Bước đi bất ngờ của Hy Lạp phút sinh tử
Theo CNN, trong một động thái bất ngờ, Hy Lạp hôm 30/6 đã trình lên các chủ nợ đề xuất cứu trợ kéo dài 2 năm mới, kèm một kế hoạch tái cấu trúc nợ.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, chính phủ nước này đã đề xuất một thỏa thuận 2 năm với Cơ chế Bình ổn châu Âu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của Athens, và nhằm tái cấu trúc nợ đồng thời.
“Hôm nay (30/6), Chính phủ Hy Lạp đã đề xuất một thỏa thuận 2 năm với Cơ chế Bình ổn châu Âu nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của Athens và việc tiến hành tái cấu trúc nợ (diễn ra đồng thời). Hy Lạp vẫn đang đàm phán”. Cơ chế Bình ổn châu Âu được hiểu là quỹ cứu trợ thường trực của Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, được khởi động từ 2012. Mục tiêu của chương trình này là duy trì ổn định tài chính trong khu vực đồng Euro. Đề xuất bất ngờ trên của Hy Lạp được đưa ra trong bối cảnh hạn chót gói cứu trợ dành cho Athens gần kề, cũng là thời điểm quốc gia châu Âu này đáo hạn khoản vay trị giá 1,5 tỷ Euro (tương đương 1,6 tỷ USD) đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quyết định trên được xem như là nỗ lực cuối cùng vào phút chót của chính quyền Athens, với hy vọng có thể khai thông được tình trạng bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán, thương lượng với các chủ nợ của nền kinh tế châu Âu này. Người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro Joroen Dijsselbloem nói rằng, các bộ trưởng tài chính khu vực sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn để thảo luận về đề xuất trên của Hy Lạp mà nhóm này vừa nhận được. Theo Thủ tướng Tsipras, Athens sẽ phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng ở nửa sau 2015 và có thể cả 2016, do không nhận được 7,2 tỷ Euro còn lại của gói cứu trợ thứ hai và cũng không thể tiếp cận được các thị trường vốn quốc tế. Cuối tuần qua, Thủ tướng Hy Lạp đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 về các biện pháp thắt chặt của nhóm chủ nợ. Các lãnh đạo châu Âu cho rằng, đây thực chất là cuộc bỏ phiếu có cho Hy Lạp ở lại khu vực đồng Euro hay không. Hãng tin AP cho biết, trước đó, khi được hỏi liệu Hy Lạp có khả năng thanh toán được khoản nợ đúng hạn với IMF vào ngày 30/6 hay không, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã đáp lại rằng: “Không thể”. Theo đó, Hy Lạp có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên không thể trả nợ đúng hạn cho IMF, hãng AP cho hay. Nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán, Hy Lạp sẽ bị tuyên bố vỡ nợ và có thể phải rời khu vực đồng Euro. Thanh Vân |
Theo VietnamNet