 năm. Khi đó, tui đang làm nghề đặt trúm lươn thì thấy người ta bắt rắn kiếm tiền triệu liền tìm tòi bắt chước”. Sau đó, nhiều người thấy ông Lợi kiếm tiền khá dễ dàng nên cũng làm theo. Người bắt rắn ngày càng nhiều, còn rắn ngày càng thưa dần. Có những nơi không còn rắn do trước kia là đồng ruộng nay đã được xây dựng nhà máy, cất biệt thự. Nghề này không cần nhiều vốn, chỉ cần vài chục đến vài trăm cái lọp bẫy, mỗi cái chi phí khoảng 20.000 đồng. Lọp này cần gia cố chặt chẽ bằng dây kẽm bởi hổ mang rất khỏe, chỉ cần có kẽ hở là có thể thúc lọp phóng ra ngoài. Mồi khoái khẩu dùng để bẫy hổ mang là những con cóc được ông Lợi soi bắt ở những gốc cây, mảnh vườn trong xóm. Ông Lợi nói: “Có khi đặt lọp là có rắn liền, có ngày được 4-5 con bán cả triệu đồng, có khi cả tháng cũng chẳng có con nào”. Từ những lần đi đặt trúm bắt lươn, ông Lợi nắm bắt được những nơi ẩn mình của hổ mang. Đó là những nơi có đất khô ráo ven sông Sài Gòn, ở khu vực gần cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, sông Vàm Thuật… Đó là những bờ đập nơi đồng ruộng có nhiều thức ăn (chuột, cóc) mà rắn ưa thích. “Đường chuột đi thì có dấu chân, đường rắn hổ đi thì bóng nhẵn, rắn sẽ xâm chiếm lãnh thổ của chuột, mình căn cứ vào đó để đặt lọp” – ông Lợi nói. Ông Lợi bảo đã làm nghề, không chỉ riêng ông mà bất cứ ai cũng tự nhủ phải luôn cẩn thận, bởi chỉ cần sơ sẩy là bị rắn “chạm”, tiền mất tật mang. Ông cho biết: “Khi nó mới vô lọp rất hung dữ, cái đầu bành ra khè khè phì hơi liên tục, mới đầu cũng sợ nhưng riết rồi quen”. Có lần ông Lợi thót tim khi đang cắt tiết mật hổ mang bán cho khách thì bất ngờ bị cắn vào tay. “Tui sơ ý bị cắn nhưng may là da tay của tui dày nên không sao” – ông nhớ lại. Bám nghề mưu sinh Ông Lợi có vợ và hai con gái, thu nhập của gia đình chủ yếu từ nghề bắt cá, bắt lươn nhiều năm nay. Nghề săn hổ mang thường làm vào mùa mưa phần nào giúp ông trang trải sinh hoạt gia đình. Dù nhiều người săn bắt chuyên nghiệp giải nghệ do hổ mang ngày càng hiếm nhưng ông Lợi tiếp tục bám nghề để xoay xở tiền ăn học cho con. Còn ông Võ Văn Dũng (51 tuổi, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) đã có hơn 15 năm trong nghề bắt rắn. Sáng 9-7, chúng tôi cùng ông Dũng đi thăm lọp bẫy rắn đặt rải rác ở các bụi cây cỏ rậm rạp nằm giữa cánh đồng thuộc xã Tân Phú Trung. Vừa rẽ đám cỏ nhìn vô lọp, ông Dũng la lên: “Có rắn rồi, hổ hành tầm 400 gram”. Ông mau chóng nhấc lọp rồi tay thoăn thoắt bắt rắn bỏ vô túi lưới. “Con này là rắn không độc nên dùng tay như vậy, chứ hổ mang, hổ chúa hay rắn lục đuôi đỏ thì chớ có đụng vào” – ông Dũng nói. Ông Dũng bảo không nhớ nổi mình đã bắt bao nhiêu con rắn thuộc nhiều loại khác nhau, trong đó có cả hổ mang và rắn lục đuôi đỏ. Thời gian đầu, ông bắt chủ yếu bằng cách đào bới các hang hốc, mô đất. Ba năm nay ông chuyển hẳn qua đặt lọp bẫy rắn. Lọp này làm bằng lưới sắt có chiều dài 60cm và hai hom để rắn chui vào. Trong lọp chứa mồi nhử là con chuột còn sống, được đặt men theo hàng rào, lùm cây. Khi rắn thấy bóng chuột loáng thoáng trong lọp từ xa sẽ chui vào hom để bắt mồi. Số lọp đặt rắn của ông Dũng ban đầu là 60 cái nhưng bị mất cắp giờ chỉ còn 20. Riêng với rắn lục đuôi đỏ chỉ sống là đà trên cây hoặc lùm cỏ, ông Dũng dùng cây đè đầu rắn rồi mới bỏ vào túi lưới. “Thỉnh thoảng có người đặt rắn lục đuôi đỏ làm thuốc thì tôi đi bắt. Rắn này giá bèo chưa tới 20.000 đồng/con mà khi bị cắn thì tốn tiền tốn bạc lắm” – ông nói.
NGỌC KHẢI
|
Theo Tuổi Trẻ