Đề văn không như mong đợi
TT – Với đề văn năm nay, thí sinh cho rằng đề thi quen thuộc và hay, nhưng nhiều giáo viên cho rằng đề thi không gây bất ngờ và chưa tạo được sự hứng thú…
Sau đây là ý kiến của các giáo viên * Cô Hoài Thanh (giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội): Thiếu chất tạo hứng thú Đây là một đề thi dễ, các câu hỏi đều rất cơ bản, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Nếu trong đề thi minh họa, nhiều giáo viên có cảm giác sự phân loại học sinh sẽ nằm ngay ở phần câu hỏi đọc hiểu thì câu đọc hiểu ở đề văn này quá đơn giản, chỉ dừng ở mức kiểm tra trình độ “nhận biết”. Phần nghị luận xã hội nhiều năm qua vốn là điểm sáng của đề thi văn, kể cả đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng đề thi năm nay câu hỏi nghị luận xã hội không có gì mới. Câu hỏi nghị luận văn học các năm trước thường là câu hỏi để phân hóa. Cách đặt câu hỏi với phần này có thể theo hướng đổi mới trong việc dạy văn học văn hiện nay, tạo cơ hội cho thí sinh bày tỏ suy nghĩ cá nhân, sáng tạo. Tuy nhiên câu hỏi nghị luận văn học trong đề thi năm nay lại rất cơ bản, cách hỏi truyền thống, việc đưa đoạn trích để “giới hạn nội dung văn bản” giúp học sinh đỡ lan man, tập trung khai thác dẫn chứng trong đoạn trích, có lợi cho thí sinh. Nhưng cũng chính vì thế mà câu hỏi ở phần này không bất ngờ, không hay. Nhìn chung, với đề thi này, thí sinh sẽ dễ có điểm cao. Đây là hướng ra đề thi an toàn trong bối cảnh lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “hai trong một”, nhưng chính vì thế mà khiến nhiều người thất vọng khi đã quá kỳ vọng vào một đề văn tạo cảm hứng bất ngờ. * Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định): Có thể hứng thú đối với học sinh THPT So với đề minh họa về môn văn thi THPT quốc gia của bộ thì cấu trúc đề thi, dạng câu hỏi không bất ngờ nhưng có thể hứng thú đối với học sinh THPT. Hầu hết các em đều được ôn luyện chu đáo về các dạng bài này: các dạng câu hỏi phần đọc hiểu, các dạng đề phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Đề thi gần với thực tiễn đời sống, tâm lý lứa tuổi như vấn đề kỹ năng sống, biển đảo… và mang tính giáo dục cao: nhận thức về lối sống và cách nhìn cuộc sống, con người trong xã hội hiện đại đầy phức tạp. Đề thi có tỉ lệ kiến thức cơ bản (mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng) khoảng 60%. Để đạt 5 – 6 điểm không khó, phù hợp với học sinh dùng kết quả để xét tốt nghiệp. Nhưng phần nâng cao trong câu nghị luận văn học với những thí sinh thi đại học khối C – D không quá khó, tuy vẫn đòi hỏi kiến thức sâu sắc và kỹ năng kiểu bài và diễn đạt tốt.
* Cô Lê Thị Tuyết Anh (giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM): Các trường ĐH top đầu sẽ khó tuyển Cái hay của đề thi chỉ có thể kể ở câu 1, câu hỏi về đọc – hiểu đã ra theo đúng tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, câu hỏi về nghị luận xã hội và nghị luận văn học có phần nhẹ hơn so với đề thi tuyển sinh đại học năm ngoái. Nếu xét một cách khách quan: câu hỏi về nghị luận văn học cũng có đổi mới chút xíu. Từ trước tới nay, học sinh đã quá quen với bài văn mẫu “Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu” thì nay đề thi liệt kê ra hẳn một đoạn trích và yêu cầu thí sinh phân tích nhân vật người đàn bà trong đoạn trích mà thôi (tức là thí sinh phải có kỹ năng phân tích đoạn văn). Nói chung, câu hỏi này chưa thật sự phát huy được sự sáng tạo của học sinh. Dạng đề như thế này, dự đoán phổ điểm sẽ là 7 điểm. Với đề thi như năm nay, các thí sinh sẽ rất mừng vì đa số các em đều làm bài được. Tuy nhiên, tính phân hóa thí sinh của đề thi không cao, khó đạt được mục tiêu hai trong một của kỳ thi. Các trường ĐH tốp đầu sẽ rất khó tuyển sinh vì không biết đâu là những học sinh có năng lực văn chương thật sự. * Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM): Không thấy rõ sự đổi mới Đề thi văn không thấy rõ sự đổi mới như chủ trương Bộ GD-ĐT đã công bố. Chúng tôi mong chờ một đề thi có tính tổng hợp kiến thức của nhiều bài, một đề thi yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng lập luận, so sánh, đối chiếu, phải thể hiện sự tích lũy kiến thức dài lâu của mình. Tôi có cảm giác đề thi này giống như đề kiểm tra học kỳ chứ không phải một đề thi THPT mang tầm cỡ quốc gia. Nguyên nhân vì nó không đạt được mục tiêu đổi mới cách dạy và học văn mà Bộ GD-ĐT đã định hướng. Câu hỏi về nghị luận văn học không thuộc dạng “mở” mà thuộc dạng “trói”, có tính chất học tủ. Bởi đây là câu hỏi được mong chờ nhất về tính đột phá lại chỉ gói gọn trong một đoạn trích và một tác giả.
V.HÀ – N.HÀ – H.HG. – L.TRANG (ghi)
|
Theo Tuổi Trẻ