Chửi thề “đại náo” mạng xã hội
TTO – Những lời nói tục, chửi thề, nói tiếng lóng không chỉ phát ra từ miệng nhiều bạn trẻ, mà còn là loại ngôn ngữ như “mã độc” lan truyền khắp mạng xã hội.
Nạn nói tục, chửi thề, sử dụng những tiếng lóng thiếu văn hóa trong giao tiếp đang hiện hữu ở khắp mọi nơi. Bàng hoàng nạn nói tục tràn lan mạng xã hội Một fanpage có tên “Hội những người chửi tục tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện” (?!) đăng tải nhiều nội dung là những lời chửi bậy được cộng đồng thành viên Facebook like (thích) và chia sẻ. Hiện tại fanpage đã thu hút hơn 15.000 lượt người like. Nhiều fanpage khác cũng thu hút hàng nghìn lượt like như “Hội những người chửi tục có văn hóa” (14.000), “Nói tục chửi bậy thì đã sao” (hơn 2.200 lượt like)… Trang tinnhandep.com còn có một loạt bài “Tổng hợp những câu chửi nhau hay nhất” gồm 3 phần hoặc “Tổng hợp những status chửi nhau cực độc”. Mỗi bài tổng hợp như vậy, trang web này thu hút trên dưới 1.000 lượt thích và chia sẻ. Bạn Kiều My (ĐH Kinh tế TP.HCM) hoảng sợ: “Trên Facebook, các bạn hay dùng những kiểu viết tắt thay cho lời nói tục như Đm, đờ mờ, clgt, douma,…”. My cho biết nhiều thành viên trên mạng xã hội còn chế ảnh các ca sĩ, diễn viên kèm theo tiếng chửi thề để thực hiện chức năng bình luận bằng hình ảnh. Thậm chí, nhiều nhân vật trong các phim hài do sinh viên thực hiện cũng không ngại… văng tục. Ngoài ra nhiều trang web, fanpage còn đăng tải tổng hợp những câu chửi tục, tiếng lóng của nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh,…
Nói tục, viết tục để chứng tỏ bản thân Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương – nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) – cho biết: “Thực trạng nói tục trong bạn trẻ hiện nay phổ biến, rất phản cảm. Càng ngày các bạn càng xem thường mọi người, nói tục vô tư, bất chấp có người xung quanh”. Thạc sĩ (ThS) tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết ở bất kỳ thời kỳ nào cũng sẽ có những đối tượng nói tục, chửi thề hoặc dùng tiếng lóng. Ngày xưa bạn trẻ không tiếp xúc với tiếng Anh, tiếng Mỹ, còn ngày nay ngoài việc nói tục bằng tiếng Việt, việc nói tục bằng tiếng nước ngoài cũng khá phổ biến. Các bạn trẻ vốn thích cái mới. Ngay từ giai đoạn tiểu học đến THCS, các bạn đã để ý xung quanh, muốn chứng tỏ, thể hiện bản thân. Vì vậy khi nghe người này người kia nói tục không bị ai phản ứng, các bạn nghĩ là bình thường rồi làm theo hình thành thói quan văng tục. PGS Văn Như Cương cho rằng nguy hiểm là một số trường hợp bạn trẻ văng tục như một phản ứng tự nhiên, như câu cửa miệng. Nói tục bây giờ không chỉ thể hiện ở văn nói mà còn bị xuất hiện bằng văn viết. Các bạn nói nhưng không nhận thức được mình đang nói gì, từ ngữ ấy có ý nghĩa gì. “Giả sử có nghĩ đến trước rồi nói thì còn tạm chấp nhận, nhưng không nghĩ mà nói thì rất nguy hiểm” – PGS Văn Như Cương nhấn mạnh. Và càng nguy hiểm hơn khi những bạn trẻ xung quanh không thể hiện thái độ phản đối mà lại cười đùa như ủng hộ, nghiễm nhiên thấy việc ấy bình thường. Xã hội phải bày tỏ thái độ Ông Cương cho rằng ở tuổi học sinh, các bạn hiếm khi nói tục, đến tuổi sinh viên thì nhiều hơn một chút và nhiều nhất là những đối tượng thanh niên vô công rỗi nghề hay tụ tập quậy phá. Nguyên nhân là các đối tượng này không được sinh hoạt trong môi trường tập thể nên tha hồ nói bậy. Theo ThS Hòa An, những quy tắc ứng xử, nội quy trong nhà trường có thể sẽ có tác dụng ngược khi càng cấm bạn trẻ càng tò mò và muốn thực hiện. Bạn trẻ phải tự ý thức về hình ảnh cá nhân của mình trong mắt mọi người xung quanh. Khi giao tiếp lịch sự, hình ảnh bạn sẽ lên cao, để lại ấn tượng tốt, mang đến cho bạn nhiều cơ hội trong cuộc sống, phải hiểu những lời nói tục có ý nghĩa tiêu cực như thế nào và người nghe sẽ cảm thấy khó chịu ra sao. PGS Văn Như Cương cho rằng phải chú trọng biện pháp giáo dục. Nếu như nhà trường đã có nội quy thì gia đình cũng nên dạy con em về lời ăn tiếng nói. Tránh việc cha mẹ văng tục làm con học theo. Quan trọng hơn hết là xã hội nên có thái độ phản đối, không ủng hộ khi thấy ai đó nói tục, viết tục. Mọi người đừng trở nên vô cảm vì sợ bị liên lụy sau khi có thái độ phản đối, hoặc vì thấy chuyện nói tục quá bình thường mà không quan tâm.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu: >> PGS. TS. Phạm Văn Tình >> PGS Văn Như Cương >> ThS tâm lý Đào Lê Hòa An VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG – TÀI PHONG
|
Theo Tuổi Trẻ