Cá còi xuất ngoại
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân chuyên “săn” cá còi (hay còn gọi là cá thòi lòi) ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ăn nên làm ra bởi luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Loài cá này được thương lái thu gom rồi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Sáng nào cũng vậy, khi thủy triều rút xuống là hàng chục phụ nữ, đàn ông ở các thôn Ninh Phú, Đông Hải, Yên Lộc, Mỹ Điền… của xã Đa Lộc kéo nhau ra biển để “săn” cá còi. Đồ nghề cho 1 ngày “úp mặt” ngoài bãi triều là chiếc giỏ đeo bên mình hoặc thêm 1 chiếc cần câu. “Săn” cá còi có 2 cách: dùng tay đào “tổ” hoặc để cá bò lên mặt nước đi kiếm ăn rồi câu. Đang nhấn đôi tay xuống bùn để cào đất lên tìm cá, bà Trần Thị Thủy cho biết nghề này không biết có từ khi nào. “Cá còi có nhiều ở các bãi lầy thuộc cửa sông, biển, nơi mực nước không cao và lên xuống trong ngày. Loài cá này thường đào lỗ sống sâu dưới bùn như lươn, chạch” – bà Thủy nói. Cá còi được thương lái thu mua rồi xuất qua Trung Quốc Ông Vũ Văn Cần (ngụ thôn Yên Lộc) tung chùm lưỡi câu sắc nhọn ra xa, nơi có những chú cá còi đang thoăn thoắt chạy trên mặt nước sình lầy rồi nhanh tay giật chùm lưỡi trở lại. Đàn cá thấy động lao nhanh về tổ nhưng cũng có những con không kịp chạy đã bị lưỡi câu xuyên ngang mình. Bỏ cá vào giỏ, ông Cần cho biết: “Ở vùng biển Hậu Lộc này, thủy triều thường rút vào thời điểm 8-9 giờ nên bà con đào, câu cá đúng vào giờ “nóng” nhất trong ngày; khoảng 13-14 giờ, nước lại lên cao thì không bắt được nữa”. Theo người dân địa phương, cá còi ăn thơm ngon, béo hơn cả thịt nên được thị trường ưa chuộng. Khoảng vài năm trở lại đây, cá còi được xuất sang Trung Quốc rất nhiều nên mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Đầu vụ, 1 kg cá còi thương lái thu mua tới 200.000-250.000 đồng, nhiều gia đình có 2 vợ chồng đi bắt cá thu được bạc triệu mỗi ngày là chuyện không hiếm. “Bây giờ giá bán chỉ còn 100.000 đồng/kg nhưng được cái là lúc nào cũng “cháy hàng”, cá mang lên tới bờ là có người tới thu mua” – ông Cần nói. Theo ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, đào bắt cá còi tuy không phải nghề chính nhưng mang lại thu nhập cao cho người dân. “Mấy năm gần đây, vùng triều ngày một thu hẹp, gây khó khăn cho người dân đánh bắt cá tự do nên chúng tôi đã phối hợp với lực lượng biên phòng yêu cầu các hộ nuôi ngao không được cắm cọc cách chân đê kè 500 m, giúp cho tàu bè ra vào thuận lợi và quan trọng hơn là giữ lại vùng triều để người dân có nơi đào bắt cá” – ông Đỉnh thông tin. Bài và ảnh: Tuấn Minh |
Theo NLĐ