Đề thi, đáp án môn Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia: Thầy không làm được, bắt trò làm
Đọc đề thi, đáp áp Ngữ văn THPT Quốc gia 2015, mặc dù được nhiều ý kiến ngợi khen, song cũng khiến không ít người giật mình bởi quá nhiều bất cập, sai sót.
Đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2015 Đề thi, đáp án máy móc Ở phần “Đọc – hiểu”, sau khi trích một đoạn trong bài thơ “Hát về một hòn đảo” của Trần Đăng Khoa, đề nêu 4 yêu cầu thí sinh (TS) phải thực hiện. Trong đó, yêu cầu số 3: “Chỉ ra và nêu hiệu quả của phép tu từ trong câu thơ “Những quần đảo long lanh như ngọc dát” là quá đơn giản đối với một học sinh (HS) lớp 12. Đúng ra, đây là yêu cầu dành cho đối tượng HS tiểu học. Câu hỏi 2 yêu cầu TS thể hiện khả năng “hiểu” về nội dung đoạn thơ, cụ thể là tìm dẫn chứng chứng minh cho nhận định “cuộc sống gian khổ và hiểm nguy của người lính trên đảo”. Một TS có kiến thức và kỹ năng đạt chuẩn về môn Ngữ văn, khi đọc kỹ đoạn thơ sẽ cảm nhận được rằng, cái quan trọng mà nhà thơ muốn biểu đạt trong đoạn thơ này không hẳn là sự gian khổ, nguy hiểm. Những “bão dữ tợn” và “miệng cá mập” nào có phải là những tình huống hiểm nguy có thể thường xuyên đe dọa người lính đảo như đối với người dân chài bể Đông? Nội dung trữ tình đoạn thơ là “bài ca bằng nhịp trái tim” với biển đảo thiêng liêng, thể hiện tinh thần lạc quan, tinh thần đồng đội chia sẻ, đoàn kết, niềm tin và hi vọng về tương lai Tổ quốc. Nếu nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc đề thi này, không hiểu ông sẽ nghĩ sao khi có người buộc giới trẻ phải hiểu thơ ông như một bài văn tả cảnh? Xem đáp án càng thấy rõ sự máy móc của đề ra. Ngay khi tác giả viết “Chúng tôi coi thường gian nan”, thì Bộ GD – ĐT lại “lẩy” từ “gian nan” đưa vào đáp án, coi đó là biểu hiện của sự “gian khổ và nguy hiểm” (?!). Từ một hình ảnh thơ đầy lãng mạn, say đắm: “Vầng trăng lặn dưới chân lều bạt. Hắt lên chúng tôi nhếnh nhoáng vàng”, thì đáp án “lẩy” riêng ra từ “lều bạt” để yêu cầu TS “hiểu” đó là biểu hiện của “gian khổ và nguy hiểm” trong cuộc sống của người lính đảo. Yêu cầu số 4: “Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với những người lính đảo” thực chất là cảm nhận, vượt quá phạm vi yêu cầu “Đọc – hiểu”. Đề tiếp tục mắc lỗi này trong phần tiếp theo.
“Hội chứng vô cảm” là “cấu trúc bản chất Con – Người”? Đoạn trích bài văn nghị luận Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa (sách Bài tập Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014), để thực hiện 4 yêu cầu “đọc – hiểu” tiếp theo làm chúng tôi ngạc nhiên. Tác giả nhận định: “Hội chứng vô cảm… vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người của mỗi sinh thể người” (?!) Trong “hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người” thì “hội chứng vô cảm” thuộc về “phương diện” nào? “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Con người lúc sinh ra bản tính lương thiện), chỉ có con người sống trong môi trường xã hội phi nhân, phi luân đến mức nào đó mới nhiễm “hội chứng vô cảm”. Ngay cả loài vật, dù là động vật bậc thấp cũng không hề “vô cảm”. Câu kết đoạn văn tiếp tục phạm lỗi nặng về logic: “Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm”. “Sự xuống cấp nghiêm trọng… về bệnh vô cảm” thì là một điều phúc đức cho xã hội chứ làm sao lại khiến “bạo lực xuất hiện dữ dằn” được?! Câu số 7: “Tác giả đã thể hiện thái độ gì khi bàn về hiểm họa vô cảm trong đời sống hiện nay?” là một yêu cầu khó. Đáp án nêu: “lo ngại, trăn trở…” theo chúng tôi là chưa đầy đủ. Các khả năng: “phê phán mạnh mẽ thói vô cảm” hay “bức xúc trước thực trạng xuống cấp về ý thức nhân văn…” hay “mỉa mai lối sống thực dụng, vô cảm…” đều có thể chấp nhận được. Yêu cầu số 8: “Anh/chị suy nghĩ như thế nào khi có những người “chỉ lo túi tiền rỗng nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”? một lần nữa lại vượt quá yêu cầu “đọc – hiểu”. Đây thực chất là một yêu cầu nghị luận, nhưng vấn đề lại quá đơn giản, một chiều, nên không biết TS sẽ phải “suy nghĩ” như thế nào. Ngay cả người ra đề cũng “bí”, nên trong đáp án đành nêu ra một phương án chung chung: “Thể hiện được suy nghĩ chân thành, sâu sắc trước hiện tượng…”. Quả là quá khó cho giám khảo. Không hiểu giám khảo sẽ dựa vào đâu để đánh giá đó là “chân thành” hay giả dối? “Đánh đố” Câu I phần Làm văn (thực ra trong phần “đọc – hiểu” đã có đến 2 câu “làm văn” rồi) đưa ra một vấn đề quá đơn giản, một chiều, nên đáp án lúng túng, trùng lặp.
Theo đó, chỉ cần TS viết đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết luận) là có được 0,25 điểm; chỉ cần chép lại đề ra “việc rèn luyện kĩ năng sống cũng quan trọng như việc tích lũy kiến thức” là có thêm 0,5 điểm. Chưa hết, khi TS “giải thích ý kiến”, lại có thêm 0,25 điểm nữa. Với ý kiến nêu trên, còn biết “giải thích” ra sao, nếu không phải là chép lại lần nữa đề ra? Với các yêu cầu: “Khẳng định ý kiến nêu ra là đúng hay sai, hợp lí hay không hợp lí; Bày tỏ thái độ, suy nghĩ về ý kiến…; bài học bản thân”, TS có thêm 1,5 điểm nữa. Vấn đề trên, chỉ cần viết vài dòng thể hiện thái độ “đồng ý”, “tầm quan trọng”, “rút bài học”…và nêu vài ba ví dụ “liên hệ” mà giám khảo không thể kiểm chứng được, là TS cơ bản ẵm trọn điểm tối đa. Câu II, phần “Làm văn” là kiểu ra đề mang tính chất “đánh đố” TS, trái với nguyên tắc dạy học – cảm thụ văn học. Đề bài dẫn đoạn trích từ truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, rồi yêu cầu TS trình bày cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn văn đó. Để cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm văn học, đòi hỏi độc giả phải đọc toàn bộ tác phẩm, chắt lọc từ tất cả các chi tiết, tình huống liên quan đến nhân vật. Với yêu cầu nói trên, TS chỉ dựa vào đoạn văn để đánh giá nhân vật, tất yếu sẽ dẫn đến phiến diện, có thể sai lầm. TS buộc phải nhớ lại, liên hệ lại tất cả các chi tiết, lai lịch, hành vi, số phận của nhân vật này. Nếu vậy, thì đưa đoạn trích vào đây để làm gì?.
Yêu cầu kèm theo của đề cũng làm khó TS: “Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa”. Từ một đoạn trích ngắn trong một truyện ngắn có dung lượng khá lớn như Chiếc thuyền ngoài xa, để bắt TS làm cái việc nhìn cây để thấy rừng là một việc làm thiếu khoa học. Đọc đáp án, càng thấy rõ sự bất cập và phi lý của đề ra, khi mà với chỉ từ “đoạn trích trên”, TS có thể cảm nhận được tất tần tật từ “cuộc đời, số phận (nghèo khổ, bất hạnh…); tính cách, phẩm chất (cam chịu, giàu đức hi sinh, thấu trải lẽ đời…); nghệ thuật xây dựng nhân vật…”. Yêu cầu “sáng tạo” với số điểm 0,5 là: “Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận”. Với một đề tài được “cày đi xới lại” năm này qua năm khác theo phương pháp “đọc – chép”, có lẽ ngay cả giáo viên xuất sắc nhất cũng phải bó tay không nghĩ ra được cái gì “mới mẻ” về nhân vật, vậy mà nay lại yêu cầu HS thực hiện! Có lẽ Bộ GD – ĐT nghĩ rằng yêu cầu của kì thi quốc gia phải cao như vậy mới xứng tầm. Thực chất, yêu cầu “sáng tạo” thì nêu cho “đủ lệ bộ” vậy thôi, chứ các chuyên gia của Bộ GD – ĐT cũng không chỉ ra được.
Với đề thi và đáp án như vậy, giáo viên và HS phổ thông sẽ khó mà được biết nên đổi mới dạy học môn Ngữ văn theo hướng nào? |
Theo Lao Động