9 sự kiện quan trọng về vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ
Một máy bay ném bom Su-24 của Nga đã bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở khu vực biên giới với Syria hôm Thứ Ba (24/11). Moscow và Ankara đã đưa ra những lời giải thích khác nhau về sự cố này. Sau đây là 9 thông tin đáng chú ý về sự kiện trên.
1. Máy bay của Nga bị bắn rơi lúc 9 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) hôm Thứ Ba (24/11)
“Hôm nay, vào lúc 9 giờ 30 phút, máy bay của Nga, đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, bị một máy bay của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ”, Bộ quốc phòng Nga viết trên trang Facebook chính thức của họ. Bộ này nói hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là “hành động thiếu thân thiện”.
2. Máy bay rơi xuống vùng do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria
Chiếc máy bay đã rơi xuống lãnh thổ Syria hiện do các tay súng người Thổ thiểu số kiểm soát. Khoảng 2.000 người Thổ được cho là đang chiến đấu trong các lực lượng chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad, theo người đứng đầu hội đồng người Thổ ở Syria, Abdurrahman Mustafa.
3. Một phi công được cứu sống, người kia thiệt mạng
Hoa tiêu Konstantin Murakhtin đã sống sót trong sự cố này sau khi bật dù kịp ra khỏi máy bay. Anh được đưa tới căn cứ không quân Nga ở Latakia sau một nhiệm vụ giải cứu kéo dài 12 giờ. Cơ trưởng Sergey Rumyantsev, cũng nhảy dù khỏi máy bay, đã thiệt mạng.
“Murakhtin đã được mang tới căn cứ tối qua. Chúng tôi đã gặp nhau vào buổi sáng trong bữa sáng. Ít ra thì nhìn anh ấy vẫn ổn. Các bác sĩ nói anh ấy không ở trong tình trạng nguy hiểm tính mạng”, phóng viên của đài RT Roman Kosarev nói. Korasev là nhà báo đầu tiên nói chuyện với Murakhtin.
4. Quân nổi dậy người Thổ nói đã bắn chết các phi công khi họ nhảy dù ra
Phó tư lệnh tiểu đoàn người Thổ ở Syria tuyên bố đã bắn chết cả hai viên phi công khi họ đang nhảy dù. Tuy nhiên, hoa tiêu Konstantin Murakhtin đã được cứu sống. Một đoạn video đăng trên mạng chiếu cảnh một phi công Nga nằm dưới đất, vây quanh là những người đàn ông đang ca tụng thánh Allah.
5. Thổ Nhĩ Kỳ nói chiếc máy bay vi phạm không phận nước này và họ đã 10 lần gửi đi cảnh báo
Trong một lá thư cho Liên Hiệp Quốc bị rò rỉ trên mạng, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ đã cảnh báo hai chiếc máy bay của Nga 10 lần năm phút trước khi những chiếc phản lực chiến đấu F-16 của họ bắn tên lửa không đối không vào máy bay Nga. Lá thư nói họ không rõ quốc tịch của các máy bay này và khẳng định các máy bay đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Yayladagi, tỉnh Hatay.
Trong một tuyên bố sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói Ankara chỉ thực thi quyền bảo vệ biên giới của mình: “Thổ Nhĩ Kỳ không muốn sự kiện này thêm căng thẳng. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bảo vệ quyền hợp pháp với đường biên giới của chúng tôi”.
6. Phi công Nga nói chiếc máy bay chưa vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và không nhận được cảnh báo
Viên hoa tiêu được cứu sống Konstantin Murakhtin khẳng định chiếc máy bay chưa vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và anh không nhận được cảnh báo nào, dù bằng hình ảnh hay sóng vô tuyến, trước khi máy bay của anh trúng đạn. “Không thể nào có chuyện chúng tôi xâm phạm không phận dù chỉ là một giây”, Murakhtin nói. “Chúng tôi đang bay ở độ cao 6.000 mét trong thời tiết hoàn toàn quang đãng, và tôi hoàn toàn kiểm soát được đường bay”.
Nga nói chiếc máy bay đã bị bắn hạ khi đang trong không phận Syria.
7. Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc vi phạm chủ quyền Syria
Hội đồng tham mưu liên quân Nga nói một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đuổi theo chiếc Su-24 của Nga đã xâm phạm không phận Syria. Bộ trưởng ngoại giao Syria Walid Muallem nói sự cố này cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và chính phủ của ông đang “hỗ trợ bọn khủng bố” ở Syria.
8. Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức thông báo cho các đồng minh NATO
Theo Bộ quốc phòng Nga, một trong những động thái đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố là thông báo cho các đồng minh NATO trong khi phớt lờ những yêu cầu trao đổi từ Nga. Liên minh quân sự này đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ với Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh NATO của chúng tôi”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói sau một cuộc gặp khẩn cấp.
9. Nga nghi ngờ đây là một kế hoạch khiêu khích
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói việc bắn rơi máy bay Nga có thể là một hành động khiêu khích được lên kế hoạch từ trước. “Chúng tôi nghi ngờ rằng hành động này không phải là vô ý. Nó rất giống với một hành vi khiêu khích đã được lên kế hoạch trước”, ông Lavrov nói. Ông dẫn ra bằng chứng là việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối liên lạc với Nga, rất nhiều đoạn video về sự kiện này, và các bằng chứng khác.
Ngay cả cựu phó tham mưu trưởng không quân Mỹ, thiếu tướng Tom McInerney, cũng bình luận: “Chiếc máy bay (của Nga) không có ý định tấn công lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ… có lẽ nó đi quá giới hạn một chút, nhưng bạn không bắn rơi máy bay của người khác chỉ vì thế. Tôi không tin Tổng thống Erdogan, tôi cho rằng đó là một hành động khiêu khích và chúng ta không thể coi đây là một hành động tương ứng với điều khoản bảo vệ đồng minh. Đây hẳn là một hành vi đã được lên kế hoạch từ trước”.
Theo vntinnhanh.vn