Ấn Độ tập trận trên biển chống Trung Quốc
BizLIVE – Dù còn dè dặt trong việc mời Úc và Nhật cùng tham gia cuộc tập trận quy mô nhất của mình sắp mở ra với Mỹ, Ấn Độ đang lên kế hoạch mở những cuộc thao diễn hải quân với một loạt quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ RK Dhowan (thứ 4 từ trái sang) trước hàng không mẫu hạm INS Viraat tại Bombay, 20/04/2015 – REUTERS/Shailesh Andrade Dù còn dè dặt trong việc mời Úc và Nhật cùng tham gia cuộc tập trận quy mô nhất của mình sắp mở ra với Mỹ, Ấn Độ đang lên kế hoạch mở những cuộc thao diễn hải quân với một loạt quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, RFI đưa tin.
Theo thông tin được nhật báo Ấn The Economic Times tiết lộ vào hôm 27/06/2015, mục tiêu của các cuộc tập trận song phương đó là để đối phó với Trung Quốc. Nhiều nguồn thạo tin vào hôm 26/6 xác nhận rằng trong những tháng tới đây, Ấn Độ sẽ tổ chức một loạt các cuộc tập trận hải quân song phương với các nước quan trọng trong vùng Châu Á, từ Úc, Nhật Bản, Indonesia cho đến Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar và Singapore. Đáng chú ý hơn cả là năm nay sẽ là lần đầu tiên mà Hải quân Ấn Độ tập trận song phương với Úc, nhân cuộc thao diễn mang tên IN-RAN mở ra từ 30/10 đến 04/11, cũng như cuộc tập trận JIMEX với Nhật Bản diễn ra sau đó vào giữa tháng 11. Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ cũng sẽ rèn luyện năng lực cùng với các nước ngoài vùng trong các cuộc tập trận như Malabar với Mỹ, Konkan với Anh và Indra với Nga. Riêng cuộc diễn tập Varuna với Pháp đã được tổ chức trên Biển Ả Rập vào hai tháng Tư và Năm vừa qua. Theo các nhà phân tích, động cơ thôi thúc Ấn Độ tăng cường các cuộc tập trận là mối quan ngại của New Delhi trước việc Bắc Kinh không ngừng phô trương uy lực quân sự và thể hiện thái độ quyết đoán trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận Hải quân song phương nằm trong một kế hoạch tổng thể nhằm chống những mũi tiến công mang tính chiến lược của Trung Quốc vào các vùng bên trong và bên ngoài Ấn Độ Dương. Trong kế hoạch tổng thể đó, Ấn Độ đang dần xây dựng “nhịp cầu hàng hải” với các nước khác trong khu vực. Bốn chiến hạm Ấn Độ chẳng hạn, hiện đang công tác tại Biển Đông và tại miền Nam Ấn Độ Dương và Biển Đông trong khuôn khổ chính sách “Hành động hướng Đông”. TRỌNG NGHĨA Tin liên quan
Cùng dòng sự kiện
|
Theo BizLive